Để người hiệu trưởng tự tin triển khai chương trình mới

GD&TĐ - Cần bồi dưỡng gì cho hiệu trưởng để có thể lãnh đạo thành công nhà trường năng lực? Đây là câu hỏi được GS Nguyễn Đức Chính - nguyên Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội - đưa ra khi chia sẻ những đề xuất đổi mới bồi dưỡng cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục phổ thông đáp ứng chương trình mới.

Người hiệu trưởng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc khơi gợi lòng yêu nghề của giáo viên, xây dựng văn hóa học đường. Trong ảnh: Niềm vui của học sinh Trường tiểu học Tống Phan (Phù Cừ, Hưng Yên) trong giờ ra chơi.
Người hiệu trưởng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc khơi gợi lòng yêu nghề của giáo viên, xây dựng văn hóa học đường. Trong ảnh: Niềm vui của học sinh Trường tiểu học Tống Phan (Phù Cừ, Hưng Yên) trong giờ ra chơi.

Thay đổi nhận thức về quá trình dạy học, về vị trí, vai trò của học sinh, giáo viên

Thay đổi nhận thức của giáo viên về quá trình dạy học, về vị trí, vai trò của học sinh và giáo viên là nội dung đầu tiên GS Nguyễn Đức Chính nhắc đến.

GS Chính cho rằng, dạy học thực chất là dạy cách học, trong đó học sinh là chủ thể của quá trình tự học, còn giáo viên là chủ thể của việc giúp mỗi học sinh tự học theo cách của học sinh đó. Đây là công việc khó cần sự kiên trì và quyết tâm của hiệu trưởng.

Để làm việc này, theo GS Nguyễn Đức Chính, đầu mỗi năm học, hiệu trưởng tổ chức để mỗi giáo viên tìm hiểu học sinh của lớp mình về khả năng học môn học ở năm học mới, hứng thú với môn học, phong cách học môn học, từ đó phân loại học sinh và dự kiến các chiến lược dạy học phù hợp với từng nhóm học sinh. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch dạy môn học, kế hoạch giúp các học sinh có trình độ khác nhau.

GS Nguyễn Đức Chính phát biểu tại Hội thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các yêu cầu đổi mới bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông” do Học viện Quản lý giáo dục tổ chức
GS Nguyễn Đức Chính phát biểu tại Hội thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và các yêu cầu đổi mới bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông” do Học viện Quản lý giáo dục tổ chức  

Tổ chức tập huấn cho giáo viên các kĩ thuật dạy học theo hướng phát triển năng lực

Đề xuất thứ hai của GS Nguyễn Đức Chính là tổ chức tập huấn cho giáo viên các kĩ thuật dạy học theo hướng phát triển năng lực. Cụ thể, về dạy học tích hợp, tích hợp kiến thức bài mới với các kiến thức đã học ở bài trước, năm trước (tích hợp nội môn; tích hợp với các môn học khác (tích hợp liên môn); tích hợp nhiều môn học để giải quyết một vấn đề có trong đời sống (dạy học theo chủ đề - tích hợp xuyên môn); tích hợp với rèn luyện các kĩ năng sống khác, với bối cảnh địa phương trường đóng.

Dạy học phân hoá, tiến tới cá thể hoá. Trên cơ sở mục tiêu tổ chức lại nội dung bài học, chỉ lấy những nội dung cốt lõi (nội dung phải biết) để làm việc trên lớp, còn lại hướng dẫn để học sinh (khá, giỏi) có thể tự học ở nhà (nếu thích và có điều kiện)

Tổ chức các hoạt động trên lớp cho học sinh (dạy học thông qua trải nghiệm). Trên cơ sở mục tiêu, nội dung bài học, đối tượng học sinh cụ thể tổ chức được các hoạt động cho học sinh, và thông qua hoạt động học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức, kĩ năng thay vì thuyết giảng như hiện nay.

Để làm việc này, theo GS Nguyễn Đức Chính, đầu mỗi năm học, hiệu trưởng cần tổ chức để giáo viên nghiên cứu toàn bộ chương trình bậc học của tất cả các môn học nhằm xác định:

Môn học sẽ dạy năm học này có sử dụng những kiến thức, kĩ năng nào của môn học mà học sinh đã học ở các năm trước, những kiến thức nào cần có để học tốt môn học trong năm học này? Những nội dung nào của môn học có liên quan và có thể tích hợp với nội dung nào của các môn khác?

"Đây là cơ sở để giáo viên tìm hiểu đối tượng, làm giáo án tích hợp (nội môn và liên môn)" - GS Chính cho biết.

Ngoài ra, cũng đầu mỗi năm học, hiệu trưởng tổ chức để giáo viên tìm hiểu những đặc điểm về văn hoá, lịch sử, kinh tế - xã hội... địa phương trường đóng, qua đó xác định được các vấn đề có thể sử dụng trong dạy học (tích hợp) trong kiểm tra đánh giá, đồng thời giúp giáo viên có trải nghiệm đời sống thực của địa phương, có ý thức hướng học sinh sử dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề của chính địa phương mình (qua đó học sinh tự rèn luyện năng lực cho bản thân).

Cuối cùng, tổ chức để giáo viên thiết kế giáo án theo hướng tích hợp thành các hoạt động, lên lớp, rút kinh nghiệm và tổ chức đại trà.

Tổ chức tập huấn cho giáo viên các kĩ thuật, hình thức đánh giá năng lực trong dạy học

GS Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh: Đánh giá trong dạy học năng lực là khâu quyết định (không có đánh giá, đánh giá không đúng chắc chắn không có năng lực).

Trong hoạt động đánh giá năng lực thì đánh giá kết quả học tập chỉ là khâu thứ yếu. Đánh giá thường xuyên trong suốt quá trình học tập, vì sự tiến bộ của từng học sinh, giúp họ biết còn thiếu gì, cần bổ sung những kiến thức, kĩ năng nào, bổ sung bằng cách nào, và lại được đánh giá xem đã đạt chưa. Đó là mục đích chính của đánh giá nói chung, đánh giá trong dạy học năng lực nói riêng.

GS Nguyễn Đức Chính gợi ý, để làm việc này, hiệu trưởng cần tổ chức các hoạt động sau:

Tổ chức để mỗi giáo viên xây dựng kế hoạch kiểm tra đánh giá môn học của mình trong suốt năm học, trong đó chú trọng các hình thức kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kì;

Tổ chức tập huấn cho giáo viên kĩ thuật viết các câu hỏi kiểm tra theo hướng hình thành năng lực (không phải kiểm tra kiến thức);

Tổ chức tập huấn cho giáo viên quy trình tổ chức một kì kiểm tra đánh giá;

Tổ chức tập huấn cho giáo viên các thiết kế một bài kiểm tra phù hợp với mục đích của kì kiểm tra đó;

Tổ chức tập huấn cho giáo viên cách chấm bài, cách cho điểm, cách viết lời phê, cách trả bài, cách sử dụng điểm số...;

Tổ chức tập huấn cho giáo viên cách thức lưu trữ, sử dụng kết quả kiểm tra đánh giá học sinh để giúp các em điều chỉnh cách học, giúp giáo viên điều chỉnh cách dạy, nhà quản lý điều chỉnh cách quản lý.

"Để chuyển một nền giáo dục từ chủ yếu truyền đạt kiến thức sang nền giáo dục chủ yếu rèn luyện phẩm chất năng lực, cả hệ thống giáo dục phải đổi mới căn bản tư duy về giáo dục, về quản lý giáo dục.

Trong công cuộc cách mạng này, vai trò của hiệu trưởng với tư cách là chỉ huy trưởng của một đơn vị tác chiến trực tiếp, quyết định thành bại trên mặt trận của mình" - GS Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh.

Những điều kiện để có thể điều hành nhà trường năng lực
Tất cả giáo viên phải thực hiện được kĩ năng nghề nghiệp quan trọng nhất là “phát triển chương trình môn học, bài học“, tức là biết xây dựng kế hoạch dạy môn học, bài học phù hợp nhất với học sinh lớp mình, sử dụng được hình thức dạy học thông qua trải nghiệm, giúp học sinh tự kiến tạo kiến thức thay vì giảng bài, truyền thụ kiến thức.
Tất cả giáo viên phải sử dụng được các hình thức đánh giá quá trình, giúp học sinh tự nhận ra những thiếu sót, giúp họ khắc phục những điểm yếu để tiến bộ không ngừng trong suốt quá trình học môn học.
Tất cả giáo viên phải biết giúp học sinh vận dụng kiến thức của môn học, bài học vào thực tiễn cuộc sống tại địa phương mình, và có cách ứng sử phù hợp trong các tình huống khác nhau của cuộc sống.

GS Nguyễn Đức Chính

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ