Thông tin từ Vụ Kế hoạch và Tài chính (Bộ GD&ĐT): Chính sách không thu học phí sinh viên sư phạm được qui định tại Điều 89 của Luật Giáo dục 2005, cụ thể: Học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm không phải đóng học phí. Kinh phí thực hiện chính sách không thu học phí ngành sư phạm do ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Tuy nhiên, chính sách này đã bộc lộ một số hạn chế như: Sinh viên ra trường không làm đúng ngành Giáo dục gây lãng phí ngân sách Nhà nước (theo điều tra chỉ có khoảng 70% sinh viên ra trường làm đúng ngành sư phạm). Kinh phí cấp kinh phí chi thường xuyên cho cơ sở đào tạo sư phạm còn hạn chế trong khi các trường không được thu học phí, dẫn đến thiếu nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm.
Chính vì vậy, tại Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) trình xin ý kiến Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp lần thứ XI Quốc hội khóa 14 quy định: Học sinh, sinh viên sư phạm được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học, sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành Giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm
Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, lấy ý kiến đại biểu quốc hội, một số đại biểu cho rằng, chính sách này chưa thực sự phù hợp và khó khả thi, đề nghị cần xem xét quy định theo hướng tiếp tục miễn học phí hoặc là miễn học phí và hỗ trợ một khoản sinh hoạt phí.
Bộ GD&ĐT cho rằng, ý kiến của đại biểu là phù hợp, bởi nguồn vốn tín dụng sư phạm phải bố trí từ vốn đầu tư công, phải đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn; hơn nữa, việc vay tín dụng phải thực hiện theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội của đất nước, vì vậy khó khả thi.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Đại biểu và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất trình Quốc hội đề nghị chuyển chính sách tín dụng sư phạm sang hình thức hỗ trợ cho học sinh, sinh viên sư phạm tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt. Trong trường hợp, học sinh, sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp không công tác trong ngành Giáo dục đủ thời gian quy định thì phải hoàn trả toàn bộ kính phí hỗ trợ cho Nhà nước.
Cụ thể, sửa đổi khoản 4, Điều 83 như sau: “Điều 83. Học bổng, trợ cấp xã hội; hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho học sinh, sinh viên sư phạm:
Nhà nước có chính sách cấp học bổng khuyến khích học tập cho học sinh đạt kết quả học tập xuất sắc ở trường chuyên, trường năng khiếu quy định tại Điều 62 của Luật này và người học có kết quả học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; cấp học bổng chính sách cho sinh viên hệ cử tuyển, học sinh trường dự bị đại học, trường phổ thông dân tộc nội trú, cơ sở giáo dục nghề nghiệp dành cho thương binh, người khuyết tật.
Nhà nước có chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí cho người học là đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, người khuyết tật có khó khăn về kinh tế, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo.
Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân cấp học bổng hoặc trợ cấp cho người học theo quy định của pháp luật.
Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau hai năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo.
Học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, các chế độ miễn, giảm học phí và trợ cấp xã hội quy định tại các khoản 1, khoản 2 điều này.
Chính phủ quy định cụ thể chính sách học bổng, trợ cấp và miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm tại điều này.
Chính sách như trên sẽ bảo đảm khuyến khích học sinh giỏi vào ngành sư phạm, do sinh viên được hỗ tiền đóng học phí (tức không phải trả tiền học phí như trước đây), ngoài ra được hỗ trợ thêm khoản chi phí sinh hoạt. Đối với cơ sở đào tạo sư phạm sẽ có thêm nguồn thu từ học phí, để tăng cường cơ sở vật chất nâng cao chất lượng đào tạo, bình đẳng như các trường khác.