Yếu và thiếu kiến thức về pháp luật
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình), có thể nói cả thế giới bàng hoàng trước vụ việc 39 người bị chết trong chiếc container ở Anh. Chúng ta lại càng đau xót hơn khi biết tin các nạn nhân là công dân Việt Nam. Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh: Vụ việc nêu trên xảy ra có nguyên nhân chủ yếu từ hành vi tổ chức, lôi kéo, dụ dỗ của những kẻ phạm tội, từ nhận thức không đúng đắn, thiếu kiến thức pháp luật của các nạn nhân.
Đồng quan điểm, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cho rằng: Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân. Tiếp tục đổi mới tuyên truyền, giáo dục sao cho thực chất, hiệu quả; đồng thời tăng cường thông tin, cảnh báo thường xuyên, kịp thời cho người dân về những hành vi vi phạm pháp luật về lao động.
Qua đó, góp phần nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật, ý thức tự giác cũng như khả năng tự bảo vệ của người dân. “Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề này là hết sức quan trọng. Bởi vì, thực tế đã có nhiều vi phạm bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết” - đại biểu Lý Tiết Hạnh nói.
Chủ động trang bị kiến thức
Theo các đại biểu, hiện nay hệ thống thông tin tuyên truyền của doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước về xuất khẩu lao động chưa hiệu quả, do đó nhiều người còn thiếu hiểu biết về lĩnh vực này.
Đối với lao động trong nước, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho hay: Có mấy nhóm lao động gồm: Thứ nhất là nhóm có trình độ cao. Nhóm này có cơ hội tham gia vào thị trường lao động tốt hơn; Nhóm thứ 2 là lao động bậc trung. Đây cũng là nhóm có nhiều cơ hội việc làm.
Nhóm thứ 3 là lao động chân tay. Đây là nhóm có kỹ năng tay nghề cao; kỹ năng chuyên ngành tốt. Nhóm thứ 4 là lao động phổ thông và lao động tự do. Nhóm này kỹ năng lao động không có, hoặc không được đào tạo bài bản nên thường bị yếu thế. Chủ yếu họ phải bán sức lao động để kiếm tiền nuôi sống gia đình.
Từ thực tế trên, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy khuyến cáo: Đối với người lao động Việt Nam ở nước ngoài, cần cảnh giác trước mọi ý kiến gợi ý về hợp tác lao động bằng con đường không chính thống. Cần lắng nghe, sử dụng kênh thông tin chính thống, tuân thủ pháp luật lao động Việt Nam và nước sở tại.
Đặc biệt, cần trau dồi kiến thức, nâng cao hiểu biết về pháp luật để có thể bảo vệ chính mình, ít nhất là bảo vệ quyền lợi lao động. Khi có sự cố xảy ra ở nước sở tại, người lao động cần bình tĩnh, tìm cách liên lạc với đại sứ quán của Việt Nam ở nước đó để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất có thể. Mặt khác, tìm cách liên lạc với người thân hoặc người Việt Nam để cung cấp thông tin và tìm cách giúp đỡ.
Còn đối với lao động trong nước, nhất là đối với nhóm lao động chân tay, lao động phổ thông, việc đầu tiên phải trau dồi thêm về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghệp và kiến thức pháp luật. Riêng nhóm lao động trẻ ở nông thôn ra thành thị làm việc nên dành thời gian để đi học và nên học các ngành nghề cơ bản. Khi có thời gian thì học thêm các kỹ năng.
“Khi mới tham gia vào thị trường lao động, còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng, nhưng khi có thời gian và điều kiện rồi phải tạo cơ hội cho mình tham gia vào học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và học thêm ngoại ngữ. Hiện nay, có nhiều chương trình học ngắn hạn, dài hạn của các tổ chức, trung tâm dạy nghề.
Các bạn có thể lựa chọn hình thức học tập phù hợp với điều kiện cá nhân. Qua đó vừa tăng cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập mà còn có đủ hành trang về kiến thức pháp luật, kỹ năng nghề nghiệp để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình khi cần thiết” - đại biểu Trần Thị Diệu Thúy nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy