Theo Báo cáo của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật trên, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến Chính phủ cho rằng, quy định về tiêu chí dự án quan trọng quốc gia liên quan đến môi trường, đất rừng, đất lúa, dân cư... được quy định thống nhất trong Luật Đầu tư công hiện hành và Luật Đầu tư.
Các tiêu chí nêu trên đều là những vấn đề quan trọng của quốc gia, cần phải được xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời để bảo đảm tính thống nhất về chính sách được quy định ở các luật khác (Luật Đầu tư hiện đang quy định thống nhất về tiêu chí này với Luật đầu tư công, nếu sửa đổi sẽ dẫn đến thiếu thống nhất).
Do đó, đề nghị không điều chỉnh các tiêu chí liên quan đến môi trường, diện tích đất rừng, đất lúa, dân cư… đối với phân loại dự án quan trọng quốc gia trong Dự thảo Luật.
Có ý kiến cho rằng, với tiêu chí quy định về dự án quan trọng quốc gia đối với dự án thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn và dự án nằm trong diện tích trồng lúa nước như Luật hiện hành ở mức khá hẹp, sẽ dẫn tới số lượng dự án phải trình Quốc hội quyết định chủ trương tăng lên, kéo dài thời gian, thủ tục khi địa phương phải trình Quốc hội xem xét, quyết định các dự án này. Vì vậy, đề nghị điều chỉnh để đảm bảo phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Thường trực Ủy ban TCNS kiến nghị UBTVQH cho tiếp thu theo đa số ý kiến không điều chỉnh các tiêu chí liên quan đến môi trường, diện tích đất rừng, đất lúa, dân cư… đối với phân loại dự án quan trọng quốc gia trong Dự thảo Luật.
Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; đa số ý kiến đề nghị không quy định khác biệt về phân cấp quản lý đối với dự án ODA vì đây là nguồn lực NSNN, việc phân cấp cần được áp dụng theo quy định chung.
Luật sửa đổi lần này hướng tới tăng cường phân cấp quản lý đối với các bộ, ngành, địa phương. Theo tinh thần đó, cần quy định quản lý đối với dự án ODA thống nhất như nguồn NSNN, đồng thời, việc quản lý vốn ODA vẫn được thực hiện theo các quy định của Luật quản lý nợ công, bảo đảm tính thống nhất và chặt chẽ (ngoài các thủ tục như các dự án sử dụng vốn NSNN, dự án sử dụng vốn ODA phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án, đàm phán Hiệp định vay vốn, phê duyệt kết quả đàm phán Hiệp định vay vốn).
Vì vậy, xin được bỏ nội dung quy định tại: điểm b, c, d khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 17; điểm c khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 36; Điều 50, Điều 54 về Kế hoạch đầu tư công 3 năm; Điều 42, Điều 66 và Điều 67 của Dự thảo Luật trình Quốc hội về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, trình tự, thủ tục quyết định các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA.
Tuy nhiên, Chính phủ và một số ĐBQH đề nghị áp dụng quy định đặc thù đối với dự án ODA để thống nhất thẩm quyền của Trung ương trong việc kiểm soát nợ công, nợ Chính phủ . Theo đó, đề nghị giữ thẩm quyền trình quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài như Dự thảo Luật đã trình Quốc hội.
Thường trực Ủy ban TCNS kiến nghị UBTVQH cho tiếp thu theo đa số ý kiến về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm B, C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài được phân cấp cho các Bộ, địa phương như đối với các dự án sử dụng vốn NSNN.