Căng mình “chạy nước rút”
Thời điểm nóng bỏng này, hầu hết các em học sinh đều tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để ôn luyện. Em Phạm Thị Quyên (trường THPT Việt Đức, Hoàn Kiếm, Hà Nội) không giấu được vẻ lo âu, “Mặc dù ngay từ đầu năm học, em đã tập trung cao độ cho việc học, chủ yếu học ôn kiến thức lớp 12 nhưng khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa, em phải tập trung cao độ để biết làm thuần thục các dạng đề khác nhau”.
Cùng tâm trạng lo lắng trước kỳ thi THPT Quốc gia, em Ngô Việt Hưng (trường THPT Thăng Long, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Kiến trức trải dài từ lớp 11 đến lớp 12 mà thời gian ôn tập còn quá ít, ngày nào em cũng phải "cày" cả ngày lẫn đêm, mỗi ngày chỉ ngủ có 4 tiếng nên nhiều lúc cũng bị đau đầu, chóng mặt”.
Thời gian này, các trường hầu như đã dừng việc ôn tập để học sinh tự hệ thống lại kiến thức các môn học. Tuy nhiên, do tâm lý lo lắng nên nhiều em vẫn đăng ký các lớp luyện thi tại trung tâm.
Em Đặng Ngọc Diệp, học sinh trường THPT Lê Quý Đôn (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Sau khi trường dừng lịch học ôn, em và các bạn phải tìm các lớp luyện thi để tăng cường phương pháp và kỹ năng giải đề. Ở nhà, em cũng dành phần lớn thời gian để lên mạng tìm những đề thi năm ngoái để làm thử, câu nào không làm được thì ghi lại nhờ bạn bè hoặc thầy cô giải đáp”.
Không thể ghi điểm nhờ mẹo hay thủ thuật
Thầy Lại Tiến Minh (ĐH Kiến trúc Hà Nội) cho rằng: “Kiến thức thuộc phạm vi lớp 11 chiếm tỷ lệ khoảng 30% trong đề bài song đã thi trắc nghiệm thì đơn vị kiến thức nào các em cũng phải học kỹ. Ngoài việc nắm vững kiến thức, đề thi còn đòi hỏi các em hiểu bản chất để có thể vận dụng thành thạo chứ không dập khuôn, máy móc”.
Đồng quan điểm, thầy Phạm Đức Duẩn - giáo viên trường THPT Cổ Loa nhận định: Từ đề thi minh họa có thể thấy Bộ GD&ĐT đòi hỏi học sinh phải có kiến thức bao quát trên nhiều lĩnh vực. Nếu ôn thi theo kiểu học “học tủ”, học sinh sẽ rất khó hoàn thành bài thi.
Trong những ngày ôn thi cuối cùng, nhiều học sinh cảm thấy hoang mang vì không biết mình đã ôn luyện đủ hay chưa? Những thông tin “gây nhiễu” về cách học tủ, phán đoán đề thi được chia sẻ rộng rãi trên mạng khiến nhiều em băn khoăn. Thực tế, đòi hỏi các em phải bình tĩnh để ôn luyện kiến thức sao cho khoa học, giảm thiểu sai sót.
Cũng theo thầy Minh: Khi thi đi, các em không nên đặt nặng tâm lý mình sẽ được bao nhiêu điểm mà hãy nghĩ mình sẽ cố gắng như thế nào? Áp lực về điểm số là một trong những nguyên nhân khiến nhiều em có tâm lý căng thẳng, mất tự tin. Mặt khác, trong quá trình ôn tập cũng như làm bài, các em nên nhớ đạt điểm cao trắc nghiệm là nhờ sự tư duy chứ không phải nhờ mẹo hay thủ thuật.
Những nhận định, hỗ trợ tâm lý cũng như hướng dẫn ôn luyện cho thấy tâm huyết và tấm lòng của thầy cô gửi gắm tới học trò, hi vọng các em "chạy nước rút" thành công cho kỳ thi THPT Quốc gia đạt kết quả như mong đợi.