Tăng cường vai trò của khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn

GD&TĐ - Vừa qua tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị “Các nhà khoa học đóng góp ý kiến tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu trong điều kiện hội nhập” nhằm lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học phục vụ cho quá trình xây dựng và phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tăng cường vai trò của khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao những đóng góp tích cực của cộng đồng các nhà khoa học, các doanh nghiệp, hiệp hội, hội đã góp phần vào thành công của ngành nông nghiệp trong những năm qua. Các cán bộ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đã dày công nghiên cứu, chọn tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi, các chế phẩm, các quy trình công nghệ mới, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.

Ba năm triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến nay các nhà khoa học đã tạo ra được 149 giống cây trồng vật nuôi mới, 65 quy trình công nghệ, 35 tiến bộ kỹ thuật cùng với nhiều giải pháp trong các lĩnh vực, kịp thời chuyển giao vào sản xuất và được thực tiễn sản xuất tiếp nhận. Tuy vậy, theo Giáo sư, Viện sỹ (GS.VS) Trần Đình Long – Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam, còn nhiều bất cập trong quá trình nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ ngành nông nghiệp, nông thôn. Trong đó có thể thấy nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của nước ta giữ vị trí cao trên thế giới nhưng hiệu quả còn thấp. Hiện nay, nước ta vẫn chưa có các mặt hàng là sản phẩm mang thương hiệu quốc gia. GS.TS Trần Đình Long đề nghị, cần có cơ chế để thu hút các nhà khoa học dù đang đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu để cùng thực hiện công tác nghiên cứu khoa học công nghệ cho các giống cây trồng, vật nuôi. Đây là nguồn lực đóng góp phần quan trọng vào công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ ngành nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, ngành nông nghiệp hiện nay đang tập trung vào các sản phẩm chủ lực của quốc gia, vùng miền, địa phương, vì vậy, các nguồn lực cần tập trung thực hiện theo các chuỗi này. Đồng thời, với sự vào cuộc của các doanh nghiệp, chúng ta sẽ tiếp tục tháo gỡ về thể chế, chiến lược, tác động vào đầu tư công, dịch vụ công, tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để tạo cơ hội cho khoa học công nghệ phục vụ cho phát triển nông nghiệp.

Năm 2017 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp 5 năm 2016 – 2020 trong bối cảnh những khó khăn thách thức được dự báo vẫn chưa giảm hơn so với năm 2016. Với sự ủng hộ, tham gia tích cực và tâm huyết của cộng đồng các nhà khoa học, các hiệp hội, hội và doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tiếp tục khẳng định, khoa học và công nghệ là khâu then chốt tạo sự đột phá, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Khoa học và công nghệ không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của ngành nông nghiệp, mà sự phát triển của khoa học công nghệ chính là sự phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ