Cần tính ổn định và lâu dài của Luật
Nhận xét về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) cho rằng, Bộ GD&ĐT đã nhìn nhận, đánh giá được những ưu nhược điểm của giáo dục trong thời gian qua và đề ra đường hướng phát triển trong tương lai. Đây là kim chỉ nam để GD-ĐT con người Việt Nam theo hướng công dân toàn cầu, hội nhập và phát triển.
Nói về việc nhiều đại biểu còn tranh luận về hình thức cho SV sư phạm vay tín dụng, ĐBQH lưu ý đây mới chỉ là dự thảo, và cử tri cũng như nhân dân cả nước còn tiếp tục đóng góp ý kiến để Ban soạn thảo tiếp thu và lựa chọn được hình thức tốt nhất đối với SV sư phạm, đảm bảo mục tiêu đề ra của Dự thảo Luật.
“Có thể nói, Dự thảo Luật lần này có nhiều tiến bộ hơn so với trước, khắc phục được bất cập trong thời gian vừa qua. Nếu Luật được thông qua sẽ có tính ổn định hơn. Tôi cũng mong các đại biểu tiếp tục góp ý để Luật được hoàn thiện hơn trước khi chính thức ban hành, để Luật có hiệu quả thực thi lâu dài” - đại biểu Lê Công Nhường nói.
Chính sách đồng bộ cho SV sư phạm
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đã đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho HSSV sư phạm bằng hình thức cho vay tín dụng. Sau khi tốt nghiệp nếu SV đó làm việc trong ngành GD thì sẽ không phải hoàn trả số tiền vay đó. Đây là một trong những giải pháp để đưa chất lượng đào tạo ngành Sư phạm tốt hơn.
“Đây là cơ chế rất tốt, bởi theo đó Nhà nước chỉ đứng ra bao cấp cho các lĩnh vực đào tạo mà mang tính chất phổ cập bắt buộc vì đó là trách nhiệm của Nhà nước. Ngoài phần phổ cập, người học sẽ phải đóng tiền. Khi phải đóng tiền thì mọi người sẽ hiểu cái gì thực sự cần và phù hợp với họ. Nếu đi học mà không phải đóng học phí thì có thể sẽ có những động cơ đi học không được tốt. Khi đó chưa chắc sau khi ra trường họ sẽ sử dụng kết quả đó để phục vụ cho xã hội” - đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu Hoàng Văn Cường, với chính sách như trong Dự thảo Luật đề xuất sẽ tạo được sự công bằng xã hội. Nếu như sau khi học, bạn trở thành giáo viên thì người học sư phạm sẽ được miễn hoàn toàn khoản vay đó, nhưng nếu SV đó không làm giáo viên thì sẽ không được hưởng khoản hỗ trợ đó. Đây là chính sách đầu tư đúng hướng và hiệu quả, không tràn lan như trước. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, với chính sách như đề xuất thì chưa đủ để hấp dẫn HS giỏi vào ngành Sư phạm. Bởi đây mới chỉ là hỗ trợ cho những người tâm huyết, có mong muốn trở thành giáo viên.
Từ cách nhìn nhận đó, đại biểu Hoàng Văn Cường chỉ ra rằng, chính sách quan trọng nhất đối với việc ưu đãi sư phạm đó là quá trình tuyển dụng, đảm bảo sau quá trình đào tạo giáo viên đều có việc làm. Nếu Luật lần này mà đảm bảo được vấn đề việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp thì các trường sư phạm sẽ có sức hút hơn. Ngoài ra, chế độ tiền lương của giáo viên cũng cần thỏa đáng, đặc biệt trong xã hội ngày nay bản thân mỗi người luôn phải chịu nhiều tác động nhiễu từ thị trường. Do đó, đề xuất về chế độ tiền lương của giáo viên cũng phải được quan tâm đúng mức.
Quan tâm hơn tới giáo dục cho người lớn
Trao đổi thêm với báo chí về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, đại biểu Quách Thế Tản (đoàn Hòa Bình) đánh giá Dự thảo lần này có nhiều quy định rất mới, trong đó có GDTX và GD dành cho người lớn.
Theo đại biểu, bên cạnh GD chính quy, GDTX thì GD cho người lớn rất quan trọng và cần được đặt trong điều kiện, mức độ quan trọng xứng tầm với GDTX.
Tuy nhiên, đại biểu Quách Thế Tản cũng đề xuất, Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm đến vấn đề định danh tên các cơ sở GDTX, trung tâm học tập cộng đồng ở cơ sở. Theo đại biểu, trên thực tế nhiều địa phương đã phát huy rất tốt trung tâm này, qua đó từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Vì thế nếu không có các trung tâm trên thì đồng bào dân tộc sẽ hạn chế hơn và khó khăn trong việc tiếp cận với khoa học kỹ thuật để áp dụng vào đời sống, sản xuất.