Để không mai một “đặc sản tuổi thơ”

GD&TĐ - Ngày nay, dường như trẻ em ít biết đến “đặc sản” trò chơi của các thế hệ trước. Làm thế nào để trẻ được “ăn” món đặc sản này mỗi ngày là trách nhiệm không của riêng ai.

Thầy và trò trường Tiểu học Đông Thái, quận Tây Hồ, Hà Nội hào hứng với trò chơi nhảy bao bố.
Thầy và trò trường Tiểu học Đông Thái, quận Tây Hồ, Hà Nội hào hứng với trò chơi nhảy bao bố.

Đặc sản cho tuổi thơ

Nếu trò chơi dân gian của người lớn thường xuất hiện vào các dịp lễ hội, vào ngày Tết cổ truyền thì trò của trẻ có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi. Trong xã hội xưa, trò chơi dân gian chiếm vị trí quan trọng trong không gian giải trí của trẻ. Ngày nay, khi điều kiện tiếp cận các hình thức giải trí phong phú, đa dạng hơn thì cơ hội tiếp cận văn hoá dân gian thông qua các trò chơi con trẻ có phần bị mai một.

Theo nhà nghiên cứu văn hoá dân gian - TS Nguyễn Hùng Vĩ, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), trò chơi dân gian không chỉ tạo môi trường giải trí mà còn giúp tâm hồn trẻ trong sáng, phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo. Ngoài ra, còn giúp trẻ hiểu về tình bạn, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước. Các trò chơi dân gian ở nước ta thường đơn giản, không cầu kỳ nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc.

TS Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, mỗi trò chơi dân gian đều có ý nghĩa của riêng nó, luôn hàm chứa tính giáo dục hoặc rèn luyện. Điển hình như trò chơi nhảy dây với mục đích rèn luyện sức khỏe của đôi chân, giúp các em gắn kết đồng đội, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Trò chơi bịt mắt bắt dê lại rèn luyện tính phán đoán, định hướng và nhanh nhẹn. Trò chơi oẳn tù tì rèn luyện sự nhanh nhẹn bên cạnh phản ứng linh hoạt.

Tương tự, trò chơi rồng rắn lên mây vừa rèn luyện sự nhanh nhẹn lại vừa rèn sự khéo léo, tôn trọng kỷ luật. Khả năng đối đáp của trẻ sẽ được cải thiện khi chơi trò liên quan đến nghi thức cầu mưa của cư dân nông nghiệp lúa nước lâu đời của người Việt thông qua những câu đồng dao. Trong khi đó, trò kéo co thể hiện tinh thần thượng võ, rèn luyện thể lực và mang tính đồng đội…

Các trò chơi dân gian này đều dễ chơi, đa số đều kèm theo một bài hát đồng dao hay một bài vè ngắn, dễ nhớ, dễ thuộc. Ngoài ra, chỉ cần cái gậy, hòn đá, hòn bi... là có thể giúp các em nhỏ có được những trò chơi kể trên ở mọi nơi mọi lúc.

Trong trò chơi dân gian, trẻ tìm thấy nhiều niềm vui khi được cùng nhau thoả thích vui đùa, giúp trẻ hoàn thiện kỹ năng sống và thể nghiệm về mặt tâm lý cho trẻ. Thông qua những trò chơi dân gian, trẻ có thể phát triển được nhiều kỹ năng vận động như chạy, nhảy, hình thành lòng dũng cảm, tính kỷ luật, kiên trì và tinh thần đồng đội, ý chí chiến thắng.

“Đối với trẻ, trò chơi dân gian chính là cách rèn luyện trí tuệ, nhận thức thế giới xung quanh một cách hào hứng. Trò chơi dân gian dạy trẻ tính tập thể, cộng đồng cao trong việc phối hợp nhịp nhàng, thống nhất với các thành viên khác để đảm bảo đội chơi không thua. Từ đó, hình thành tinh thần đoàn kết yêu thương, giúp đỡ nhau trong tâm thức mỗi đứa trẻ”, TS Nguyễn Hùng Vĩ nhận định.

Hờ hững với trò chơi dân gian?

Chị Bùi Thu Chang (Long Biên) cho biết, không gian phố đi bộ Bờ Hồ có khu vực trò chơi dân gian. Thỉnh thoảng cuối tuần chị đưa con sang đây chơi. Nhưng ba đứa con chị chỉ hào hứng được vài buổi đầu. Những buổi sau rất các cháu rất hờ hững. Bởi ở nhà chúng đã quen với ô tô điện, siêu nhân, phim hoạt hình, trò chơi trên mạng.

TS.BS Nguyễn Thị Tuyết Minh, Trung tâm Nghệ thuật Atelier Minh cho rằng, trẻ hờ hững với những trò chơi dân gian là do Internet, phim hoạt hình... Ngoài ra, trẻ không còn nhiều khoảng không gian chơi vì mỗi nhà đều kín cổng cao tường sân chơi trường học bị thu hẹp. Với lịch học dày đặc, trẻ không có thời gian để chơi, không có bạn chơi cùng. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh không có thời gian dành cho con. Nhiều phụ huynh đã không còn hướng trẻ đến những điều thú vị, bổ ích mà những trò chơi truyền thống mang lại cũng như không tạo điều kiện để chúng có thể tham gia những trò chơi đó.

Thực tế cho thấy, các trò chơi dân gian như chơi thuyền, rồng rắn lên mây, thả đỉa ba ba, ô ăn quan, nu na nu nóng, kéo cưa lừa xẻ, bịt mắt bắt dê... không còn được nhiều trẻ nhỏ từ thành phố đến nông thôn biết đến. Thay vì được trải qua một tuổi thơ với trò chơi dân gian, trẻ lại lớn lên với những kênh youtube, bị cuốn vào những trò chơi điện tử, chưa kể những nội dung mà trẻ xem lại không được cha mẹ kiểm soát.

Để có thể bảo tồn và phát huy các trò chơi dân gian cho trẻ, TS.BS Nguyễn Thị Tuyết Minh cho rằng, gia đình, nhà trường nên đặc biệt lưu ý tạo điều kiện để trẻ được tiếp cận, vui chơi nhiều hơn với phần văn hoá dân gian đặc sắc với các trò chơi dân gian hấp dẫn. Một vài trường cũng đưa một số trò chơi dân gian và trường học nhưng chỉ là con số ít. Cái chính là đưa được sự hứng thú, nhận thức về sự bổ ích của những trò chơi dân gian vào tâm hồn của trẻ.

“Trò chơi dân gian dành cho trẻ em là một phần quan trọng của văn hoá dân gian. Bởi vậy, để bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá và nuôi dưỡng tâm hồn trẻ cần có sự đầu tư bài bản và chung tay góp sức của cộng đồng xã hội. Cần tạo những không gian chơi hấp dẫn, thu hút trẻ. Nếu được cha mẹ, thầy cô và xã hội quan tâm đúng mức, trò chơi dân gian chắc chắn đủ sức hút đối với trẻ, kéo chúng tránh xa những cám dỗ và hệ luỵ từ những trò chơi hiện đại”, TS.BS Nguyễn Thị Tuyết Minh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.