Mới đây, NXB Kim Đồng đã xuất bản bộ tiểu thuyết kỳ ảo 5 tập “Lục địa rồng” của Cao Việt Quỳnh – tiểu thuyết gia trẻ tuổi nhất Việt Nam sinh năm 2008, hiện đang là học sinh lớp 11.
“Lục địa rồng” là bộ tiểu thuyết thứ 2, sau “Người sao chổi” (3 tập) được Cao Việt Quỳnh viết từ năm lên 9 tuổi, tập 1 được xuất bản năm em 11 tuổi. Với tác phẩm này, Quỳnh là tác giả trẻ tuổi nhất đoạt giải C Giải thưởng Sách quốc gia Việt Nam năm 2022. Em cũng là đại biểu ít tuổi nhất tại Hội nghị Người viết trẻ TPHCM vừa qua.
“Tạo ra thế giới của riêng mình” là quan điểm sáng tác của Cao Việt Quỳnh, thể hiện ngay từ lối viết kết hợp giữa yếu tố kỳ ảo siêu nhiên và khoa học viễn tưởng. Quan điểm ấy cũng cho thấy sự chuyên nghiệp trong sáng tạo. Hành trình những cuốn sách nối nhau ra đời đã chứng minh Quỳnh vẫn đang nỗ lực thực hiện dự định của mình.
Còn nhớ, hơn 10 năm trước, Nhà xuất bản Trẻ cho ra mắt bạn đọc bộ tiểu thuyết giả tưởng “Cuộc chiến với hành tinh Fantom” của cây bút Nguyễn Bình khi đó cũng đang ở tuổi học tiểu học. Bộ tiểu thuyết dự đoán là 5 tập, mỗi tập đều dày dặn về số trang in và được quảng bá rộng rãi.
In đến tập thứ 3 thì dừng và đến bây giờ bộ sách còn dang dở này vẫn chưa được tiếp nối, bị quên bẵng giữa hàng trăm đầu sách văn học mới ra hàng ngày. Nguyễn Bình “thần đồng tiểu thuyết” ngày ấy chưa chính thức xuất hiện trở lại văn đàn.
Xa hơn nữa, những năm 60 của thế kỷ trước, đời sống đất nước khó khăn nhưng đời sống văn học rất sôi nổi. Nhiều cây bút nhí được quan tâm, bồi dưỡng, được gọi là “thần đồng”, nhưng chỉ có cậu bé Trần Đăng Khoa trụ lại, trở thành nhà thơ nổi tiếng Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay.
Đôi điều như vậy để thấy rằng việc xuất hiện những tác giả nhí luôn được trân trọng, cổ vũ, bởi làn gió mới mẻ mát lành ấy đã phần nào xua đi sự già nua, cũ kỹ của đời sống văn học. Dù trang viết đã chững chạc tài hoa hay vẫn còn đơn giản thì mọi nhận xét đánh giá luôn đầy ưu ái, bởi họ chính là tương lai của một nền văn học.
Nhưng sự sáng tạo thuộc về cá nhân. Để đi được đường dài, thì sức mạnh nằm ở năng lực, niềm say mê và ý chí quyết tâm của họ.
Nuôi dưỡng tài năng, đặc biệt là những tài năng văn học nghệ thuật chưa bao giờ dễ dàng. Trường hợp của Cao Việt Quỳnh, còn quá sớm để nói về thành công phía trước hay dư âm lâu dài từ các tác phẩm của em.
Những thanh thiếu niên gen Z có đủ điều kiện tiếp cận với cánh cửa tri thức bên ngoài. Song cũng rất cần sự khích lệ, động viên, bồi dưỡng, đặc biệt về mặt đào tạo, để những cái cây không cảm thấy lẻ loi mà được vươn lên xanh tốt, vững chãi và tràn trề khát vọng sáng tạo.