Đề môn Hóa học: Vững kiến thức sẽ đạt điểm cao

GD&TĐ -  Đồng hành cùng các thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, bên cạnh các bài gợi ý giải đề thi, Giáo dục và Thời đại Điện tử còn cập nhật những nhận xét nhanh về đề thi ngay sau khi môn thi kết thúc của các giáo viên giàu kinh nghiệm.

Đề môn Hóa học: Vững kiến thức sẽ đạt điểm cao

 Cô giáo Đỗ Thị Kim Thoa - Trường THPT Thăng Long (Hà Nội): Đề thi mang tính thực tiễn và ứng dụng cao.

Tôi đã được xem 24 mã đề thi của môn Hóa học trong bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên. Nhìn chung đề thi năm nay bám sát với chương trình phổ thông trong sách giáo khoa, đặc biệt là chương trình lớp 12.

Ở tất cả các mã đề, phần kiến thức có sự tương quan ở mức độ nhận biết – thông hiểu - vận dụng thấp – vận dụng khá – vận dụng cao tương đương nhau. Theo đó, các câu hỏi ở mức độ nhận biết khoảng 10 câu, mức độ hiểu khoảng 15 câu, vận dụng thấp 7 câu, vận dụng khá 4 câu và vận dụng cao là 4 câu cuối cùng.

Kiến thức trong các mã đề là tương đương nhau và đánh giá chính xác mức độ của từng học sinh. Học sinh chỉ cần tốt nghiệp có thể làm được 10 câu ở mức độ nhận biết, 7 câu vận dụng thấp và ½ số câu ở mức độ hiểu là đã đạt được khoảng 6 điểm (24 câu chiếm 60%).

Học sinh ở mức độ khá có thể làm thêm 12 câu và số điểm có thể đạt được 8 đến 9 điểm. Học sinh giỏi có thể làm thêm được 4 câu cuối cùng và đạt được 10 điểm tối đa.

Những câu hỏi ở mức độ biết, có sẵn trong sách giáo khoa, học sinh chỉ cần chú ý trên lớp và về nhà xem lại bài là có thể làm được. Ở mức độ hiểu, nếu trên lớp học sinh chú ý lắng nghe thầy, cô giảng để hiểu bài là có thể trả lời chính xác từ 10-15 câu hỏi.

Với kiến thức hóa học, học sinh chỉ cần nắm bắt và vận dụng kiến thức vào bài hoặc một hiện tượng cụ thể là các em hoàn toàn có thể trả lời được câu hỏi.

Ở mức độ vận dụng thấp các em cần có kiến thức cơ bản về Hóa học và biết cách làm bài tập là có thể làm được bài. Ở mức độ vận dụng khá và cao, yêu cầu học sinh phải nắm chắc kiến thức và thành thạo làm bài tập Hóa học thì mới hoàn thành được.

Có nhiều câu hỏi trong đề mang tính thực tiễn như: Hiện tượng hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng của nồng độ CO2 trong khí quyển; những trận mưa axit phá hủy mùa màng, các công trình công cộng… Những vấn đề mang tính ứng dụng đều được đưa vào đề thi, đặc biệt là vấn đề môi trường xuất hiện rất nhiều.

Học sinh đã được học những kiến thức này ở môn Hóa học hoặc những môn học tích hợp khác trong trường phổ thông nên các em hoàn toàn có đủ kiến thức để trả lời các câu hỏi.

* Thầy Nguyễn Đức Hội - giáo viên trường THPT Yên Lãng (Mê Linh, Hà Nội): Đề thi bám sát đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT

Theo tôi, đề thi môn Hóa năm nay hay, mức độ kiến thức của các mã đề đồng đều. Qua so sánh ở 24 mã đề thì số lượng câu để học sinh đạt được điểm tốt nghiệp rơi vào khoảng 24 câu, chiếm 60% toàn bộ đề thi. Số câu ở mức độ học lực khá khoảng 12 câu, chiếm 30%. Số câu để đánh giá học sinh giỏi gồm 4 câu, chiếm 10%.

Ở mức độ nhận biết của học sinh khoảng 10 câu, số lượng câu thông hiểu khoảng 15 câu; số câu vận dụng thấp khoảng 7 câu, số câu vận dụng cao - 8 câu. Trong vận dụng cao có phân luồng ở mức độ điểm 9 khoảng 4 câu, mức độ điểm 10 cũng khoảng 4 câu.

Về chất lượng câu hỏi, kiến thức được trải đồng đều và tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12. Đề thi cũng bám sát đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT. Trong đề cũng có những câu vận dụng thực tiễn.

Những câu khó vẫn tập trung ở các kiến thức quen thuộc như: phần este, pettit và sắt, đó là các phần mà hầu hết các giáo viên và học sinh trong quá trình học tập, ôn tập đều hướng tới.

Với đề thi này, học sinh giỏi có thể làm hết các câu hỏi. Tuy nhiên, để đạt được điểm 10 sẽ không quá nhiều. Các em chủ yếu sẽ đạt được mức độ điểm 7 hoặc điểm 8.

Ở đề thi năm nay, các câu mức độ khó như năm ngoái không có. Về xét tuyển đại học, các trường đều có thể yên tâm vì đề thi đánh giá được chất lượng thực sự của học sinh.

Minh Phong (ghi)

ThS Nguyễn Thị Huyền - giáo viên Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) - có những nhận định khá tích cực về đề thi môn Hóa trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay - Học sinh rất xuất sắc mới có thể đạt tối đa

Theo cô Huyền, đề thi có sự phân hóa, từ cơ bản, khó, đến rất khó. Sự phân hóa khá rõ này đã đảm bảo những học sinh chỉ học những kiến thức rất cơ bản là sẽ đậu tốt nghiệp. Thế còn những thí sinh muốn xét tuyển ĐH thì sẽ có sự phân hóa rõ hơn

Cụ thể, 30 câu đầu là những câu đơn giản. Trong nhóm 30 câu đầu gồm 24 câu thí sinh có thể dễ dàng đánh ngay đáp án, còn lại 6 câu phải tính toán cẩn thận và nắm vững lý thuyết mới có kết quả đúng.

Từ câu 41 đến câu 70 là các câu dễ. Học sinh chỉ cần học thuộc kiến thức sách giáo khoa là có thể giải quyết được. Các câu tính toán nếu có thì chỉ qua một bước hoặc chỉ là so sánh với công thức của sách giáo khoa. Các câu lý thuyết cũng chỉ mang tính kiểm tra công thức. Có một số ít bài toán học sinh suy luận từ kết quả loại suy để tìm đáp án đúng mà không cần phải giải (ví dụ các câu 41, 53, 60 mã đề 208) .

10 câu còn lại đòi hỏi phải vận dụng khá nhiều kiến thức để giải chứ không thuần túy là nhận biết và thông hiểu. Các câu bài toán đều có độ khó dành cho học sinh khá trở lên, gồm 4 câu, chiếm 10%.

Số câu rất khó của đề thi năm nay ít hơn đề thi năm ngoái, nhưng có tính phân loại cao hơn. Các câu này đòi hỏi phải có kỹ thuật giải toán mới có thể làm được.

Các mã đề thi năm nay có đổi mới, không dùng 1 đề và đảo ra mà dùng nhiều câu hỏi tương đương.

“Nhìn chung, đề phân hóa rất tốt giữa các mức điểm 5, 6, 7, 8, 9 và 10. Học sinh trung bình có thể dễ dàng đạt trên 5 điểm để đạt mục tiêu xét tốt nghiệp. Học sinh khá dễ dàng đạt điểm 6 - 7. Học sinh giỏi chỉ có thể đạt từ 8 đến 9,5 điểm. Học sinh cực kỳ xuất sắc mới đạt được điểm 10.

Theo nhận định của tôi, đề thi có tính phân hóa cao, thỏa mãn cả 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp, vừa dùng để tuyển sinh đại học” - cô Nguyễn Thị Huyền chia sẻ. (Hiếu Nguyễn)

Môn Hóa dự kiến phổ điểm khá rộng

Cô giáo Ngô Nhật Tri - giáo viên Trường THPT Ngô Quyền ( Hải Phòng): Đề thi giống với đề mẫu của Bộ GD&ĐT nhưng mức phân hoá cao. Dự kiến phổ điểm khá rộng (sẽ có từ 3-8 điểm). Thí sinh đạt điểm 9,10 sẽ khá khó khăn.  Giữa học sinh trung bình, khá và giỏi có độ phân hóa cao. Đề được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó và mức phân hóa cao, kiểm tra được kiến thức, kỹ năng làm bài

Kiến thức trọng tâm vẫn là  chương trình lớp12 nhưng học sinh phải có kiến thức tổng hợp. Một phần kiến thức 11 cũng khá khó. Từ  câu 74-80  tương đối dài , học sinh sẽ  mất nhiều thời gian với phần thi này. Các câu 74, 77,78,79, 80 sẽ làm học sinh phải nghĩ và tính toán lâu. Với cách sắp xếp hợp lý này thì các câu khó, nâng cao nằm ở phần cuối, học sinh sẽ làm từ phần dễ đến khó.

Theo tôi, cơ hội để đạt điểm trung bình không quá khó. (Lê Đăng ghi)

Thầy Nguyễn Ngọc Anh – giáo viên luyện thi môn Hóa tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI

Phạm vi đề thi nằm chủ yếu trong chương trình lớp 12 , tuy nhiên do đặc thù của môn Hóa nên không thể tránh khỏi những nội dung liên quan đến lớp 11 như dạng bài tập liên quan HNO3, CO2 với dung dịch kiềm…

Mức độ vận dụng nằm ở các câu Peptit , Điện phân…, tuy nhiên không quá khó và đều là các dạng bài quen thuộc như trong đề tham khảo của Bộ.

Mức độ lý thuyết chiếm hơn 60% tổng số lượng câu hỏi và dễ lấy điểm. Các câu hỏi lý thuyết nằm trong chương trình SGK nên các em cần nắm chắc kiến thức SGK. Một số câu hỏi gây khó học sinh vì phối hợp nhiều loại nhóm chất khác nhau trong một câu hỏi, dễ gây nhầm lẫn cho học sinh. Tuy nhiên nếu học và hiểu đúng bản chất và có sự logic thì hoàn toàn xử lý dễ dàng.

Học sinh học và hiểu kiến thức sẽ dễ dàng lấy điểm 9.

Cô Nguyễn Thị Thiên Nga- Giáo viên môn Hóa Trường THPT Nhân Chính, Hà Nội

Cô Thiên Nga chia sẻ: Đề thi năm nay nội dung đề sát chương trình SGK 12. Đặc biệt khá sát so với ba đề minh hoạ của BGD nên học sinh thuận lợi hơn khi giải đề, không có câu ngoài chương trình, đề gồm có những câu gắn với đời sống thực tế như câu 50 mã đề 206 hỏi về khí gây nên "hiệu ứng nhà kính", tương ứng với câu 42 (đề minh hoạ 003) hỏi về ảnh hưởng của các chất đến môi trường.

Nhìn chung kiến thức khá cơ bản, học sinh đăng kí thi tốt nghiệp dễ dàng đạt điểm 5-6.Với học sinh đăng kí xét tuyển đại học thì việc đạt điểm 7-8 là không khó.

Đề năm nay cấu trúc hợp lý  các câu được sắp xếp từ dễ đến khó nên học sinh dễ tiếp cận đề thi, không mất thời gian đọc đi đọc lại đề để lựa chọn câu dễ. Có những câu chỉ mất từ 10-15s để xác định ví dụ câu lí thuyết từ câu 41 đến 47 mã đề 206. (Câu hỏi ở mức độ biết).  Lượng câu lí thuyết nhiều sẽ giúp học sinh nhanh chóng vận dụng kiến thức hoá để giải quyết, vừa khai thác được đặc thù của bộ môn. Các câu tính toán cũng được xếp với độ khó tăng dần, rất thuận lợi cho thí sinh.

Những câu hỏi hay mà cô Thiên Nga tâm đắc như: 

Câu toán sử dụng đồ thị, thí sinh hiểu rõ bản chất hoá có thể dễ dàng xử lí số liệu trên đồ thị để ra kết quả nhanh chóng, ví dụ câu 76 mã đề 206, toán sử dụng đồ thị năm nay yêu cầu ở mức độ vận dụng linh hoạt hơn, tương ứng với câu 73 (đề minh hoạ 003 của BGD) và câu 26 (đề minh hoạ 02 của BGD). Tuy nhiên để giải quyết được dạng câu này thí sinh cần ôn tập kĩ & sử dụng linh hoạt kiến thức cơ bản vào đồ thị.

Câu thí nghiệm: yêu cầu học sinh phải có kiến thức cơ bản về thực hành ( như cách thu khí bằng phương pháp đẩy nước, đẩy khí, ...) để có thể lựa chọn đáp án đúng, ví dụ câu 57 mã đề 206 (tương ứng với câu 22 đề minh hoạ 01 của BGD) và câu 62 (đề minh hoạ 003 của BGD)

Toán điện phân năm nay được khai thác ở dạng điện phân dung dịch hỗn hợp, ví dụ câu 74 mã đề 206 tương ứng với câu 75 (đề minh hoạ 003 của BGD)

Các câu có tính phân loại cao, đánh giá được năng lực học sinh & thuận lợi cho các trường top trên là câu 78, 79 với những câu này đa phần chỉ có những học sinh học rất tốt môn hoá mới có thể làm được, những học sinh lựa chọn trường Y, Dược, Ngoại Thương, Bách Khoa,... mới xác định sẽ quyết lấy điểm các câu này.

Đề thi năm nay sát chương trình SGK 12, có tính phân loại cao, đánh giá được năng lực học sinh. Phổ điểm tương đối 6-7,5. Để đạt điểm 8 trở lên yêu cầu học sinh phải học khá, đặc biệt đối với điểm 9,5-10 chỉ những học sinh thực sự giỏi mới đạt được không phải do độ khó của đề mà do cách tính toán thời gian làm bài và độ chắc chắn kiến thức của thí sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.