Làm sao để môn Toán trở nên mới mẻ, hấp dẫn

GD&TĐ - Dạy và học toán ở Việt Nam luôn được thế giới coi là điểm sáng trong bức tranh chung ở các nước đang phát triển.

Toán học ứng dụng giúp học sinh có thêm cảm hứng với môn học. Ảnh: IT
Toán học ứng dụng giúp học sinh có thêm cảm hứng với môn học. Ảnh: IT

Tuy nhiên, cũng còn nhiều điều phải làm để thay đổi căn bản việc dạy - học toán trong trường phổ thông, khơi nguồn cảm hứng cho học sinh (HS) học toán.

Thay đổi phương pháp giảng dạy

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng tới phát triển năng lực người học. Trong đó, môn Toán ngoài thực hiện việc phát triển các năng lực chung còn tập trung vào phát triển năng lực thành phần như: Tư duy và lập luận toán học; mô hình hoá toán học; giải quyết vấn đề toán học; giao tiếp toán học; sử dụng công cụ, phương tiện học toán.

Bên cạnh đó, sự phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó có vai trò quan trọng của công nghệ thông tin, toán học còn mang nhiệm vụ tạo tiền đề những hiểu biết, kỹ năng để công dân tương lai có thể tham gia nguồn nhân lực số, làm chủ công nghệ số.

Chia sẻ nội dung trên, PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nhà sáng lập POMATH cho rằng: Cần tập trung thay đổi cách dạy, tạo ra những trải nghiệm để HS thấy ý nghĩa của toán học trong cuộc sống, tham gia vào kiến tạo tri thức của riêng mình để ứng dụng được tri thức toán học, qua đó rèn luyện kỹ năng, phát triển tư duy.

“Trong 10 năm qua, chúng tôi tập trung nghiên cứu những trải nghiệm dành cho HS tiểu học, phát triển kỹ năng quan sát, tưởng tượng thông qua mô hình, trò chơi toán học; và mới đây tiếp tục thử nghiệm những dự án học tập cho HS trung học. Chúng tôi nhận được những kết quả khả quan với dạy toán theo định hướng STEM, toán tài chính, hình học với thiết kế mỹ thuật...

Chúng tôi nhận thấy, HS từ lớp 6 trở lên đều có thể tiếp cận và sử dụng những kiến thức toán học tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật, thống kê, tài chính... mà trước đây người lớn cũng cảm thấy “phức tạp”. Nhưng với cách dạy dựa trên học tập trải nghiệm, HS làm chủ được việc học, sử dụng máy tính và các thiết bị công nghệ. Đó chính là tác động kép, phát triển năng lực toàn diện mà môn Toán nên hướng tới cho HS phổ thông” – PGS Chu Cẩm Thơ chia sẻ.

Nhiều năm gắn bó với môn học này, thầy Hà Văn Long, Tổ trưởng tổ Toán, Trường THPT Yên Dũng số 2, Bắc Giang nhấn mạnh: Việc cần cho HS thấy được ứng dụng của toán vào thực tiễn cuộc sống; từ đó, kích thích niềm đam mê, hoặc chí ít là cho HS thấy toán có ích với bản thân. HS thấy tầm quan trọng trước mắt và lâu dài của toán với việc thi cử, giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. “Không phải HS nào cũng yêu thích toán, đó là điều hiển nhiên. Nhiệm vụ của GV là làm sao để môn Toán trở nên mới mẻ, hấp dẫn, từ đó thu hút HS, khiến các em hứng thú mới môn học” – thầy Hà Văn Long cho hay.

Khơi nguồn cảm hứng qua vẻ đẹp và ứng dụng toán học

Năm 2018, Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó chương trình giáo dục phổ thông môn Toán được điều chỉnh căn bản, theo phương châm “tinh giản, thiết thực, và khơi nguồn sáng tạo”. Thực hiện tốt chương trình mới sẽ góp phần thay đổi căn bản việc dạy và học toán ở bậc phổ thông. Đây là công việc lâu dài, có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ đến toàn bộ nền toán học Việt Nam mà còn đến cả hệ thống đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Vì vậy, sự tham gia, đóng góp của cộng đồng các nhà toán học Việt Nam với giáo dục toán học phổ thông là cần thiết và cần được tiến hành ngay.      
PGS.TS Lê Minh Hà 

Cùng nhắc đến đổi mới phương pháp, PGS.TS Lê Minh Hà - Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về toán nhận định: Việc đổi mới phương pháp dạy và học toán, không chỉ ở bậc đại học mà còn từ bậc phổ thông có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác xây dựng nguồn nhân lực cho ngành Toán cũng như các ngành khoa học, công nghệ khác.

“Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, cải tiến chương trình và nội dung môn Toán là cần thiết, đáp ứng nhu cầu của người học và của toàn xã hội” - PGS Lê Minh Hà nhấn mạnh.

Mặt khác, phát triển toán học không đơn thuần là tập trung bồi dưỡng nhân tài toán học mà cần phải hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho việc sử dụng các công cụ toán học mạnh trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là nghiên cứu liên ngành trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Vì vậy, việc cải tiến, cập nhật nội dung, phương pháp, kỹ thuật dạy và học các môn Toán đại cương cho các ngành học khác cũng cần đặc biệt chú trọng.

“Cũng cần tăng cường các hoạt động phổ biến toán học và khoa học, hoạt động quảng bá về vai trò và ứng dụng của toán học”. Chia sẻ điều này, PGS Lê Minh Hà cho rằng: Toán học có thể ứng dụng trên mọi mặt của đời sống xã hội, nhưng thường lại ẩn sâu trong các thuật toán, kỹ thuật tối ưu chứ không hiển hiện trên sản phẩm, vì thế rất khó để có thể hiểu hết được vai trò cũng như tầm quan trọng của việc học toán.

Bởi vậy, các hoạt động phổ biến, quảng bá, giới thiệu về toán học và ứng dụng, hoạt động giao lưu, trao đổi về toán cần được thực hiện  thường xuyên. Việc khơi nguồn cảm hứng cho HS học toán thông qua vẻ đẹp và ứng dụng đa dạng của toán học là hoạt động phải được thường xuyên thực hiện, với sự tham gia của không chỉ các trường phổ thông, thầy cô giáo mà còn cả giảng viên, nhà nghiên cứu ở các viện nghiên cứu, trường đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ