Đẻ mướn cho chồng

Có lẽ anh không bao giờ hiểu được cảm giác của em mỗi lần đến phòng khám hiếm muộn ngồi chờ. Thời gian ở nơi này như đóng băng lạnh lẽo trong sự bất lực của phận người.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Không ai có quyền vội vã, dù một đống việc đang chờ mình ở nhà, dù đã nhịn đói cả ngày, dù mệt muốn xỉu thì cũng cứ ngồi chờ đến lượt được gọi tên. Những lúc ấy, anh có thể đang ở trong quán nhậu, ăn tục nói phét với bạn bè; hoặc quần áo chỉnh tề ngồi ở cơ quan vừa rung đùi vừa lên facebook than thở chuyện gia đình. Em phải cố không bật khóc giữa đám đông vì thấy tủi thân và đơn độc.

Không dám bấm máy gọi cho anh, chỉ sợ nhận lại toàn lời hờ hững. Nỗ lực để có một đứa con cực nhọc chẳng khác nào cuộc chiến mà lại là cuộc chiến của riêng em. Bảy năm trời một mình thuốc thang chạy chữa, chỉ cần gom góp lời thiên hạ mỉa mai em cũng đủ đau rồi. Anh chẳng cần phải thêm lời cay đắng. Em chỉ muốn tựa vào vai anh cho trôi qua quãng đời mệt mỏi này. Nhưng, điều tưởng chừng đơn giản ấy vẫn là ước ao tội nghiệp trong em.

Em không có nhiều bạn ở thành phố này. Cũng do vậy, nỗi niềm của một người vô sinh chỉ có thể giãi bày với những khuôn mặt xa lạ gặp ở phòng khám. Có đến đây mới biết đâu chỉ mình em bất hạnh, vô số bi kịch dồn lại nơi này. Người ta dễ dàng bắt chuyện, chia sẻ để gục vào nhau khóc ngon lành. Chị A kể từ khi mình bị bệnh, cả gia đình chồng hắt hủi.

Chị B khổ kiểu khác, vì vô sinh nên chị đã nhiều lần chủ động viết đơn ly hôn nhưng chồng chị nhất định không chịu ký. Cũng chẳng phải vì yêu thương gì chị đâu, chẳng qua là sợ thiên hạ chửi bạc tình. Mọi người hỏi chuyện của em, em chẳng dám nói gì. Những nỗi đau một màu, đã gặp nhau ở đây rồi thì bi kịch nào cũng... từa tựa vậy thôi.

vo sinh hiem muon

Ảnh minh họa

Nhưng hóa ra em nhầm, không phải người đàn ông nào cũng vô tâm như em nghĩ. Mấy lần em đến khám đều gặp đôi vợ chồng đã ngoài bốn mươi tuổi ngồi ở phòng chờ an ủi và chăm chút cho nhau. Người chồng hỏi vợ có mệt không? Lôi ra từ trong túi xách chai nước cam, mở nắp đưa cho vợ. Rồi liên tục cầm tay động viên vợ “không sao đâu em, còn nước còn tát. Lo gì”. Đó là cặp vợ chồng quê mãi tận Yên Bái.

Trông anh chồng hơi cục mịch với chiếc áo màu cháo lòng và đôi dép đã mòn hết gót. Vợ anh bị bệnh, đã chạy chữa lâu rồi nhưng vẫn vô vọng.

Chị tính xin con nuôi, thậm chí đã có lúc xui anh đi lấy vợ khác. Nhưng anh bảo, sẽ làm mọi cách để chị được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ, dẫu có phải mưu sinh cơ cực thế nào. Em cho rằng đó là thứ tình yêu kỳ diệu, bởi nó chứa đựng lòng kiên nhẫn và sự sẻ chia sâu sắc, điều mà em đã không có được từ chồng mình. Sự lạnh nhạt đến tàn nhẫn của anh khiến em đau đớn. Chúng ta đã từng thương yêu nhau ư? Từng có những tháng năm tuổi trẻ thề thốt, hứa hẹn sẽ sống chết cùng nhau? Chao ôi, hóa ra đó chỉ là ảo tưởng.

Anh sắp có con do chính em sinh ra. Nhưng em chỉ là người mang thai hộ cho chồng. Anh nào thấu hiểu nỗi đau đớn tột cùng khi em biết mình bị suy buồng trứng và không thể có con, dù có làm thụ tinh ống nghiệm. Đành chấp nhận giải pháp xin trứng rồi mang nặng đẻ đau đứa con không phải giọt máu của mình.

Chẳng phải vì lời dọa “em mà không đẻ được thì đừng có oán anh phụ bạc”. Em chấp nhận, đơn giản vì luôn nghĩ đến hạnh phúc được làm cha của anh. Em không muốn sau này phải hối tiếc vì đã không cố gắng đến tận cùng. Em cay đắng nhận ra, đến cuối cùng em vẫn chẳng là gì trong trái tim anh. Có chăng cũng chỉ là người đẻ mướn cho anh…

Theo Tiền Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ