Đề nghị không luật hoá các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ trong Luật Dược sửa đổi

GD&TĐ - ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) đề nghị không luật hoá các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ trong Luật Dược (sửa đổi).

ĐBQH Nguyễn Trường Giang.
ĐBQH Nguyễn Trường Giang.

Sáng 22/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

luatduocjpg1-540-9160.jpg
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho rằng nên rà soát toàn bộ dự thảo Luật, không luật hóa các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) nhận thấy, một trong những vấn đề nổi lên là dự thảo Luật đang luật hóa rất nhiều quy định, đặc biệt là Nghị định 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược.

“Ví dụ liên quan đến dịch vụ bảo quản và vận chuyển thuốc có thuộc dịch vụ logistic hay không mà quy định tại Nghị định 54 /2017/NĐ-CP? Sau 7 năm thi hành Nghị định này, chúng ta vẫn chưa có nhiều công ty trong nước và dịch vụ này chưa phát triển. Do đó, tôi băn khoăn tính ổn định của Nghị định này”, đại biểu Nguyễn Trường Giang nêu quan điểm.

Vì vậy, đại biểu đề nghị rà soát toàn bộ dự thảo Luật, thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư và phát biểu của Chủ tịch Quốc hội tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 là: "Những vấn đề mà thực tiễn biến động thường xuyên thì giao Chính phủ quy định, không luật hóa các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ và của các Bộ, điển hình là Nghị định 54 của Chính phủ".

Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, thẩm quyền của các Bộ, ngành thì cần đưa ra khỏi dự thảo Luật này.

luatduoc-2543-8231.jpg
Đại biểu Trần Khánh Thu.

Góp ý về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài (FIE), đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho biết, tại Điều 32 khoản 1 của dự thảo Luật Dược quy định hoạt động “kinh doanh bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc” là một hoạt động kinh doanh dược độc lập.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc cũng được liệt kê tại Khoản 2 Điều 32 như một cơ sở kinh doanh dược độc lập với cơ sở bán buôn hay cơ sở bán lẻ thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Vì vậy, khi khoản 4 Điều 53a quy định, các cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện các hoạt động bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mà không nêu rõ các hoạt động này gắn với bán hàng, vô hình trung đã loại trừ quyền kinh doanh của các doanh nghiệp FIE đối với một hoạt động kinh doanh độc lập, không có liên quan đến phân phối thuốc được quy định trong Luật.

Đại biểu tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, theo các hiệp định thương mại tự do như: WTO, CPTTP, EVFTA… Việt Nam chưa cam kết mở cửa cho phân phối dược phẩm nhưng không bảo lưu quyền tiếp cận thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực logistics.

Theo cam kết trong WTO, Việt Nam đã bỏ hạn chế về tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực logistics sau 7 năm kể từ khi gia nhập, tức là kể từ năm 2014, Việt Nam đã không còn hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.

Nếu mở rộng thêm quyền cho các doanh nghiệp FIE sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp đã tập trung đầu tư xây dựng, cung cấp dịch vụ cho thuê kho bãi, logistics trong hoạt động kinh doanh phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong thời gian qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ