Để trò tự tin bước vào cuộc sống

GD&TĐ - Nếu giáo dục là quốc sách hàng đầu, thì việc giáo dục đạo đức học sinh chính là trang đầu của quốc sách ấy. Như vậy, tại các nhà trường, phát triển năng lực của người học phải được gắn liền với vấn đề dạy về đạo đức, về cách làm người để các em có thể tự tin vững bước trong tương lai. Đó là chia sẻ của nhà giáo Nguyễn Thị Mai Nguyệt - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh - TP Điện Biên Phủ - tỉnh Điện Biên.

Để trò tự tin bước vào cuộc sống

Bà nhìn nhận như thế nào về vai trò của văn hóa học đường đối với các nhà trường hiện nay?

* Những vụ việc bạo lực học đường như thầy cô đánh học sinh, phụ huynh đánh giáo viên và những hành xử thiếu văn hóa trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng gần đây khiến dư luận lo ngại về sự sa sút của văn hóa học đường.

Vì vậy vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh phải được đặc biệt coi trọng. Việc dạy đạo đức, cách ứng xử văn minh phải được quan tâm, chú trọng song song với dạy kiến thức văn hóa cho các em.

Để chuẩn bị cho hành trang vào đời, HS không chỉ mang theo vốn kiến thức được học mà phải là người có đạo đức tốt, xứng đáng cương vị là một người công dân tốt cho xã hội.

Giới trẻ là tương lai của xã hội và nhân loại. Việc giáo dục rèn luyện đạo đức, lối sống cho học sinh phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng cùng chăm lo giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống đẹp cho HS.

Đã đến lúc xã hội cần nhìn nhận vấn đề đạo đức học sinh trong nhà trường hiện nay với một tinh thần trách nhiệm và nghiêm túc. Cần phải đổi mới cách thức mà lâu nay chúng ta đã dùng để giáo dục đạo đức học sinh. Bản thân giáo dục đã mang tính xã hội hóa, Nhà nước cần tạo điều kiện để toàn dân tham gia vào công tác giáo dục học sinh.

Nhà giáo Nguyễn Thị Mai Nguyệt - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh - TP Điện Biên Phủ - tỉnh Điện Biên
Nhà giáo Nguyễn Thị Mai Nguyệt - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh - TP Điện Biên Phủ - tỉnh Điện Biên 

Dư luận cho rằng văn hoá ứng xử học đường đang ở vào cấp độ báo động đỏ. Vậy theo bà, điều này xuất phát từ những nguyên nhân nào?

*Theo tôi, trước hết một phần là do sự phát triển của nền kinh tế. Xã hội phát triển ngày càng cao và sự bùng nổ thông tin, dẫn đến việc một bộ phận gia đình khá giả chiều chuộng con mình, tạo nên sự đua đòi trong các em. Điện thoại di động, Internet, phim ảnh, của các Website đen đã tác động không nhỏ đến nhận thức, lối sống và cách hành xử của học sinh.

Bên cạnh đó việc thực thi luật pháp chưa nghiêm. Việc hình thành nhân cách, đạo đức một con người đâu chỉ giáo dục trong nhà trường phổ thông là đủ. Nhân cách của mỗi cá nhân trong xã hội ít nhiều đều bị chi phối bởi cách mà xã hội đó đang hành xử với nhau.

Nếu được sống trong một môi trường nghiêm minh về pháp luật, chuẩn mực về đạo đức, mọi người hành xử với nhau một cách có tình có lý, chắc chắc đó sẽ là một môi trường giáo dục lý tưởng trong việc hình thành nhân cách đạo được của học sinh.

Tuy nhiên trong khi các giáo viên dạy nhạc giảng về thẩm mỹ âm nhạc, chắt chiu từng giờ dạy dân ca để các em biết yêu quý những giá trị tinh thần mà ông cha ta đã dày công vun đắp. Thì hàng ngày, mấy chục nhà đài liên tục phát những bài hát được gọi là nhạc trẻ với một thứ thẩm mỹ vay mượn, hổ lốn. Luật Giao thông được đưa vào nhà trường để dạy cho các em sống và làm việc đúng luật pháp. Thế nhưng, khi ra đường các em luôn phải chứng kiến những hành vi vi phạm an toàn giao thông của người lớn…

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng đó chính là chương trình giảng dạy đạo đức ở các cấp học phổ thông: Chương trình đạo đức được thực hiện xuyên suốt, từ bậc Mầm non là giáo dục lễ giáo, bậc Tiểu học là môn Đạo đức, bậc Trung học là môn Giáo dục công dân. Nội dung chương trình nặng tính lý thuyết, thiếu kỹ năng sống, lại không tạo được dấu ấn để tác động hình thành nhân cách học sinh.

Những bài học ý nghĩa, gần gũi với đời sống ít được chú trọng mà thay bằng những bài học quá trừu tượng. Những giá trị đạo đức, ứng xử trong đạo lý của người Việt Nam cần được chuyển tải trong những tình huống cụ thể, gần gũi để học sinh dễ tiếp cận, dễ nhớ hơn.

Vậy tại Trường THPT Lương Thế Vinh - TP Điện Biên Phủ - tỉnh Điện Biên, vấn đề giáo dục nếp sống văn minh, cách ứng xử có văn hóa trong học đường đã được BGH xây dựng như thế nào để giáo dục HS?

* Để trang bị và hình thành cho các em phong cách ứng xử có văn hóa, nhà trường đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử với các nội dung quy tắc rõ ràng dành cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh. Việc làm này là động lực thúc đẩy sự phát triển của nhà trường, làm cho học sinh nhận thức được trường học nơi mình học tập trở thành nơi phấn đấu, rèn luyện. Nơi phụ huynh luôn yên tâm về một môi trường đào tạo vừa hồng vừa chuyên.

Nhà trường đặc biệt quan tâm tới vấn đề gắn việc giáo dục đạo đức văn hóa với đạo đức lối sống; Lồng ghép chương trình giảng dạy với các hoạt động dã ngoại.

Tổ chức cho học sinh đi tham quan các di tích lịch sử để học tập về truyền thống cách mạng lịch sử hào hùng của dân tộc… Qua đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc, giúp các em có động cơ học tập tốt hơn; Tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong trong đời sống và sinh hoạt tập thể, giáo dục tinh thần đoàn kết dân tộc, sống hòa nhập trong cộng đồng.

Xin cảm ơn bà!

“Nhà trường luôn khuyến khích học sinh tham gia và bày tỏ ý kiến, phát huy vai trò chủ thể của mình nhằm tạo cho các em có sự tự tin, mạnh dạn hơn trong các hoạt động tập thể, giao tiếp hằng ngày. Các hoạt động phong trào được tổ chức đa dạng, phong phú với thời lượng phù hợp đã tạo điều kiện tốt để học sinh rèn luyện kỹ năng sống, góp phần tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức lối sống, truyền thống văn hóa của dân tộc góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh”. Nhà giáo Nguyễn Thị Mai Nguyệt - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh - TP Điện Biên Phủ - tỉnh Điện Biên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.