Đó cũng là nhận xét của cô Nguyễn Minh Ngọc, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Đinh Thiện Lý (TP.HCM) về đề thi Ngữ văn của thành phố năm nay.
Về cấu trúc: Cấu trúc đề thi gồm 3 phần: Đọc hiểu 30% Nghị luận xã hội 30% Nghị luận văn học 40%, trong đó có 2 câu chọn 1.
Nhận xét tổng quan: Đề thi có cấu trúc hợp lý, bám sát nội dung chương trình Văn học lớp 9 nhưng vẫn tạo điều kiện cho học sinh phát huy sự sáng tạo thông qua việc gia tăng quyền được lựa chọn của cá nhân.
Ở câu nghị luận xã hội, học sinh được quyền lựa chọn 1 trong 3 cách ứng xử từ câu chuyện (mang tính ẩn dụ) của 4 cái cây và câu nghị luận văn học, học sinh được lựa chọn giữa một vấn đề quen thuộc (tình cảm cha con trong truyện ngắn “Chiếc lược ngà”) và một đề cảm thụ thơ cho các em quyền tự chọn đoạn thơ trong bài thơ mình thích viết bằng trải nghiệm, tình yêu thơ của mình.
Theo phân tích của cô Minh Ngọc, việc cho học sinh quyền tự chọn hướng làm bài hoặc câu hỏi nghị luận văn học là một cách ra đề hay, giúp học sinh phát triển kĩ năng, có điều kiện bộc lộ quan điểm, cảm xúc, đồng thời tránh việc học văn theo lối khuôn sáo, học tủ, học văn mẫu.
Nếu tham khảo đề của nhiều tỉnh thành, có thể thấy, mấy năm nay, đề của TP HCM luôn tạo cho học sinh sự lựa chọn và sáng tạo cao.
Riêng bài đọc hiểu, chủ đề "thách thức để thay đổi" là một chủ đề hay, thực tiễn bởi đó là vấn đề thế hệ trẻ phải đối mặt trong thế kỉ 21. Hai văn bản được trích dẫn cho thấy sự lựa chọn công phu của ban ra đề.
Đề văn của TP HCM – kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay là minh chứng cho việc thay đổi trong đánh giá, là hướng đi đúng đưa môn Văn về với những giá trị nó vốn có, thoát ra khỏi tư duy học văn khuôn mẫu, sáo mòn.
Là một giáo viên dạy Văn, cô Minh Ngọc bày tỏ hy vọng, các kỳ thi tuyển sinh 10 nói riêng và các kỳ thi khác, học sinh sẽ gặp nhiều hơn những đề thi đầy tính hấp dẫn, sáng tạo và gợi mở như vậy.
Nội dung Đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 năm học 2019 – 2020 của TP Hồ Chí Minh: