Tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

GD&TĐ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức “Diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”. 

Tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Diễn đàn diễn ra tại Hà Nội, là buổi đối thoại giữa các doanh nghiệp với các nhà hoạch định chính sách, các hiệp hội và tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tìm ra những sáng kiến, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện nay, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do lớn, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu... Với mức độ tự do hóa sâu, phạm vi rộng với các đối tác thương mại hàng đầu thế giới, các hiệp định thương mại mở ra con đường hội nhập thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế với các đối tác thương mại lớn.

Thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường nhập khẩu cho những mặt hàng nông sản không có thế mạnh. Tuy nhiên, cũng giúp Việt Nam tăng cường xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Để thúc đẩy được việc xuất khẩu, các mặt hàng nông sản Việt Nam cần đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của thị trường, vượt qua được những hàng rào kỹ thuật và mang lại giá trị cao cho người tiêu dùng.

Đóng góp vào thế mạnh sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam, các doanh nghiệp chiếm lĩnh vị trí quan trọng. Tuy vậy, số doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện nay còn rất hạn chế; nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp ước tính chỉ chiếm khoảng 6% trên tổng vốn đầu tư của cả nền kinh tế.

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã tăng từ 2.397 năm 2007 lên 3.640 năm 2015; 9 tháng năm 2016 đạt 4.080 doanh nghiệp. Dù vậy, đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn thiếu ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển của ngành.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm dưới 1% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước và đa phần có quy mô vốn nhỏ; số doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm 55%. Bên cạnh những doanh nghiệp đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư một cách căn cơ, ứng dụng khoa học công nghệ, hoặc đầu tư thiết bị hiện đại, chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng.

Quá trình hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất còn ít và chưa chặt chẽ, dẫn đến chi phí cao, khả năng cạnh tranh thấp; chuỗi giá trị ngành hàng bị cắt đoạn, hiệu quả thấp. Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) mới ở giai đoạn thí điểm, quy mô nhỏ, phạm vi hẹp; đồng thời các chính sách mới chưa được triển khai và chưa thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp về loại hình đầu tư này.

Tại Diễn đàn, các đại biểu cho rằng, để phát triển ngành nông nghiệp, cần quan tâm phát triển các sản phẩm có thị trường ở khu vực và toàn cầu, có giá cả ổn định. Đồng thời, cần làm tốt công tác quản lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để tạo điều kiện cho nông dân yên tâm sản xuất; nên ưu tiên nghiên cứu các vấn đề về giống, quy trình sản xuất, quy trình bảo quản, chế biến sau thu hoạch nông sản; ưu tiên các vấn đề về chính sách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ