Thu thuế cá nhân
Trước đó, vào buổi sáng cùng ngày, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Theo đó, một trong những nội dung được các đại biểu thảo luận và tranh luận sôi nổi đó là quy định xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình hợp lý về nguồn gốc.
Là người phát biểu đầu tiên, đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp tán thành dự án luật vì đến nay pháp luật chưa có quy định về xử lý. Trong khi đó không loại trừ tài sản, thu nhập này có nguồn gốc bất hợp pháp. “Thực tiễn xử lý các trường hợp vi phạm nghĩa vụ kê khai, giải trình tài sản thu nhập tăng thêm trong thời gian qua cho thấy, số cán bộ, công chức, viên chức có tài sản giá trị rất lớn và giải trình không hợp lý về nguồn gốc nhưng cũng chưa có cơ chế xử lý đối với tài sản này, gây nghi ngờ trong dư luận của nhân dân” - đại biểu Phạm Văn Hòa nêu thực trạng.
Ngay sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Tiếp đến, Quốc hội thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn với tỷ lệ 100%. Đây là lần thứ ba Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm. Hai lần trước được thực hiện liên tục trong các năm 2013 và 2014. Sau đó, Quốc hội quyết định chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi khoá vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ.
Về phương án xử lý, đại biểu Phạm Văn Hòa chọn phương án thu thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung loại thu thuế này là thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, việc thu thuế cũng không loại trừ xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản của người có nghĩa vụ kê khai, nếu sau đó Nhà nước chứng minh được tài sản này thuộc phạm tội, vi phạm pháp luật mà có. Trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai không đồng tình với quyết định thu thuế thì họ cũng có thể khiếu kiện ra Tòa án hành chính để giải quyết. Theo phương án này việc xử lý được thực hiện nhanh, kịp thời, không tạo ra tâm lý nặng nề đối với người có nghĩa vụ kê khai so với việc xử lý thông qua con đường Tòa án.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - đoàn Quảng Bình đề nghị Quốc hội xem xét kỹ lưỡng và không thể đồng tình với phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được nguồn gốc sẽ chuyển cho Tòa án. Đại biểu phân tích: Thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra mà không chứng minh được tài sản thu nhập do vi phạm pháp luật mà có thì không thể có chứng cứ và cũng không có cơ sở pháp lý để quy tội. Do đó, không thể chuyển cho Tòa án xét xử.
“Thực tế, nhiều vụ án phạm tội nhận hối lộ người ta khai là đưa cho ông A, ông B nhưng tòa cũng không thể kết tội cho ông A, ông B được, bởi vì không có căn cứ. Trong thực tế có những vụ án chủ tịch xã với trưởng phòng quản lý đất đai khi nhận tiền của người dân nhưng bị truy tố thì chủ tịch xã không bị tội mà phòng quản lý đất đai bị tội. Vì có ghi đầy đủ ngày tháng nhận tiền nhưng không có căn cứ cụ thể” - đại biểu Nguyễn Ngọc Phương viện dẫn.
Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đồng ý với phương án: Trường hợp tài sản thu thêm mà không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc mà các cơ quan tố tụng hình sự có liên quan không chứng minh được hành vi phạm tội mà có, thì chuyển sang cơ quan thuế để thu thuế. “Tùy theo mức độ, thuế có thể tăng thêm bởi lẽ, không chứng minh được thì 50% và cũng không giải trình được thì phải mất 50%...” - đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu quan điểm.
Không phương án nào là hoàn hảo tuyệt đối
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trao đổi: Phải khẳng định ở đây không phải là loại tài sản tham nhũng. Vì nếu đã là tài sản tham nhũng thì sẽ là trách nhiệm của cơ quan điều tra.
Còn nếu tài sản này là loại tài sản mà hai bên đều chưa chứng minh được thì: Thứ nhất, cơ quan có trách nhiệm chưa chứng minh được đó là tài sản tham nhũng. Thứ hai là người có tài sản cũng không giải trình được hợp lý về tài sản tăng thêm đó có nguồn gốc từ đâu. Tức là nó nằm trong tình trạng hai bên đều chưa chứng minh được.
Theo quy định của luật hiện hành, đối với hành vi kê khai không trung thực và hành vi tài sản giải trình nguồn gốc tăng thêm không trung thực thì xử lý theo quy định. Cụ thể đối với những người kê khai tài sản không trung thực thì xóa tên khỏi danh sách của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và danh sách ứng cử, không bổ nhiệm, không phê chuẩn vào chức vụ dự kiến sẽ bổ nhiệm phê chuẩn, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga, có hai vấn đề đặt ra: Thứ nhất, có xử lý hay không? Nếu không xử lý thì có phù hợp với yêu cầu của Đảng và Nhà nước về kiên quyết chống tham nhũng? Đứng trên yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng thì cần phải xử lý tài sản trong phòng, chống tham nhũng.
Thứ hai, có một số trường hợp tài sản nghi ngờ có nguồn gốc bất hợp pháp nhưng không chứng minh được. Cách xử lý như thời gian vừa qua, dư luận có nhiều băn khoăn, phản ứng trong một số trường hợp vì họ vẫn nghi ngờ đó là tài sản do tham nhũng mà có.
Thứ ba là, trong tất cả các phương án, không có một phương án nào là hoàn hảo, có thể đáp ứng được tất cả mọi yêu cầu, mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm. “Theo đánh giá của Thường vụ Quốc hội, phương án ưu việt hơn là giải quyết qua tòa án theo thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại tòa” - bà Lê Thị Nga trao đổi.