Để tài năng luôn tỏa sáng: Vươn lên và nổi bật

GD&TĐ - Năm học 2020 - 2021, dịch bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt xã hội và xáo trộn giáo dục.

Đội tuyển Việt Nam đạt thành tích xuất sắc tại kỳ thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế 2021.
Đội tuyển Việt Nam đạt thành tích xuất sắc tại kỳ thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế 2021.

Vượt qua khó khăn của bản thân cũng như rào cản trong quá trình ôn luyện, các đoàn thi Olympic quốc tế và khoa học kỹ thuật quốc tế vẫn giành được kết quả đáng tự hào.

Vượt qua khó khăn của dịch bệnh

Năm 2021, Bộ GD&ĐT cử 7 đoàn học sinh giỏi Việt Nam với 37 lượt học sinh tham gia Olympic gồm: 1 đoàn tham dự Olympic Tin học khu vực châu Á - Thái Bình Dương; 1 đoàn tham dự Vật lý Olympic khu vực châu Á - Thái Bình Dương và 5 đoàn tham dự Olympic quốc tế các môn Toán, Hóa học, Sinh học, Vật lý và Tin học.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, tuyên dương học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc mừng đến đoàn học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2021; đồng thời bày tỏ niềm tự hào về thành tích mà toàn đoàn đạt được.
Các em đã mang vinh quang về cho đất nước. Theo Chủ tịch nước, tấm huy chương là sự khởi đầu cho tương lai của các em. Khởi đầu này không phải ai cũng có được. Từ hoạt động này, sẽ tạo sức lan tỏa, truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên cả nước nỗ lực phấn đấu, vươn lên trong học tập.

Kết quả, tất cả thí sinh dự thi đều đoạt giải gồm 12 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 2 giải Khuyến khích. Các đoàn học sinh Việt Nam tiếp tục nằm trong tốp 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất tại kỳ Olympic quốc tế với nhiều học sinh đạt điểm số cao nhất.

Lý giải thành công của đoàn học sinh Việt Nam tại các kỳ thi Olympic quốc tế năm nay, thầy Lê Anh Vinh - Trưởng đoàn học sinh Việt Nam dự thi Olympic quốc tế nhận định đó là nhờ sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh, giúp đỡ của giáo viên và các nhà trường, nỗ lực vượt khó vươn lên trong bối cảnh dịch bệnh.

Thầy Vinh cho biết: Do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương từ đầu năm, học sinh tham dự kỳ Olympic quốc tế các môn khoa học đều theo hình thức trực tuyến. Đội tuyển Olympic Toán học quốc tế không phải ngoại lệ và địa điểm được chọn là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Hà Nội và Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM.

Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng đội tuyển đã nỗ lực vượt khó, biến khó khăn thành lợi thế. Đó là việc đổi mới hình thức tập huấn online thay thế cho tập huấn trực tiếp, mời nhiều thầy cô để giảng dạy không bị hạn chế về địa điểm; mời được học sinh đã có kinh nghiệm và thành tích về thi Olympic đang học tập ở nước ngoài, thầy cô ở các tỉnh khác tham gia dạy cho đội tuyển. Do đó, công tác tập huấn cho học sinh được thực hiện đều đặn, hiệu quả tốt, hầu như không bị rào cản về mặt chuyên môn. Một điểm nữa là    các bạn tham gia đội tuyển đều là học sinh giỏi, tinh thần tự giác học tập rất cao nên mặc dù học online nhưng  chất lượng không hề thua kém các năm khác.

Một mình dự thi, không được gặp mặt các bạn và cũng có thời gian dương tính với Covid-19 nhưng Phan Huỳnh Tuấn Kiệt - học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM đã vượt lên tất cả để giành chiếc Huy chương Đồng Oympic Toán quốc tế năm 2021. Kiệt chia sẻ: “Đội tuyển Việt Nam có 6 thành viên tham dự, nhưng do dịch Covid-19 ở thành phố diễn biến phức tạp em không thể bay ra điểm cầu ở Hà Nội dự thi cùng 5 thành viên khác mà phải dự thi một mình tại điểm cầu TPHCM. Thi một mình một hội đồng thi, ban đầu em cũng có những lo lắng nhất định. Nhưng mọi điều đã diễn ra suôn sẻ, em đã dự thi an toàn”.

Năm 2021 còn chứng kiến thành công của Nguyễn Thị Thu Nga - nữ sinh có nghị lực phi thường đến từ Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ) khi em tiếp tục giành chiếc Huy chương Bạc Olympic Sinh học quốc tế năm 2021. Điều khiến bạn bè cảm phục hơn cả ở Nga là nghị lực vượt khó để sống và theo đuổi đam mê.

Nga chia sẻ: Khi dịch Covid-19 căng thẳng, để không ảnh hưởng tới quá trình ôn tập cũng như kết quả thi, cô và trò đã tập trung ôn chắc kiến thức cơ bản. Dành nhiều thời gian học, nghiên cứu thêm các tài liệu trên mạng đặc biệt là vấn đề liên quan đến thực trạng bệnh dịch, môi trường hiện nay.

Ngoài ra, do diễn biến dịch Covid-19 căng thẳng, kỳ thi phải tổ chức bằng hình thức trực tuyến. Ngoài kiến thức về môn thi, các thí sinh cũng cần thành thạo về máy tính. Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay em vừa ôn tập kiến thức, vừa học thêm kỹ năng dùng máy tính để khắc phục hạn chế và không ảnh hưởng đến bài thi của mình.

Phan Huỳnh Tuấn Kiệt - học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM (thứ 2 từ phải sang) cùng các thầy cô giáo.
Phan Huỳnh Tuấn Kiệt - học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM (thứ 2 từ phải sang) cùng các thầy cô giáo.

Hàng trăm giải thưởng tại các kỳ thi quốc tế

Không chỉ đạt thành tích xuất sắc tại các kỳ thi Olympic truyền thống, học sinh Việt Nam còn đạt thành tích cao tại nhiều kỳ thi Olympic quốc tế có uy tín khác như Olympic quốc tế Thiên văn học và Vật lý Thiên văn, Olympic Khoa học trẻ quốc tế, Olympic quốc tế các thành phố lớn, Olympic Tiếng Nga, Olympic Tiếng Pháp...

Là người mang Vật lý Thiên văn về Việt Nam và cũng là người đào tạo hàng chục học sinh giành huy chương môn học mới mẻ này, thầy Lê Mạnh Cường - giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trưởng đoàn Việt Nam dự thi Olympic quốc tế về Thiên văn học và Vật lý Thiên văn 2021 - trao đổi: Những năm gần đây, học sinh Việt Nam được phát triển toàn diện, trình độ không thua kém học sinh các nước tiên tiến trên thế giới.

Ngoài việc được cọ xát tại cuộc thi trong và ngoài nước, các em còn được đào tạo kiến thức nâng cao, khuyến khích tự do nghiên cứu, tìm hiểu đa dạng kiến thức chuyên môn khác nhau. Chính vì vậy, ngoài kiến thức môn chuyên và môn học theo quy định, các em còn rất giỏi môn Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội khác.

Đối với môn Thiên văn học, dù chưa đưa vào chương trình giáo dục phổ thông, cơ sở vật chất, dụng cụ thí nghiệm còn hạn chế nhưng học sinh Việt Nam đã nỗ lực vượt khó bằng cách đọc nhiều tài liệu, sử dụng phần mềm thí nghiệm ảo. Khi đi thi, các em đã đạt được thành tích đáng tự hào, năm nào cũng giành Huy chương Vàng, có năm đạt được thành tích thủ khoa của kỳ thi.

Mới học lớp 10 nhưng Lã Châu Giang - học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp quận, cấp thành phố và mới đây là Huy chương Vàng kỳ thi Olympic Khoa học trẻ quốc tế IJSO 2021.

Dịch bệnh nên đến thời điểm hiện tại, Châu Giang vẫn chưa được gặp bạn bè trong lớp. Các bạn trong đội tuyển cũng chỉ gặp qua màn hình máy tính đến tận khi đến trường để dự thi IJSO vào tháng 12/2021. Việc tập huấn gặp muôn vàn khó khăn, khối lượng kiến thức để dự thi lại rất lớn nên đòi hỏi học sinh phải nỗ lực rất nhiều.

“Kỳ thi IJSO năm nay được tổ chức theo hình thức trực tuyến sau 1 năm gián đoạn. Thi trực tuyến cũng là một lợi thế của học sinh Việt Nam khi không mất thời gian di chuyển và làm quen với khí hậu của nước chủ nhà. Tuy nhiên, đề năm nay khó hơn nhiều so với những năm trước, đặc biệt là môn Hóa học. Vì vậy, khi biết kết quả, em rất vui sướng và thậm chí không thể tin rằng mình đã giành được giải cao nhất”, Châu Giang kể.

Lần đầu tiên tham dự Olympic Tiếng Pháp quốc tế, Ngô Minh Long - học sinh Trường THPT Hòn Gai (tỉnh Quảng Ninh) đã xuất sắc giành Huy chương Vàng. Nỗ lực của Long đáng khâm phục khi hai năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc ôn luyện không liền mạch.

Không chỉ học giỏi Tiếng Pháp, Ngô Minh Long còn là học sinh giỏi toàn diện. Em năng nổ tham gia các cuộc thi hùng biện, phong trào, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của nhà trường. Nhiều năm liền, em liên tục đạt thành tích cao ở kỳ thi chọn học sinh giỏi môn Tiếng Pháp.

Vihelm - Mũ chống dịch của Việt Nam được các nhà sáng chế quốc tế đánh giá cao.
Vihelm - Mũ chống dịch của Việt Nam được các nhà sáng chế quốc tế đánh giá cao.

Đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững

Cùng với những thành tích học tập xuất sắc, đạt thành tích cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, học sinh, sinh viên Việt Nam đã không ngừng đổi mới sáng tạo, phát minh những sản phẩm đoạt giải cao tại các kỳ thi khoa học kỹ thuật quốc tế, nhiều sản phẩm được thương mại hóa thành công, mang lại hiệu quả cao về kinh tế.

“Cánh tay robot cho người khuyết tật liệt cơ tay toàn phần” là dự án khoa học của  Phạm Đức Linh và Nguyễn Đức An, học sinh Trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh) xuất sắc đoạt giải Ba Hội thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế ISEF 2021. Với thành tích này, Việt Nam là 1 trong 34 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đoạt giải của Hội thi, trên tổng số 81 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự.

Chia sẻ về dự án, Linh và An tâm sự: Chứng kiến các bác thương binh, những người không may bị tai nạn cụt tay hoặc liệt tay gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và lao động. Để giúp họ có cuộc sống bình thường, không phụ thuộc vào người khác, chúng em đã quyết tâm tạo ra một sản phẩm hữu ích.

Theo Linh, trước đây, có nhiều ý tưởng, mô hình và sản phẩm về cánh tay robot như cánh tay robot sử dụng sóng não, cơ bắp, học lệnh và giọng nói để điều khiển. Tuy nhiên, với những người liệt cơ tay toàn phần hay phần mỏm tay còn lại ngắn hầu như không thể sử dụng được cánh tay robot trên thị trường. Thực tế đó đã thôi thúc Linh và An lên ý tưởng chế tạo cánh tay robot cho người khuyết tật liệt cơ tay hoàn toàn.

Năm 2021 cũng đánh dấu sự xuất sắc của học sinh Việt Nam trong việc hoàn thiện các sản phẩm nghiên cứu đạt tầm quốc tế. Cuối tháng 12/2021, nhóm học sinh Đỗ Trọng Minh Đức, Trần Nguyễn Khánh An, Nguyễn Hoàng Phúc đến từ Hà Nội được trao danh hiệu Đại sứ trẻ về Sở hữu trí tuệ của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới năm 2021, là danh hiệu đầu tiên về sáng chế công nghệ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Ý tưởng của các bạn trẻ ra đời từ việc giải quyết một đề bài được các thầy cô hướng dẫn giao cho, là tìm cách làm một mũ lọc không khí có nhiều tính năng, tạo được tiện nghi và thoải mái để tăng cường năng suất lao động cho người tiêu dùng, trong bối cảnh có thể cuộc chiến với dịch Covid-19 còn kéo dài. Sau nhiều nỗ lực tìm tòi, các em đã hoàn thành chiếc mũ và đặt tên Vihelm.

Hiện, Vihelm được giới thiệu tại nhiều nơi như: Bệnh viện Thống nhất TPHCM, Bệnh viện Vinmec... Mũ cũng được nhóm sáng chế tiếp tục bổ sung những công nghệ mới tích hợp các chức năng thông minh để có thể trở thành sản phẩm hoàn hảo nhất cho người sử dụng. Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp, nhóm đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, biểu dương tinh thần tuổi trẻ Việt Nam sáng tạo, cùng đất nước vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19.

Tại buổi gặp mặt, tuyên dương học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2021, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ghi nhận: Các em đã khẳng định được mình và đã có kết quả, thành tích sau quá trình nỗ lực phấn đấu, đem vinh quang cho cá nhân, gia đình, nhà trường và quê hương, đất nước. Theo Bộ trưởng, thành công này có sự cộng hưởng của các vị phụ huynh và thầy cô giáo đã không quản thời gian, tâm sức để chăm lo, bồi dưỡng, hỗ trợ phù hợp cho các em. Bộ trưởng cảm ơn nhà trường, địa phương đã chăm lo, hỗ trợ các em trong suốt quá trình học tập và dự thi. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.