Một giáo viên nếu chỉ có tri thức thì chỉ gọi là thợ dạy và khi nào họ có kỹ năng sư phạm cũng như bộc lộ hệ thống kỹ năng ấy phù hợp vào thực tiễn giáo dục mới gọi là “Thầy”. Dạy chỉ là một nửa của nghề giáo, một nửa còn lại tập trung ở nhiệm vụ giáo dục cho học sinh...
Một hiệu trưởng lâu năm rất đồng tình với quan điểm trên. Ông cho rằng đã đứng trên bục giảng, tâm huyết với nghề thì làm gì cũng phải nghĩ đến học sinh trước. Chỉ một việc nhỏ thôi nhưng cũng phải dày công suy nghĩ để cảm hóa học sinh.
Ví dụ học sinh sau Tết hay nhuộm tóc, thầy hiệu trưởng linh hoạt cho học sinh nợ 1 - 2 hôm. Thầy nghĩ đến tâm lý của học sinh, có tóc mới cũng muốn khoe với bạn. Sau thời gian “nợ”, trường nghiêm khắc yêu cầu học sinh nhuộm lại tóc. Khoảng “nợ” đó là độ “giãn” để các em nhận thức được việc cần thiết phải làm.
Để thấy đã là “Thầy” thì phải có sự khác biệt với những người bình thường trong dạy học. Thầy có kiến thức sư phạm, thầy nắm rõ những diễn biến tâm lý, học ở trường không có đánh, mắng mà dạy học dựa trên sự tin cậy, tôn trọng, vị tha... Thế nên học ở trường mới khác học ở nhà. Nghề giáo mới được xã hội tôn vinh, quý trọng. Và dưới góc độ giáo dục, thầy cô giáo không thể đổ lỗi cho nhân cách học sinh.
Ảnh minh hoạ |
Có giáo viên tiểu học tâm huyết chia sẻ trăn trở của cô mấy năm nay. Đó là mỗi khi trình bày với gia đình về học sinh không tập trung, không chăm học, không có ý thức tốt... thì ngay lập tức cô nhận được lời gửi gắm: “Cô cứ phạt cháu, tôi không bênh con đâu. Ở nhà cháu cũng no đòn với vợ chồng tôi rồi, cô cứ trị thẳng tay”.
Cô giáo thì không cho cách làm này là hay vì nó mang tác dụng ngược lại nhiều hơn là tốt đẹp. Những học sinh bị đánh nhiều chỉ lì lợm hơn mà thôi. Hơn nữa trách phạt học sinh như vậy không những làm mất thời gian của lớp mà còn sinh ra nỗi ám ảnh với những em khác. Cô giáo quan niệm “đi học là phải vui mới tiếp thu kiến thức được”.
Thế nên biện pháp của cô chỉ là nhắc nhở, phân tích cái đúng, cái sai, cái lợi, cái hại để học sinh hiểu. Kết quả thì những em ngoan lại càng ngoan. Những em lì lợm có tiến bộ, tuy rằng mất thời gian hơn. Học sinh cũng “cảm” được tấm lòng của cô mà cố gắng vươn lên. Và đến giờ, cô vẫn giữ quan điểm và thái độ như vậy cho dù một số đồng nghiệp chê cô hiền quá, để học sinh bắt nạt thành quen!
Các giáo viên tâm huyết luôn mong muốn học sinh “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” như cô giáo kể trên đã rất vui mừng khi mới đây, Bộ GD&ĐT đưa ra Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, rất cầu thị, lắng nghe ý kiến rộng rãi của toàn xã hội.
Dự thảo Nghị định đưa ra nhiều chế tài để ngăn chặn những tiêu cực xảy ra trong môi trường giáo dục, như quy định cụ thể mức phạt với các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể người học, hay gian lận trong tuyển sinh, thi cử, xuyên tạc nội dung giáo dục, ép buộc học sinh học thêm để thu tiền…
Những chế tài nghiêm khắc được cụ thể hóa như thêm một barie giám sát, nhắc nhở mỗi giáo viên ghi nhớ việc đánh, mắng học trò chính là sự bất lực của người thầy trong việc dùng sự tôn nghiêm của mình gây ảnh hưởng lên học trò, để học trò nể phục và vâng lời; đồng thời cũng là một tấm khiên bảo vệ cho các giáo viên được an toàn khi ở trường.
Đã là dự thảo thì cần có sự đóng góp ý kiến, trí tuệ của các chuyên gia, các giáo viên, các nhà quản lý giáo dục, phụ huynh học sinh… để thực tế, cụ thể hơn khi đi vào cuộc sống. Và đặc biệt cần sự bình tĩnh, suy ngẫm trước một quy định mới hướng đến điều chỉnh hành vi của hoạt động giáo dục đi vào quy củ, nền nếp và khoa học, đảm bảo quyền lợi cho người dạy và người học, để mỗi nhà trường đúng nghĩa là một thánh đường nhân cách.