Theo thầy Hà Tiên, đề vẫn giữ nguyên cấu trúc, bố cục chặt chẽ 3 phần như như các năm trước, nội dung tập trung vào chương trình lớp 12. Điều này khi xem qua học sinh cũng rất vui, vì nếu ôm thêm kiến thức lớp 10, 11 vào nữa các em sẽ có phần hơi áp lực.
Đề Văn rất hay, đề cập đến những vấn đề phù hợp với lứa tuổi 18 của học sinh. Những câu hỏi trong đề đòi hỏi học sinh phải suy nghĩ sâu sắc về mục tiêu của bản thân, từ đó mới biết mình cần thay dổi những gì? Các em ngoài kiến thức cần có những lập luận của riêng mình, suy nghĩ thấu đáo vấn đề chứ không hỏi theo kiểu trả lời chung chung là có điểm.
"Tôi cũng rất thích nội dung xuyên suốt của đề, sự thay đổi bản thân để bứt phá ra vùng an toàn, nếu bản thân không thay đổi, bứt phá, sẽ không có sự phát triển tốt hơn… Đó không chỉ là một đề thi mà là một bài hóc, hàm ý tính giáo dục rất cao đối với các em học sinh" - thầy Hà Tiên nhận xét.
Tương tự, thầy giáo Đỗ Đức Anh cũng đánh giá, nếu so sánh với đề thi thật năm 2018, đề minh họa hay hơn rất nhiều, ngắn gọn và vấn đề mà đề lựa chọn phù hợp với học sinh lớp 12, không đao to búa lớn nhưng nó lại rất sâu sắc.
Các em những người chủ nhân tương lai của đất nước, cần tư duy, cần thay đổi, cần phát triển bản thân mình, cần làm gì để thay đổi bản thân mình tốt hơn, và mỗi cá nhân thay đổi phát triển tốt thì chắc chắn sẽ là một xã hội thay đổi.
“Tôi đọc phần Đọc hiểu thực sự rất tâm đắc, nó thực sự là phần đọc hiểu, không còn là câu hỏi về biên pháp tu từ, về phương thức biểu đạt mà là những câu hỏi đọc đoạn văn và hiểu điều gì về thông điệp, nội dung đoạn văn đó.
Thực sự rất hay, tránh sự khuôn mẫu, trả lời chung chung mà các em thể hiện được sự hiểu biết, ý kiến của mình qua đề thi. Đề thi xuyên suốt chủ đề, nó có tính giáo dục cao với học sinh và khơi gợi cho các em nhiều điều. Xét một cách tổng quan, bản thân tôi cho rằng, đây là đề rất hay, có tính phân hóa, nó cũng vừa sức với các em, nằm gói gọn trong chương trình lớp 12, đảm bảo cấu trúc” - thầy Đức Anh nói.