Để không học sinh nào bị “bỏ rơi” trong lớp học

Để không học sinh nào bị “bỏ rơi” trong lớp học

Đó là chia sẻ của cô Dương Thị Thanh Tâm – Giáo viên Toán, Trường THPT Xuân Giang (Hà Nội). Cô Tâm cho hay, tâm lý của học sinh yếu rất sợ và ngại, không dám có ý kiến, cũng không dám hỏi cô giáo khi không hiểu bài. Thực tế, cô đã gặp nhiều trường hợp như vậy trong các lớp cô được đảm nhận.

“Việc đầu tiên để cho học sinh không sợ môn Toán đó là, tôi công bằng với tất cả các em, từ việc kiểm tra, hỏi kiến thức cũ đến kiến thức mới. Nhưng với những học sinh yếu tôi có một chút để tâm hơn. Tôi không yêu cầu cao đối với những học sinh này. Tôi thường lựa chọn kiến thức cơ bản và ở mức độ dễ, phù hợp với các em, khuyến khích động viên các em mỗi khi các em có tiến bộ” – cô Tâm chia sẻ.

Ngoài ra, cô Tâm thường khích lệ những mặt mạnh của các em như: Hăng hái xây dựng bài, viết chữ đẹp, ngoan, đi học đúng giờ, chăm chỉ ... Cô luôn cố gắng tìm ra điểm tốt của các em để tuyên dương động viên bất cứ khi nào có cơ hội.

“Với tâm lý sợ yếu và dốt hơn các bạn nên các em học sinh này thường hay tự ti. Vì vậy, khi các em có sự tiến bộ là tôi động viên kịp thời bằng lời khen, bằng phần quà nhỏ, nhằm khích lệ các em tiếp tục cố gắng trong học tập.

Cô Dương Thị Thanh Tâm luôn được học trò yêu quý
 Cô Dương Thị Thanh Tâm luôn được học trò yêu quý

Bên cạnh đó, tôi cũng cử một số học sinh học khá, giỏi kèm cặp thêm cho các bạn học yếu. Cuối học kì “đôi bạn cùng tiến” sẽ được tuyên dương, khen thưởng trước lớp. Tôi muốn mỗi một giờ học Toán, các em cảm thấy thú vị, thoải mái, không em nào cảm thấy bị bỏ rơi” – cô Tâm bộc bạch.

Theo cô Tâm, với sự phát triển của công nghệ, học sinh có rất nhiều kênh để lĩnh hội kiến thức. Nhưng vai trò của giáo viên không thể thay thế, bởi giáo viên ngoài việc truyền đạt kiến thức, còn là người định hướng cho học sinh tìm hiểu kiến thức và chiếm lĩnh kiến thức trên internet.

Giáo viên cũng là người cổ vũ, động viên giúp đỡ khi các em gặp khó khăn và trở ngại trong cuộc sống. Nhờ có giáo viên, các em mới có thể học tập theo nhóm, phát triển tâm tư, tình cảm, và phát triển cả thể chất lẫn tinh thần. Những lời động viên, khích lệ và khen thưởng kịp thời sẽ giúp các em có thêm nhiều động lực để học tập tốt hơn.

“Là một giáo viên, chúng tôi biết cần phải làm gì để vai trò của mình không bị thay thế bởi những “giáo viên ảo, lớp học ảo”. Theo đó, chúng tôi ý thức được rằng, cần phải luôn trau dồi kiến thức để không lạc hậu với thời đại; đồng thời trang bị cho mình những kĩ năng và năng lực sư phạm để giảng dạy, dẫn dắt học sinh trên con đường chinh phục kho tàng tri thức” – cô Tâm trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ