Để tắc đường không còn là “đặc sản” giáp Tết

GD&TĐ - Sáng, trưa, chiều, tối… bất kì thời điểm nào trong những ngày giáp Tết ở 2 thành phố lớn nhất Việt Nam là TPHCM và Hà Nội cũng luôn kín đặc người và xe. 

Để tắc đường không còn là “đặc sản” giáp Tết

Ai cũng hối hả cố hoàn thành nốt những công việc cuối cùng trước khi hết năm. Không biết từ lúc nào, tắc đường trở thành thứ "đặc sản" ngày Tết mà ai cũng phải ngán ngẩm. Trước thực trạng này, các nhà quản lý đã có những giải pháp gì?

Tại Thành phố Hồ Chí Minh

Nhiều người đổ ra đường mua sắm cuối năm cùng với việc về quê ăn Tết khiến giao thông ở khu vực trung tâm và các cửa ngõ TPHCM thường xuyên kẹt cứng.

Đặc biệt là những ngày cận Tết, hầu hết các trục đường dẫn ra nhà ga, bến xe ở TP HCM hướng về các tỉnh đông nghịt người. Trong đó, nút giao ngã năm Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp) được xem là điểm nóng giao thông, khi các xe máy nhích từng chút một len lỏi qua dòng xe đông đúc.

Ở khu trung tâm, các tuyến đường như Cách Mạng Tháng Tám (quận 3, 10), Cộng Hoà (Tân Bình), Xô Viết Nghệ Tĩnh (Bình Thạnh), Hồng Bàng (quận 6)… dòng người hối hả cũng chen chúc nhau vào giờ cao điểm.

Đường Trần Văn Đang hướng từ Cách Mạng Tháng Tám đổ ra ga Sài Gòn (quận 3) cũng không thể "nhúc nhích". Không chỉ người đổ xô về quê, một số đông khác tranh thủ ra đường mua sắm khiến các tuyến đường trở nên đông hơn mọi ngày.

"Nóng" nhất là ở cửa ngõ từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây khi nhiều công nhân và sinh viên bắt đầu lũ lượt đổ về quê ăn Tết bằng xe máy.

Tại Hà Nội

Nói về giao thông Hà Nội những ngày cận Tết, người ta chỉ có thể cảm thán: “Quá kinh khủng !!!”. Đón Tết, lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn Hà Nội càng gia tăng mạnh.

Áp lực giao thông lên hầu hết các tuyến phố nội thành và đường vành đai, cửa ngõ ra vào thành phố. Lưu thông những ngày này, ùn tắc có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào, bất kỳ tuyến đường nào.

Tầm 9 giờ 30, dù đã qua khung giờ cao điểm buổi sáng nhưng tuyến đường Trần Duy Hưng hướng đi Nguyễn Chí Thanh vẫn đông nghịt phương tiện. Ngã 3 Trung Kính – Trần Duy Hưng, cầu vượt ngã tư Láng – Nguyễn Chí Thanh và ngã 3 Huỳnh Thúc Kháng – Nguyễn Chí Thanh đều xảy ra ùn tắc cục bộ.

Giải quyết được điểm ùn tắc này, điểm khác lại phát sinh. Giáp Tết Nguyên đán, một số điểm nút giao thông dễ trở thành “điểm nóng” về ùn tắc như: Tại cầu Tó, cầu Đôi, đường Âu Cơ - Yên Phụ, Phạm Văn Đồng - Hoàng Quốc Việt, ngã ba Pháp Vân, Lê Văn Lương, Nguyễn Xiển...

Nguyên nhân chủ yếu do lượng dân cư từ các nhà cao tầng và phương tiện tăng đột biến, trong khi hạ tầng giao thông không phát triển kịp tốc độ phát triển đô thị và sự gia tăng phương tiện, cộng thêm nhu cầu đi lại cuối năm phức tạp...

Giải pháp nào?

"Thực hiện phân luồng tại các khu vực giao thông phức tạp, giải tỏa kịp thời khi xảy ra ùn tắc, không để ùn tắc kéo dài, nhất là trong ngày đầu, ngày cuối đợt nghỉ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu...".

Đó là một trong những nội dung Công điện số 2239/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu và Lễ hội Xuân 2017.

Theo nội dung công điện, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng lập kế hoạch cụ thể và có biện pháp tổ chức vận tải bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân; đẩy mạnh triển khai hình thức bán vé qua mạng Internet, nâng cao chất lượng dịch vụ, kiểm tra việc niêm yết giá vé; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải như chèn ép, sang nhượng hành khách, tăng giá vé trái quy định; không để xảy ra tình trạng hành khách không kịp đón Tết cùng gia đình do thiếu phương tiện vận chuyển.

Tổ chức phân luồng giao thông hợp lý trên các tuyến giao thông trọng điểm, có lưu lượng phương tiện lớn; tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn tại các điểm giao cắt giữa đường bộ, các điểm đen giao thông, các cung đoạn đường có đèo dốc nguy hiểm thường xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng và đường sắt, quản lý an toàn đường thủy tại bến khách ngang sông, các điểm du lịch, lễ hội; kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến trái phép, phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn, dụng cụ cứu sinh, chở quá số người quy định; kiểm tra, xử lý việc vi phạm hành lang an toàn giao thông; khẩn trương rà soát, khắc phục các điểm đen về tai nạn giao thông, đặc biệt là trên các tuyến trục chính ra vào TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các tuyến đường kết nối với các đầu mối giao thông trọng điểm (cảng hàng không, cảng biển, ga đường sắt, bến xe khách...).

Đồng thời UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương có kế hoạch cụ thể, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ và hiệu quả các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhân dân dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu và Lễ hội Xuân 2017 phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, chú trọng khu vực nông thôn, miền núi và các địa điểm diễn ra lễ hội trên địa bàn.

Đặc biệt, UBND TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có phương án tổ chức, điều tiết giao thông, bố trí đủ lực lượng và phương tiện, ứng trực trên các tuyến giao thông trọng điểm, các trục chính ra vào thành phố; thực hiện phân luồng tại các khu vực giao thông phức tạp, giải tỏa kịp thời khi xảy ra ùn tắc, không để ùn tắc kéo dài, nhất là trong ngày đầu, ngày cuối đợt nghỉ Tết.

Nguyên nhân chủ yếu do lượng dân cư từ các nhà cao tầng và phương tiện tăng đột biến, trong khi hạ tầng giao thông không phát triển kịp tốc độ phát triển đô thị và sự gia tăng phương tiện, cộng thêm nhu cầu đi lại cuối năm phức tạp...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ