Bất thường!
Thông thường, dịch bệnh đau mắt đỏ thường bùng phát vào tháng 9, tháng 10 hàng năm, nhưng năm nay lại xuất hiện từ đầu năm và đang gia tăng sau Tết Nguyên đán. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, mỗi ngày có từ 150 đến gần 200 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị, chủ yếu là trẻ em và người có sức đề kháng yếu, tăng nhanh so với dịp trước Tết Nguyên đán và tương đương với đầu mùa dịch tháng 9 hàng năm.
Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Bác sỹ Hoàng Cương, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương cảnh báo, những ngày vừa qua lượng bệnh nhân đến khám với triệu chứng đau mắt đỏ tăng nhanh, thậm chí có ngày lên đến 168 trường hợp. Bệnh nhân đau đến khám sống tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Cũng theo vị bác sỹ này, năm nay dịch xuất hiện khá sớm và bất thường, do vậy người dân, đặc biệt là các trường học, cơ quan, văn phòng, nơi tập trung đông người cần chú ý các biện pháp phòng dịch.
Ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện Mắt Trung ương ngày 13/2 cho thấy, rất nhiều bệnh nhân đến khám với triệu chứng đau mắt đỏ. Chị Nguyễn Thị Hòa, ở phố Nguyễn Công Hoan, Hà Nội đưa con đi khám với các triệu chứng mắt sưng đỏ, nhiều gỉ mắt, hơi sốt nhẹ. Theo lời chị Hòa, cuối tuần qua gia đình đưa cháu đi công viên Cầu Giấy chơi, khi tối về cháu bảo mắt hơi đau, có gỉ, gia đình liền lấy nước muối sinh lý để rửa mắt cho cháu nhưng đến sáng tình trạng bệnh không cải thiện, do vậy gia đình phải đưa cháu đến Bệnh viện Mắt Trung ương để khám.
Trước tình hình dịch diễn biến bất thường, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, khả năng đau mắt phát triển thành dịch, do đó, Sở Y tế đã yêu cầu Trung tâm y tế các quận, huyện giám sát chặt chẽ tình hình ổ dịch viêm kết mạc cấp trên địa bàn quản lý, đặc biệt chú trọng trong các nhà trẻ, trường học. Các đơn vị điều trị tăng cường nhân lực, thuốc, vật tư đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân; chú trọng phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện do đây là bệnh rất dễ lây lan trong môi trường không thông thoáng, tiếp xúc gần, dùng chung dụng cụ, đồ vật. Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập tăng cường bàn khám, nhân lực, trang thiết bị, thuốc phục vụ cho tiếp nhận khám và điều trị các bệnh nhân mắc bệnh đau mắt.
Không nóng vội trong điều trị đau mắt đỏ
Nói về bệnh đau mắt đỏ, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã khuyến cáo, đau mắt đỏ là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với dịch tiết từ mắt qua bàn tay nhiễm virus hoặc dùng chung đồ dùng, vật dụng bị nhiễm mầm bệnh. Bệnh có thể lây truyền mạnh trong gia đình, nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và những nơi tập trung đông người.
Theo các chuyên gia y tế, đại đa số các trường hợp đau mắt đỏ chỉ cần rửa vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý mỗi ngày là bệnh tự khỏi sau 7 - 10 ngày. Nếu rửa mắt đúng cách, thường sau 3 - 4 ngày, mắt sẽ không còn tiết dử, đỡ chói nhưng vẫn đỏ, chảy nước mắt. Tuy nhiên theo bác sỹ Hoàng Cương, trên thực tế, nhiều bệnh nhân đến khám trong tình trạng mắt trầm trọng hơn bởi sự nôn nóng trong điều trị, khi kết hợp cả Đông y và Tây y trong điều trị những mong bệnh nhanh khỏi, đặc biệt nhất là việc xông lá trầu không và tiêm kháng sinh vào mắt khiến mắt càng sưng nề, khó chịu hơn.
Các bác sỹ cũng lưu ý, với đau mắt đỏ, kháng sinh không phải là quan trọng nhất, chỉ có tác dụng phòng bội nhiễm, không mang tác dụng chữa bệnh đau mắt đỏ. Theo các chuyên gia y tế, khi bị đau mắt đỏ, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế có chuyên ngành nhãn khoa để khám. Không nên tự mua thuốc điều trị vì có thể mua không đúng chủng loại thuốc, không đúng với bệnh. Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc chứa thành phần corticoid. Nếu không sử dụng đúng theo chỉ định của bác sĩ nhãn khoa, thuốc có thể gây những biến chứng có thể dẫn đến mất thị lực.
Về phía Bộ Y tế, theo ông Trần Đắc Phu, cơ quan này đã có văn bản khuyến cáo người dân phòng chống bệnh đau mắt đỏ. Theo đó, người dân thực hiện tốt các biện pháp như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: Lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, nước súc họng thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ.