Đưa ra nhận xét trên, cô Dương Thị Hải Yến (Trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ) đồng thời cho biết: Đề thi tham khảo có cấu trúc hợp lí giữa các nội dung kiến thức và kĩ năng, phù hợp với chương trình môn học.
Nội dung kiến thức đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng bộ môn, phù hợp với lực học của học sinh. Đề bảo đảm đủ 4 cấp độ nhận thức: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao; có sự phân hóa rõ ràng.
Chia sẻ cách ôn tập tốt cho học sinh với dạng đề thi này, cô Dương Thị Hải Yến cho rằng, giáo viên nên chú trọng ôn tập các kiến thức cơ bản theo chủ đề bảo đảm chuẩn kiến thức, kĩ năng.
Đồng thời, tăng cường luyện tập các dạng câu hỏi trắc nghiệm khách quan bảo đảm phù hợp với tỉ lệ của các cấp độ nhận thức. Với học sinh cũng vậy, cần tích cực ôn tập nắm chắc chuẩn kiến thức, kĩ năng và cần vận dụng các kiến thức vào các tình huống cụ thể trong cuộc sống hàng ngày.
Cũng nhận định về đề thi tham khảo Giáo dục công dân, theo cô Lê Thị Thu Nga (Trường THPT Tam Nông, Phú Thọ), đề có nội dung kiến thức phù hợp với đối tượng học sinh, nằm trong nội dung chương trình sách giáo khoa; có câu hỏi khó nhằm phân loại học sinh tương đối tốt, mức độ khó tăng dần giúp phân loại được khả năng thực sự của học sinh.
"Tuy nhiên, tỉ lệ phần kiến thức lớp 11 ít so với nội dung kiến thức lớp 12 (chỉ có 8/40 câu)" - cô Lê Thị Thu Nga góp ý.
Chia sẻ kinh nghiệm ôn tập, cô Nga cho rằng, trước tiên cần phân loại đối tượng học sinh; ôn tập từ lí thuyết đến thực hành thông qua hệ thống câu hỏi và bài tập cụ thể; đồng thời kiểm tra đánh giá thường xuyên với nhiều hình thức khác nhau.
"Để ôn tập tốt, học sinh lưu ý chủ động ôn tập kiến thức lí thuyết; làm đầy đủ các bài tập sách giáo khoa và nghiêm túc thực hiện các yêu cầu về kiểm tra đánh giá của bộ môn" - cô Lê Thị Thu Nga lưu ý thêm.