Đề Toán có đáng để “lao xao”?

GD&TĐ - Liên quan đến đề thi Toán tại Kỳ thi THPT quốc gia 2018, ngay sau khi kết thúc môn thi, đã có nhiều ý kiến cho rằng đề thi có nhiều câu hỏi khó; thậm chí một số thầy cô giáo và chuyên gia có tên tuổi về Toán học trả lời trên các phương tiện thông tin đại chúng rằng đề quá khó, không thể làm hết được những câu hỏi. Thực hư câu chuyện này là gì?

Đề Toán có đáng để “lao xao”?

Trước khi trả lời câu hỏi ở trên, thiết nghĩ cũng nên nhắc lại một ý kiến đáng lưu tâm của một vị PGS Toán học rằng chỉ với những câu hỏi trong phần cuối đề thi (phần phân loại sâu), đã mất gần cả tiếng đồng hồ mới làm được vài câu và phải bỏ dở giữa chừng vì… chán quá.

Có lẽ, câu chuyện của vị PGS này là nổi tiếng nhất và được dẫn nhiều nhất trong các ý kiến về độ khó của đề thi môn Toán trong Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Tuy nhiên, phản biện của nhiều thầy cô giáo cũng như các nhà Toán học khác lại cho rằng có hai câu chuyện ở đây:

Thứ nhất, cách dạy và học Toán thay đổi theo thời gian và đòi hỏi luôn có sự trau dồi, chỉ cần tốt nghiệp THPT khoảng 10 năm, quay lại giải một bài toán thuộc dạng khó của lớp 12, phải đòi hỏi người giải tìm lại các kiến thức cũ, nhất là nhớ lại những công thức đã lâu không sử dụng tới, mà chỉ những người đang hoặc vừa học xong mới ghi nhớ trong đầu đã quen với những dạng thức đề này.

Ngay cả các GS Toán học, về mặt lý thuyết có thể đủ để viết ra vài chục cuốn sách, nhưng với một đề toán cụ thể, nhất là dành cho HS bậc THPT, thì chắn chắn có những người đã 30 - 40 năm không lưu tâm đến, hay nói các khác, nó không thuộc phạm trù nghiên cứu của họ. Nhưng, nếu có thời gian rà soát lại khối kiến thức Toán học THPT mà họ cất giữ đã lâu trong kho tàng kiến thức cá nhân, chắc chắn không ai kêu khó nữa,

Thứ hai, Kỳ thi THPT quốc gia vốn phục vụ cho mục tiêu “hai trong một” (vừa tốt nghiệp THPT, vừa lấy điểm xét tuyển vào ĐH, CĐ), do đó đòi hỏi tính phân loại cao. Không chỉ riêng với đề môn Toán, mà tất cả các đề thi đều có những câu hỏi mang tính phân loại như vậy: Những câu hỏi dành cho HS trung bình, những câu hỏi dành cho HS khá, cuối cùng là những câu hỏi dành cho HS giỏi và xuất sắc.

Chỉ cần HS trung bình khá, đạt điểm thi 5 - 6 điểm là đã có thể yên tâm về kết quả xét tốt nghiệp THPT; những HS từ khá trở lên, với kết quả điểm cao hơn là những người “cạnh tranh” vào ĐH, CĐ. Bởi đã lấy điểm xét tuyển là có tính cạnh tranh, người học giỏi, điểm cao thì cơ hội càng lớn, thế nên đề thi càng phân loại sâu là điều đương nhiên.

Đó cũng chính là lý do trong kỳ thi vừa qua, đại diện các đoàn kiểm tra thi của Bộ GD&ĐT cũng cho rằng khó có “mưa” điểm 10 môn Toán như trước đây, nhưng sẽ đánh giá đúng thực lực HS và triệt tiêu lối dạy “tủ”, học “mẹo”.

Liên quan đến đề thi môn Toán, cũng xin cung cấp thêm thông tin tới bạn đọc là trước một số ý kiến cho rằng câu hỏi 16 - mã đề 109 bài thi môn Toán Kỳ thi THPT quốc gia 2018 chưa chặt chẽ, không có đáp án chính xác, Bộ GD&ĐT đã có câu trả lời.

Cụ thể ngay khi nhận được phản ánh về Câu 16 - mã đề 109 bài thi Toán của Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Tổ ra đề thi Toán rà soát kỹ lưỡng, đồng thời tham khảo rộng rãi ý kiến các chuyên gia Toán học về nội dung này.

Kết quả rà soát của Tổ ra đề thi và ý kiến của chuyên gia gửi đến đều thống nhất khẳng định: Câu 16 mã đề 109 là câu hỏi quen thuộc với HS, tương tự câu hỏi, bài tập ở SGK Giải tích lớp 12, trang 78, và có đáp án hoàn toàn chính xác. Cùng với đó, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu Tổ ra đề thi Toán rà soát thật kỹ các câu hỏi khác mà các thầy, cô giáo và HS quan tâm. Kết quả rà soát của Tổ ra đề thi khẳng định các câu hỏi khác trong đề thi có đáp án hoàn toàn chính xác.

Bộ GD&ĐT cũng cho biết đã nhận được phản ánh từ các thầy, cô giáo, HS và phản ánh từ báo chí. Tuy nhiên, tất cả các ý kiến được nêu ra mới là những dự đoán và chỉ được xác thực sau khi hoàn tất công tác chấm thi kỳ thi trên phạm vi toàn quốc. Dựa trên dữ liệu điểm thi của thí sinh, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục công bố phân tích phổ điểm của các môn thi, bài thi để đánh giá về đề của kỳ thi, trong đó có đề thi bài thi Toán.

Vì vậy chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm và không phải “lao xao” nhiều về đề thi môn Toán.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.