Cô giáo Hoàng Yến Phi - GV Ngữ văn, Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến (Đà Nẵng) nhận xét: "Cho 3 đoạn trích của 3 tác phẩm để HS lựa chọn 1 đoạn trích để phân tích là một cách để tạo tâm thế thoải mái cho thí sinh khi làm bài. Năm nay là lần đầu tiên Sở GD&ĐT Đà Nẵng ra đề theo cách này. Với cách ra đề này, HS sẽ đạt được nhiều nguyện vọng khác nhau tùy theo mức độ học của bản thân".
Trong khi đó, thầy Nguyễn Đình Hòa - GV Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) cho rằng: "Chọn đoạn trích nào để phân tích cũng phản ảnh được khả năng thẩm định văn học, mức độ cảm nhận của HS. Trong 3 đoạn trích của 3 tác phẩm được đưa vào đề thi, chọn đoạn thơ nào để phân tích cũng là sự phân loại HS rồi. Năng lực của HS thể hiện trong khi phân tích, cảm nhận tác phẩm sẽ thể hiện tính phân loại rất cao".
Tuy nhiên, theo như thầy Hòa thì với đề thi này, giáo viên chấm thi buộc phải nắm vững cả 3 đáp án thì mới đánh giá bài làm của HS một cách công bằng và chính xác được.
Nhiều thí sinh cho rằng phần nghị luận xã hội yêu cầu viết về ý nghĩa của sự tế nhị khi giúp đỡ người khác khá "mơ hồ và xa lạ", khó để viết bài.
Tuy nhiên, theo như cô Yến Phi thì đây là một trong những chủ đề được các GV hướng dẫn khi ôn tập cho HS. "Đây là một đề căn bản và không quá khó, nằm trong quỹ đạo của phần nghị luận xã hội trong đề thi Ngữ văn của những năm gần đây. Khi ôn tập, HS được hướng dẫn một số chủ đề như lời chào, cảm ơn, xin lỗi, sự tế nhị.... Có thể là nhiều HS ít để ý đến vấn đề sự tế nhị. Nhưng đây là một vấn đề dễ viết, không đến mức HS bí quá mà không viết được một ý nào. Nhất là từ bối cảnh câu chuyện của câu 1 chuyển qua thì HS càng dễ để triển khai ý khi viết".
Thầy Nguyễn Đình Hòa - thì cho rằng, phần nghị luận xã hội rất hay khi đề cập đến sự tế nhị trong cuộc sống. "Phần lớn HS bây giờ rất có cá tính, đề cao cái tôi cá nhân nên nhiều khi các em quên mất sự tế nhị trong ứng xử. Đây cũng là một cách đánh động cho HS về sự ứng xử trong cuộc sống".