“Thuộc” quy định mới
Cô Tuyến cho biết: Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT ký ban hành vào tháng 8/2014 nhưng đến giữa tháng 10/2014 mới có hiệu lực.
Trong thời gian này, tôi đã giành thời gian để đọc kỹ để nắm chắc từng nội dung trong Thông tư cũng như yêu cầu đối với giáo viên khi triển khai.
Đặc biệt, trước khoảng một tuần khi quy định mới chính thức có hiệu lực, tôi đã thông báo cho học sinh của mình về cách đánh giá mới, trong đó nêu cụ thể, chi tiết các thay đổi để học sinh không bỡ ngỡ.
Tôi cũng đồng thời tổ chức họp phụ huynh, một mặt thông báo về quy định này, phân tích những cái hay, cái mới để phụ huynh hiểu, đồng thuận, hợp tác. Các phụ huynh của tôi đều không thắc mắc nhiều về quy định này do đã được thông báo và giải thích từ trước.
Nhận xét “quay vòng”
Thông tư 30/2014 quy định, yêu cầu giáo viên phải quan tâm đánh giá tất cả học sinh, không được “quên” em nào, nhưng theo hướng dẫn mới của Bộ GD&ĐT, khi viết nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục không bắt buộc phải ghi nhận xét tất cả học sinh hằng tháng.
Tuy nhiên, cô Đoàn Thị Kim Tuyến cho biết, mình luôn cố gắng để mỗi học sinh đều được cô giáo nhận xét.
Cô đã khắc phục sự hạn chế về thời gian bằng cách: Mỗi tiết học sẽ chấm bài tất cả học sinh (bằng ghi đúng sai, sửa bài) và cố gắng dành thời gian để nhận xét ít nhất 5 học sinh.
Đến buổi học tiếp theo, cũng tiếp tục làm như vậy với 5 học sinh khác. Như vậy, giáo viên không mất quá nhiều thời gian mà trong một tháng học sinh nào cũng được giáo viên ghi nhận xét.
Cách ghi nhận xét, theo cô Tuyến cần chi tiết, cụ thể, dễ hiểu và tạo được động lực cho học sinh.
Ví dụ, nếu học sinh viết chữ đúng nhưng chưa được đẹp, giáo viên không nên chê học sinh viết xấu mà chỉ nên nhận xét: Khen con đã viết đúng, nhưng con cần rèn luyện thêm để viết chữ đẹp hơn.
Tận dụng thời gian
Cho biết với quy định mới, giáo viên sẽ khá mất công sức, thời gian, cần nhiều tâm huyết, nhưng cô Tuyến cho rằng vẫn có cách giải quyết.
Ví dụ: Trong thời gian cho học sinh làm bài tập, sau khi đi một vòng quan sát học sinh, giáo viên có thể tận dụng thời gian để chấm bài, ghi nhận xét.
Hoặc khi chấm bài, phát hiện ra lỗi sai, giáo viên có thể gọi học sinh lên để trực tiếp hỏi tại sao lại làm sai và sửa luôn tại chỗ. Như vậy, giáo viên vừa có thể thực hiện việc chấm bài, vừa thực hiện được nhận xét bằng lời nói với học sinh trên lớp.
Ngoài ra, với bài Chính tả, giáo viên có thể chấm và sửa lỗi chung, nhận xét ngay trên lớp một số bài; những bài còn lại mang về nhà chấm để trả bài cho học sinh vào hôm sau.
“Bản thân tôi thường tận dụng thời gian trong 20 phút ra chơi để chấm bài, ghi nhận xét cho học sinh. Có thể chỉ dùng khoảng 10 phút, còn lại 10 phút nghỉ ngơi, lấy sức cho giờ dạy tiếp theo” - Cô Tuyến cho biết.
Cán bộ quản lí cùng giáo viên trải nghiệm qua thực tế dạy học trên lớp để chia sẻ về cách đánh giá thường xuyên bằng nhận xét học sinh trong quá trình dạy học; thống nhất cách vận dụng, triển khai cho phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương;
Cập nhật thông tin cách đánh giá của các trường, các chuyên gia, trao đổi qua mạng tieuhoc.moet.edu.vn để vận dụng vào thực tế dạy học; tuyên truyền giải thích cho cha mẹ học sinh về quy định đánh giá học sinh tiểu học, hướng dẫn cha mẹ học sinh cách theo dõi, hỗ trợ học sinh học tập, tham gia đánh giá học sinh, phối hợp với giáo viên, nhà trường trong việc giáo dục học sinh.
Trích công văn số 6169/BGDĐT-GDTH về thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014