Để tân sinh viên không "trượt dốc"

GD&TĐ - TS Lưu Hữu Đức – Trưởng Ban Công tác Chính trị và Sinh viên (Học viện Tài chính) – khuyến nghị, tân sinh viên cần trang bị cho mình kỹ năng sống, tránh xa những cám dỗ để không bị “trượt dốc”.

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

Tránh xa cạm bẫy

- Trúng tuyển vào trường đại học là niềm mơ ước của nhiều thí sinh, nhưng để thành công sau 4 năm học không hề đơn giản. Vậy TS có nhắn nhủ điều gì với tân sinh viên khi các em bước vào cuộc sống tự lập?

- Đối với tân sinh viên khi bắt đầu cuộc sống xa gia đình, xa người thân, bắt đầu quá trình học tập nơi “đất khách quê người” luôn có những khó khăn và thử thách đặt ra.

Nó có thể là những cơ hội để tân sinh viên tự trưởng thành nhưng cũng có thể là những “cám dỗ” khiến nhiều sinh viên bị “trượt dốc” bất cứ lúc nào nếu như các em không được trang bị và tự trang bị cho mình những kỹ năng sống.

Những cạm bẫy có thể kể đến từ việc tìm kiếm công việc làm thêm để trang trải cho cuộc sống, tân sinh viên dễ bị cám dỗ hoặc rơi vào cạm bẫy của các hình thức “Kinh doanh đa cấp”, những chiêu trò theo kiểu “việc nhẹ lương cao”, những khóa học free hoặc học phí rẻ nhưng chất lượng cao.

TS Lưu Hữu Đức. Ảnh: NVCC
TS Lưu Hữu Đức. Ảnh: NVCC

- Vậy với tân sinh viên, các em cần trang bị những kỹ năng gì để có thể hoà nhập với cuộc sống và môi trường học tập mới?

- Đối với tân sinh viên, khi mới bước vào môi trường đại học - nơi cuộc sống phố thị, phồn hoa, ngoài việc được các cơ sở đào tạo, các đoàn thể như: Đoàn thanh niên, hội sinh viên… trang bị, chia sẻ những kinh nghiệm trong cuộc sống, học tập thì bản thân các em cũng nên tự trang bị cho mình những kỹ năng như:

Kỹ năng xác định mục tiêu của bản thân: Việc xác định mục tiêu của bản thân có thể đã được hình thành từ sớm, từ khi các em còn là học sinh. Vì các em đã biết đặt mục tiêu phấn đấu vào trường đại học mà mình mong muốn, xác định được động cơ và thái độ học tập ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông. Do đó, kỹ năng này cần được bổ sung và phát triển khi trở thành sinh viên.

Kỹ năng tự nhận thức: Mỗi sinh viên khi bước chân vào giảng đường đại học đều tham gia khóa học chính trị đầu khóa. Tại khóa học này, sinh viên có thể chia sẻ những suy nghĩ, nhìn nhận của bản thân trong việc nhận thức các vấn đề mới khi có sự thay đổi môi trường học tập.

Qua đây, những nhận thức của mình có thể được nâng cao và được chia sẻ “đúng - “sai”. Việc tự nhận thức các vấn đề theo định hướng của cơ sở đào tạo và thầy cô giáo luôn có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành thói quen, kỹ năng tự nhận thức các vấn đề cho sinh viên.

Kỹ năng ra quyết định và xử lý vấn đề: Khi sinh viên có kỹ năng tự nhận thức các vấn đề, biết được “đúng - sai” thì việc quyết định và xử lý vấn đề theo hướng đúng đắn sẽ không còn là khó khắn, và nó trở thành kỹ năng của chính bản thân bạn.

Kỹ năng làm việc độc lập, làm việc nhóm: Đây luôn là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại. Kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm giúp sinh viên trưởng thành hơn, phát huy được sức mạnh của bản thân và tập thể trong giải quyết các công việc, trong học tập, cuộc sống và sự nghiệp sau này. Việc tham gia các hoạt động tập thể do trường, lớp, đoàn thanh niên, hội sinh viên tổ chức là một trong những gợi ý để sinh viên có thể rèn luyện kỹ năng này.

Xây dựng cho mình kế hoạc học tập hợp lý

- TS có thể chia sẻ kinh nghiệm xây dựng kế hoạch học tập cho tân sinh viên

- Theo tôi, sinh viên có thể xây dựng cho mình kế hoạc học tập với những nội dung cơ bản như: Xác định mục tiêu trong học tập. Xác định các bước (giai đoạn) trong học tập các môn học để đạt được mục tiêu.

Lên kế hoạch chi tiết cho từng môn học và tham gia các hoạt động khác như: đào tạo kỹ năng, chuyên môn, rèn luyện thể lực và các hoạt động xã hội do nhà trường tổ chức.

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh - thời điểm chưa có dịch Covid-19.
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh - thời điểm chưa có dịch Covid-19.

- Bước vào môi trường đại học, tân sinh viên sẽ phải làm quen với phương pháp đào tạo và học tập mới. TS có lời khuyên nào dành cho các em?

- Với hình thức cơ bản hiện nay là đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Khi sinh viên hoàn thành các tín chỉ, học phần được quy định thì sẽ đủ điều kiện tốt nghiệp và nhận bằng cử nhân.

Vì thế, các em cần đảm bảo đăng ký đủ các tín chỉ theo kỳ học để bố trí thời gian hợp lý trong việc học tập và rèn luyện kỹ năng sống. Qua đó nhằm đạt được kết quả cao nhất, đi đúng mục tiêu đã đặt ra của bản thân.

Các em cũng không nên đăng ký quá nhiều tín chỉ dễ dẫn đến quá tải trong học tập và gây áp lực cho bản thân.

Bên cạnh đó, với những sinh viên giỏi, có kỹ năng tốt, việc nắm bắt cơ hội đăng ký và hoàn thành các tín chỉ học tập để sớm có thể tốt nghiệp và ra trường đi làm cũng là một chiến thuật hợp lý đối với những sinh viên có bản lĩnh.

Xin cảm ơn TS!

"Khi bắt đầu cuộc sống xa gia đình, tân sinh viên phải tự chăm lo cho bản thân. Vì thế,  nếu không có kế hoạch trong sinh hoạt, chi tiêu thì rất dễ rơi vào cảnh đầu tháng thì “vung tay quá trán”, cuối tháng cạn tiền. Nhiều sinh viên còn sa đà vào sống chung – sống thử, các tệ nạn xã hội như: nghiện game, chất kích thích, ma túy…" - TS Lưu Hữu Đức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mùa Xuân trở lại

GD&TĐ -Mùa Xuân trên bản Sịa thường đến muộn cả tháng trời. Khi nơi nơi đang rộn rã đón mùa Xuân và Tết cổ truyền thì bản Sịa vẫn còn ngủ im trong băng giá.