Triển khai đánh giá học sinh tiểu học phù hợp với thực tiễn địa phương

GD&TĐ - Để thực hiện tốt quy định của Bộ GD&ĐT về cách đánh giá mới với học sinh tiểu học, các Sở GD&ĐT đã chủ động triển khai trên trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

Triển khai đánh giá học sinh tiểu học phù hợp với thực tiễn địa phương

Khánh Hòa: Giáo viên không được lạm dụng các mẫu nhận xét

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa Hoàng Thị Lý cho biết Sở đã yêu cầu các Phòng GD&ĐT, các trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn tập trung vào đổi mới đánh giá học sinh tiểu học.

Trong đó, chú ý hiểu đúng và đầy đủ ý nghĩa của việc đổi mới đánh giá học sinh; về cách nhận biết các năng lực và phẩm chất của học sinh; cách nhận xét, hướng dẫn học sinh trong quá trình học tập, rèn luyện.

Giáo viên được quyền chủ động viết nhận xét vào vở hoặc phiếu học tập, bài kiểm tra của học sinh, sử dụng tin nhắn, email… để liên lạc sao cho thuận tiện trong việc phối hợp giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.

Sở này cũng yêu cầu các đơn vị tham khảo tài liệu hướng dẫn đánh giá học sinh tiểu học Mô hình trường học mới (VNEN) đã được tập huấn năm học 2013 - 2014, các Phòng GD&ĐT hướng dẫn các trường cách thiết lập ma trận và ra đề kiểm tra cuối học kỳ I, cuối năm học.

Với cán bộ quản lý, giáo viên, Sở yêu cầu trải nghiệm qua thực tế dạy học trên lớp để chia sẻ về cách đánh giá thường xuyên bằng nhận xét học sinh trong quá trình học;

Đồng thời, thống nhất cách vận dụng, triển khai cho phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương; cập nhật thông tin cách đánh giá của các trường, các chuyên gia, trao đổi qua mạng tieuhoc.moet.edu.vn để vận dụng vào thực tế dạy học;

Tuyên truyền giải thích cho cha mẹ học sinh về quy định đánh giá học sinh tiểu học, hướng dãn cho mẹ học sinh cách theo dõi, hỗ trợ học sinh học tập, tham gia đánh giá học sinh phối hợp với giáo viên, nhà trường trong việc giáo dục học sinh.

Sở cũng giao trách nhiệm cho cán bộ quản lý, cán bộ cốt cán hỗ trợ, trợ giúp giáo viên trong đánh giá thường xuyên bằng nhận xét. Theo đó, được quyền chủ động vận dụng một cách linh hoạt, có thể dùng lời nói hoặc viết phù hợp với học sinh và nhà trường, đúng với yêu cầu đánh giá thường xuyên bằng nhận xét.

Thông tư 30 yêu cầu giáo viên phải quan tâm đánh giá tất cả học sinh, không được “quên” em nào, nhưng kh viết nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục không bắt buộc phải ghi nhận xét tất cả học sinh hàng tháng.

Đặc biệt, giáo viên không lạm dụng việc dùng các câu nhận xét có mẫu vì không phù hợp với các học sinh khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Giảm thủ tục hành chính để giáo viên có nhiều thời gian cho học sinh

Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, các Phòng GD&ĐT trên địa bàn đã tổ chức tập huấn, triển khai thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo TT 30/2014 đến tất cả giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục tiểu học một cách kịp thời.

Nhà trường có thể thiết kế thành một cuốn sổ chung để tại lớp học miễn sao đạt mục đích yêu cầu của sổ theo dõi chất lượng giáo dục. 

Mẫu sổ theo dõi chất lượng do Bộ GD&ĐT hướng dẫn chỉ là gợi ý, không bắt buộc giáo viên phải thực hiện theo mẫu đó.

Để tiếp tục thực hiện tốt việc đánh giá học sinh tiểu học theo quy định mới cũng như tạo điều kiện hỗ trợ cho các đơn vị thực hiện, Sở GD&ĐT đã yêu cầu Phòng GD&ĐT huyện, thành phố thành lập tổ công tác để hỗ trợ thường xuyên, kịp thời các trường triển khai thực hiện TT 30/2014.

Sở chỉ đạo, việc sử dụng sổ theo dõi chất lượng giáo dục, một giáo viên dù dạy một hay nhiều môn, có thể chỉ cần thiết kế một cuốn sổ (sổ bằng giấy hoặc sổ điện tử) theo dõi chất lượng giáo dục, do giáo viên quản lí sử dụng, có thể để tại lớp học,tại trường hoặc mang về nhà, tùy theo điều kiện cụ thể.

Với các Phòng GD&ĐT, Sở yêu cầu chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm túc công văn số 68/BGDĐT-GDTrH của BộGD&ĐT về việc chấn chỉnh lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường, đồng thời khuyến khích việc sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử.

Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp giảm nhẹ công việc, thủ tục hành chính, hồ sơ, sổ sách; hỗ trợ để giáo viên dành nhiều thời gian hướng dẫn, giúp đỡ, động viên học sinh hoàn thành nội dung học tập, tiến bộ, tự tin, sáng tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ