Cần thế hệ nông dân mới
Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân và Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam diễn ra tại Sơn La từ ngày 28/5 đến 1/6.
Tại phiên đối thoại, GS.TS, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam trao đổi, để phát triển nông nghiệp, một trong những giải pháp căn cơ mang tính cốt lõi là nguồn nhân lực và khoa học công nghệ.
Về nguồn nhân lực cho các địa phương, GS Lan nhấn mạnh, để phát triển nền nông nghiệp bền vững theo hướng xanh và sạch, cần quan tâm đến quy hoạch nguồn nhân lực. Nếu như không làm tốt quy hoạch nguồn nhân lực thì chúng ta sẽ không có định hướng, không có kế hoạch bài bản, toàn diện để đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng thực tiễn tốt.
Cần xác định nhu cầu nguồn nhân lực, căn cứ vào thực trạng và định hướng chiến lược phát triển của địa phương để biết cần gì; từ đó đào tạo cho phù hợp; đồng thời có định hướng, kế hoạch sát thực.
“Chúng ta cần quy hoạch về cơ sở đào tạo, xác định ai đào tạo và đào tạo như thế nào” – GS.TS Nguyễn Thị Lan đặt vấn đề, đồng thời cho rằng, tăng cường phối hợp các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp để cùng tham gia đào tạo. Từ đó, xây dựng chuẩn cho vị trí công việc ở địa phương, mỗi hợp tác xã, mỗi vị trí đó cần kiến thức chuẩn gì thì đào tạo kiến thức đó.
Đối với người nông dân, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, cần thế hệ nông dân mới, có kiến thức và kỹ năng chuyên nghiệp hơn để thích ứng với bối cảnh mới, thách thức mới.
Ngoài ra, Chính phủ cần giao các cơ sở đào tạo đầu ngành trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản xây dựng bộ chương trình, tài liệu chuẩn để đào tạo “nông dân chuyên nghiệp”. Đó là những người có kiến thức khoa học kỹ thuật, thành thạo các kỹ năng như: kinh tế số, công nghệ, lý kinh tế, đàm phán và thương thuyết, xúc tiến thương mại...
Cùng với đó, theo sát nhu cầu và yêu cầu thị trường nông sản quốc tế, gắn với thị trường lao động và phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn trong nước.
Trí thức hóa nông dân
Để chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, cần có thể chế khuyến khích hình thành và phát triển tầng lớp doanh nhân trong nông nghiệp. “Chúng ta rất cần tầng lớp doanh nhân mới, ở cả đô thị và nông thôn. Đó phải là những người biết phụng sự xã hội, phụng sự dân tộc, biết làm giầu cho mình và cho sự hưng thịnh của quốc gia” - GS.TS Nguyễn Thị Lan nói và cho rằng:
Các bộ ngành Trung ương, địa phương cần sớm phát động chương trình “Nông dân khởi nghiệp”. Chương trình cần được thực hiện thường xuyên, thực chất để người nông dân ở mọi miền tổ quốc, không phân biệt tuổi tác, giới tính, trình độ văn hóa v.v… có thể tiếp cận thông tin, trao đổi kinh nghiệm và cùng nhau khởi nghiệp nông nghiệp.
Trao đổi về khoa học công nghệ, GS.TS Nguyễn Thị Lan chia sẻ: mỗi địa phương cần quy hoạch tốt; đánh giá xem thực tế cần nhu cầu gì về khoa học công nghệ. Xây dựng định hướng chiến lược của địa phương để tiếp nhận giống vật nuôi, cây trồng, kỹ thuật, công nghệ phù hợp từ các trung tâm nghiên cứu lớn hoặc từ các trường đại học, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đây là cách nâng cao chất lượng nhân lực nông nghiệp hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số theo hướng “trí thức hóa nông dân”; phát huy mạnh mẽ tiềm năng sáng tạo vô tận của người dân nông thôn Việt Nam.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam là đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học nông nghiệp lớn với bề dày truyền thống 66 năm, với đội ngũ gần 1.400 cán bộ, viên chức, đã đào tạo được trên 100.000 cán bộ kĩ thuật, bác sỹ thú y, cán bộ quản lý có trình độ đại học và trên đại học, phục vụ Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên mọi miền của Tổ Quốc.