Để mầm non tư thục không trở thành ám ảnh

GD&TĐ - Nhóm trẻ mầm non độc lập ở các khu đông công nhân, người lao động đã tạo điều kiện để cha mẹ trẻ yên tâm làm việc.

Trường Mầm non song ngữ MerryStar, Hà Nội.
Trường Mầm non song ngữ MerryStar, Hà Nội.

Đóng góp của những cơ sở giáo dục này là không thể phủ nhận, song còn không ít hạn chế cần sự quản lý chặt chẽ để đảm bảo chất lượng nuôi dạy, an toàn.

Nhu cầu thiết thực

Hiện nay, việc xuất hiện các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) độc lập, dân lập và tư thục ở các khu đông công nhân, người lao động là nhu cầu thực tế, tất yếu. Các cơ sở này đã và đang chia sẻ áp lực trông giữ trẻ khi trường mầm non công lập chưa đáp ứng được nhu cầu trông giữ trẻ trên địa bàn.

Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, các cơ sở GDMN độc lập chủ yếu tập trung ở vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ, nơi có nhiều khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX).

Nhìn nhận về vai trò, sự đóng góp của cơ sở GDMN độc lập, PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT), cho rằng: Những cơ sở này góp phần giảm bớt gánh nặng, tình trạng quá tải cho cơ sở GDMN công lập ở nhiều địa phương; đóng vai trò lớn cho cấp học mầm non huy động trẻ em ra lớp.

Mặt khác, các cơ sở này mang lại tác động tích cực cho sự phát triển GDMN nói chung và gỡ khó cho những nơi mạng lưới cơ sở GDMN không đáp ứng được nhu cầu đưa trẻ đến trường nói riêng. Việc cung ứng các dịch vụ đón sớm, trả muộn, ăn uống, tắm gội, trông trẻ dưới 24 tháng... đã giúp lao động nữ tại các KCN, KCX chia sẻ cùng xã hội việc đảm bảo quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Tuy vậy, PGS Nguyễn Bá Minh cũng khẳng định việc phát triển hệ thống cơ sở GDMN độc lập chưa được quan tâm sâu sát, cũng như thiếu tính toán phát triển trong tổng thể quy mô phát triển của lĩnh vực này ở từng địa phương. Cơ sở GDMN độc lập ở nhiều nơi được thành lập với quy mô nhỏ không đảm bảo điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Đáng lo ngại hơn khi một số cơ sở hoạt động không ổn định, thường xuyên thay đổi về địa điểm, cơ sở vật chất và đội ngũ nên ảnh hưởng đến công tác quản lý, chất lượng hoạt động. Đa số nhóm trẻ có quy mô nhỏ dưới 7 trẻ vẫn tổ chức và hoạt động tự phát, nằm rải rác trong các khu dân cư và chưa được quan tâm về chất lượng chăm sóc giáo dục.

Giờ học của trẻ Trường mầm non Họa My, Tp Vinh, tỉnh Nghệ An.
Giờ học của trẻ Trường mầm non Họa My, Tp Vinh, tỉnh Nghệ An.

Tháo gỡ hạn chế

Trên thực tế, thời gian qua đã xảy ra không ít vấn đề đáng lo ngại từ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, mầm non độc lập tư thục khiến xã hội, cha mẹ mất lòng tin thậm chí để lại nỗi lo, sự ám ảnh.

TS Nguyễn Thị Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, chỉ ra khó khăn của các cơ sở GDMN độc lập là nhân lực quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn chưa đảm bảo dẫn đến công tác chỉ đạo, hướng dẫn, thanh/kiểm tra, giám sát hoạt động chưa hiệu quả.

Ở cấp địa phương, cán bộ UBND xã (phường) phụ trách quản lý nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, mầm non độc lập, tư thục là cán bộ văn hóa; hoặc phải kiêm nhiệm nhiều công việc và không có chuyên môn về giáo dục nên khó có sự chỉ đạo, kiểm tra chuyên môn sâu sát.

“Trong khi đó, vai trò hỗ trợ của phòng GD&ĐT trên địa bàn còn nhiều hạn chế bởi nguồn nhân lực mỏng, không thể sát sao trong công tác quản lý. Các trường mầm non công lập trên địa bàn (xã/phường) có trách nhiệm hỗ trợ chuyên môn cho cơ sở mầm non tư thục, nhưng khối lượng công việc của cán bộ quản lý tại các trường mầm non công lập khá lớn, dẫn tới khó khăn trong việc bố trí quỹ thời gian hỗ trợ chuyên môn bên ngoài” – TS Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.

TS Nguyễn Ngọc Hiền, thành viên Tiểu ban GDMN, Hội đồng quốc gia phát triển nguồn nhân lực, cũng khẳng định vai trò đóng góp của các cơ sở GDMN độc lập, tuy nhiên còn có nhiều hạn chế cần tháo gỡ.

“Chủ cơ sở GDMN độc lập hiện nay phần lớn không có chuyên môn về GDMN. Khả năng tự tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn, học tập nâng chuẩn trình độ đào tạo hạn chế. Còn có tình trạng giáo viên chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ tại các cơ sở GDMN độc lập chưa đạt chuẩn, chưa qua đào tạo sư phạm mầm non, chỉ có chứng chỉ nghiệp vụ mầm non.

Người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tại các nhóm trẻ có tối đa 7 trẻ có trình độ thấp, thiếu cơ hội được bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ. Đội ngũ không ổn định, tình trạng giáo viên mầm non tại các cơ sở GDMN độc lập tư thục nghỉ làm, chuyển chỗ làm xảy ra thường xuyên...”, TS Nguyễn Ngọc Hiền nêu ra những bất cập.

Đóng góp của các cơ sở GDMN độc lập là không thể phủ nhận, trong khi các cơ sở công lập chưa thay thế được thì vai trò quản lý Nhà nước phải được đặt ra. Khuyến khích đầu tư xã hội hóa cho GDMN ngoài công lập thế nào, việc phát triển các cơ sở này để chia sẻ với GDMN công lập cần được tính toán.

Mô hình phòng, lớp học, nhóm trẻ độc lập và học phí ở các nhóm lớp này, vấn đề cơ sở vật chất không đảm bảo theo yêu cầu, thiếu trang thiết bị, thiếu kỹ năng của giáo viên… Cần phải có hành lang pháp lý, quy định, hỗ trợ hoạt động, đề xuất chính sách phát triển. - Ông Nguyễn Đắc Vinh (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.