Trong đó thành tố kiểm tra, đánh giá học sinh giữ vai trò rất quan trọng và có khả năng đột phá trong việc đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường.
Một thời… “rắc rối”
Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, việc kiểm tra đánh giá học sinh, chưa được chú trọng hoặc chưa hiểu hết ý nghĩa và tác động của đánh giá tới việc phát triển trí lực và đạo đức của học sinh. Hoạt động Đánh giá học sinh có mục đích, chủ yếu là nhằm phân loại học tập của học sinh, là đối chiếu với các tiêu chí, chuẩn mực về hạnh kiểm để áp đặt, xếp loại, cho học sinh.
Để xác định Học lực của học sinh, giáo viên phải tính điểm trung bình cộng tất cả các bài kiểm tra viết và của tất cả các môn mà học sinh đã được học, sau đó mỗi học sinh được phân loại vào một trong 5 bậc, là Giỏi - Khá - Trung bình - Yếu và Kém.
Như vậy, học sinh trong mỗi lớp được sắp xếp theo thứ tự, từ học sinh có điểm trung bình cộng học lực cao nhất tới học sinh “đội sổ”, có điểm trung bình cộng thấp nhất về học lực.
Đối với Đánh giá Hạnh kiểm, cũng trên cơ sở bảng các tiêu chí về hạnh kiểm, vào cuối kỳ và cuối năm học, giáo viên cũng đối chiếu, so sánh, sắp xếp hạnh kiểm của mỗi học sinh vào một trong 5 loại Tốt - Khá - Trung bình -Yếu và Kém.
Cuối năm học, những học sinh xếp loại Hạnh kiểm loại Kém hoặc xếp loại Học lực và Hạnh kiểm cùng loại Yếu sẽ ở lại lớp.
Từ sau khi Chính phủ cho phép Bộ GD&ĐT thành lập Vụ Giáo dục Tiểu học từ ngày 15/7/1994, hoạt động kiểm tra đánh giá học sinh Tiểu học đã có sự thay đổi, phát triển liên tục và ngày càng phù hợp, tiệm cận, với quan điểm hiện đại về đánh giá học sinh của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Có thể tạm thời phân chia sự thay đổi kiểm tra đánh giá học sinh Tiểu học (trong thời gian khoảng 20 năm), thành 3 giai đoạn phát triển, mà mỗi giai đoạn chủ yếu dựa trên cơ sở thời gian ban hành các Quyết định, Thông tư về Đánh giá và Xếp loại học sinh Tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó:
Giai đoạn 1: Thông tư số 15/GD-ĐT, ngày 2/8/1995, về việc Hướng dẫn đánh giá và xếp loại học sinh Tiểu học;
Giai đoạn 2: Quyết định số 30/2005/QĐ-BGD&ĐT, ngày 30/9/2005, về việc Ban hành Quy định Đánh giá và Xếp loại học sinh Tiểu học và sau đó Quyết định này phát triển, bổ sung thành Thông tư số 32/2009/TT-BGD&ĐT, ngày 27/10/2009, về việc Ban hành Quy định Đánh giá học sinh Tiểu học;
Giai đoạn 3: Thông tư số 30/2014/TT-BGD&ĐT, ngày 28/8/2014, về việc Ban hành Quy định Đánh giá học sinh Tiểu học.
Bước đầu tiếp cận phương pháp đánh giá đổi mới
Trong giai đoạn 1, hạnh kiểm của học sinh vẫn được phân loại sau khi giáo viên đã đối chiếu với các tiêu chí chung, theo 4 nhiệm vụ của học sinh. Tuy nhiên chỉ phân thành 3 loại về hạnh kiểm là Tốt - Khá tốt và Cần cố gắng.
Tên của loại về hạnh kiểm có thay đổi, đã thể hiện được quan niệm đúng mức, khoa học về hạnh kiểm của học sinh tiểu học. Đã kết hợp kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kỳ trong việc đánh giá học sinh.
Như vậy, quy định đánh giá học sinh tiểu học trong giai đoạn này đã phát triển và tiến bộ hơn nhiều giai đoạn những năm 1990, nhất là về đánh giá Hạnh kiểm của học sinh và chỉ đánh giá định tính học sinh lớp 1 học kỳ I.
Đánh giá học lực yêu cầu quá chính xác để phân loại và mang nặng tính bình quân khi đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ. Duy trì xếp loại học lực từng môn và tất cả các môn cũng như thi tốt nghiệp tiểu học.
Ở giai đoạn tiếp theo, từ ngày 30/9/2005, mục đích của đánh giá được chỉ ra rõ ràng và cụ thể. Đánh giá là để đổi mới cách dạy và cách học, để khuyến khích học sinh học tập liên tục, tích cực, sáng tạo, tự học.
Kết hợp đánh giá bằng định lượng và bằng định tính. Khuyến khích động viên học sinh, không tạo áp lực cho giáo viên học sinh và cha mẹ các em.
Giai đoạn này đã có bước phát triển đi lên về quan điểm đánh giá và đã tiếp cận phương pháp đánh giá đổi mới. Chú trọng đánh giá thường xuyên bằng hình thức nhận xét để giúp đỡ, khuyến khích động viên học sinh học tập tiến bộ không ngừng.
Không đánh giá bình quân chung về Học lực các môn học. Tiếp tục duy trì đánh giá 9 hoặc 11 môn học ở tiểu học, vẫn coi trọng đánh giá bằng kiểm tra viết cho điểm số thang 10, tuy nhiên quá trình tính toán xếp loại Học lực có đơn giản hơn so với giai đoạn trước.
Ưu điểm của gia đoạn này là bỏ thi tốt nghiệp ở tiểu học. Duy trì khen thưởng học sinh theo các tiêu chí cụ thể và chặt chẽ.
Đánh giá quá trình học tập, năng lực và phẩm chất học sinh
Bắt đầu từ tháng 8/2014, việc đổi mới đánh giá học sinh là triệt để nhất và cũng phù hợp nhất với quan điểm đánh giá hiện đại. Đánh giá theo quá trình học tập của học sinh, đánh giá sự hình thành và phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh.
Đánh giá thường xuyên kịp thời nhằm điều chỉnh cách dạy và cách học. Coi trọng Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét và coi nó là hình thức đánh giá chủ yếu. Đánh giá thường xuyên các môn học và hoạt động giáo dục.
Kết hợp sự đánh giá của học sinh và cha mẹ các em, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất. Đánh giá dựa trên từ nhiều nguồn chứng cứ khác nhau, không đơn thuần chỉ qua bài kiểm tra viết.
Không còn khái niệm cũng như phân chia riêng biệt đánh giá Học lực và đánh giá Hạnh kiểm của học sinh. Đánh giá tổng hợp chung về hình thành và phát triển nhân cách toàn diện của học sinh.
Có 3 nội dung đánh giá: đánh giá quá trình học tập - Đánh giá biểu hiện năng lực của học sinh - Đánh giá biểu hiện phẩm chất của học sinh với 2 hình thức kiểm tra để đánh giá: đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ học tập, trong đó hình thức đánh giá thường xuyên bằng nhận xét là chủ yếu là cơ bản nhất.
Các nội dung đánh giá chỉ phân chia thành 2 mức đã Đạt hoặc Chưa đạt. Với cách làm này, đánh giá học sinh chỉ coi là tạm thời, là ghi nhận sự tiến bộ của học sinh ban đầu, không phân loại và xếp loại học sinh một cách cố định như các lần đánh giá giai đoạn trước.
Đánh giá nhằm phát triển toàn diện và liên tục kết quả học tập và nhân cách của học sinh và coi đó làm mục tiêu của đánh giá.
Trong giai đoạn này, để đánh giá học sinh có hiệu quả, người giáo viên phải có năng lực đánh giá, đặc biệt là các kỹ thuật đánh giá. Giáo viên phải vất vả hơn và đánh giá liên tục thường xuyên hơn.
Cha mẹ học sinh cần phối hợp và liên hệ chặt chẽ với nhà trường để cùng tham gia đánh giá và thấy được những kết quả, sự tiến bộ học tập và tu dưỡng của con em mình.