Để thí sinh nghèo yên tâm

GD&TĐ - Kỳ thi THPT quốc gia đang cận kề. Đến nay các địa phương đã hoàn tất khâu chuẩn bị, đặc biệt là công tác hỗ trợ thí sinh. Nhờ sự chung tay của ngành Giáo dục và địa phương nên có nhiều suất cơm, nước, chỗ trọ, chuyến xe miễn phí sẵn sàng phục vụ thí sinh…

Lực lượng tình nguyện viên tiếp sức mùa thi sẽ hỗ trợ thí sinh và phụ huynh trong suốt kỳ thi. Ảnh: Q. Ngữ
Lực lượng tình nguyện viên tiếp sức mùa thi sẽ hỗ trợ thí sinh và phụ huynh trong suốt kỳ thi. Ảnh: Q. Ngữ

Không để thí sinh nghèo bỏ thi

Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp lưu ý Ban Chỉ đạo thi và lãnh đạo các địa phương trong tỉnh. Do địa bàn rộng, nhiều nơi thí sinh hoàn cảnh còn khó khăn nên công tác hỗ trợ thí sinh được địa phương hết sức quan tâm.

Theo Sở GD&ĐT Đồng Tháp, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, toàn tỉnh có 13.146 thí sinh đăng ký dự thi, tổ chức 30 điểm thi, với 560 phòng thi. Các điểm thi đặt tại các trường THPT, THCS, trung tâm giáo dục thường xuyên ở 12 huyện, thị xã, thành phố. Riêng học sinh Trường THPT Hồng Ngự 2 và Trường THPT Long Khánh A thuộc huyện Hồng Ngự được bố trí thi tại thị xã Hồng Ngự.

Đối với công tác chuẩn bị Kỳ thi THPT quốc gia, ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan chỉ đạo và bố trí các điểm thi bảo đảm các điều kiện thuận lợi về giao thông đi lại, nơi ăn nghỉ cho thí sinh; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; công tác bảo vệ, an ninh trật tự tại các điểm thi.

Đoàn Thanh niên, UBND huyện, thị, thành và các đơn vị liên quan hỗ trợ, giúp đỡ các thí sinh là con em gia đình chính sách, hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tham dự kỳ thi. Không để thí sinh phải bỏ thi vì điều kiện kinh tế hay đi lại khó khăn.

Đến nay, các địa phương trong tỉnh Đồng Tháp đã sẵn sàng hỗ trợ thí sinh. Theo thông tin từ Huyện đoàn Lai Vung, hiện tại đã vận động được 2.000 chai nước, 200 viết (bút) đễ hỗ trợ cho thí sinh.

Bên cạnh đó, Huyện đoàn thành lập 3 Đội thanh niên tình nguyện Tiếp sức mùa thi tại 3 điểm thi: THPT Lai Vung 1, THPT Lai Vung 2 và THPT Lai Vung 3. Tại mỗi điểm có khoảng 15 thanh niên tình nguyện hỗ trợ thí sinh và phụ huynh khu vực ngồi chờ thí sinh thi, hỗ trợ các sự cố xe, quên giấy báo dự thi hoặc giấy tờ cần thiết khác cho thí sinh…

Ở vùng đất mũi Cà Mau, công tác hỗ trợ thí sinh cũng được ngành Giáo dục và các đơn vị lên kế hoạch thực hiện từ rất sớm. Tham gia kỳ thi năm nay, toàn tỉnh Cà Mau có 9.349 thí sinh với 16 điểm thi. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau Nguyễn Minh Luân: “Tỉnh Cà Mau quyết tâm không để thí sinh nào phải bỏ thi do hoàn cảnh khó khăn.

Hiện tại, 16 đội sinh viên tình nguyện tại các huyện, thành phố đã sẵn sàng tiếp sức thí sinh. Tình nguyện viên sẽ tiếp sức thí sinh và phụ huynh từ việc đi lại, ăn, ở và hỗ trợ thí sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn thông qua đội hình xe ôm giá rẻ, xe ôm miễn phí, hỗ trợ nước uống, thức ăn nhẹ, phát đồ dùng học tập cho thí sinh có nhu cầu khi dự thi, trao đổi kinh nghiệm ôn thi, làm bài thi...”.

Đã thành thông lệ, đến Kỳ thi THPT quốc gia, nhiều nơi ở tỉnh Vĩnh Long tổ chức nấu cơm miễn phí cho học sinh trong suốt thời gian ôn thi và dự thi. Kỳ thi năm nay, tỉnh Vĩnh Long chuẩn bị sẵn sàng hàng nghìn suất cơm hỗ trợ thí sinh.

Theo thông tin từ Đoàn Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, đã vận động được 2.000 suất cơm miễn phí và bố trí 60 sinh viên tình nguyện để hỗ trợ thí sinh. Còn Đoàn Trường ĐH Xây dựng miền Tây cũng vận động được 2.000 suất cơm để các sĩ tử ấm lòng, yên tâm dự thi.

Trường còn hỗ trợ thí sinh và người thân việc đi lại, ăn uống, hỗ trợ nơi ở tại ký túc xá trong suốt kỳ thi. Theo chị Nguyễn Thụy Yến Phương - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Vĩnh Long, từ ngày 24 - 27/6, các đội hình tiếp sức mùa thi, sinh viên tình nguyện sẽ đồng loạt ra quân trong toàn tỉnh. Lực lượng tình nguyện viên đẩy mạnh đội hình xe ôm miễn phí, cấp phát nước, tư vấn mùa thi, giữ gìn trật tự giao thông...

Đội xe tình nguyện chở thí sinh đã sẵn sàng phục vụ. Ảnh: Q. Ngữ
  • Đội xe tình nguyện chở thí sinh đã sẵn sàng phục vụ. Ảnh: Q. Ngữ

Bến đò, phà bảo đảm an toàn tuyệt đối

Đồng bằng sông Cửu Long có địa hình sông, kênh, rạch chằng chịt, nhiều nơi học sinh đến trường thi phải qua phà, đò. Để bảo đảm an toàn cho thí sinh, các địa phương đã tăng cường kiểm tra, vận động các chủ phà, đò bảo đảm an toàn tuyệt đối cho thí sinh trong những ngày thi. Tỉnh Đồng Tháp đã ra quân kiểm tra, nhắc nhở các bến đò, phà hoạt động an toàn, kịp thời.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các bến phà, đò ngang ở các huyện, thị tạo mọi điều kiện để đưa rước thí sinh, cán bộ, giáo viên, giảng viên không đến trễ giờ thi. Lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường công tác thanh tra giao thông trong những ngày thi, không để ùn tắc giao thông trước, sau khi thi xong từng buổi thi.

Tại tỉnh Vĩnh Long, theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Giám đốc Sở GD&ĐT, toàn tỉnh có 23 điểm thi bố trí tại 8 huyện, thị, thành. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, các điểm thi có khoảng cách đến nhà thí sinh dưới 15km, khá thuận lợi cho thí sinh tham gia thi.

Đối với thí sinh nhà xa địa điểm thi, các trường phối hợp với phụ huynh và địa phương hỗ trợ đưa rước thí sinh. Đặc biệt, ở những nơi thí sinh phải qua phà để đến điểm thi, Sở cũng sẽ kết hợp với địa phương hỗ trợ cho các em qua phà an toàn, bảo đảm đúng thời gian.

Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát.

Chủ tịch thành phố yêu cầu các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải hành khách bằng ô tô, bến xe khách các quận, huyện có phương án bố trí bổ sung phương tiện bảo đảm an toàn kỹ thuật, tăng số chuyến trong thời gian diễn ra kỳ thi, đáp ứng nhu cầu đi lại của thí sinh và nhân nhân.

Bố trí lực lượng, phương tiện tham gia bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn trong mọi tình huống. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với lực lượng cảnh sát đường thủy có kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự tại các bến tàu và trên phương tiện trong quá trình hoạt động vận tải.

Đình chỉ và xử lý nghiêm các phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, không đăng ký, đăng kiểm, không trang bị đủ áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh, cứu đắm... Đặc biệt là tại các bến phà, bến đò khách đưa rước học sinh đi thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...