Nhiều công ty không tuyển dụng đủ số nhân sự cần thiết. Tình trạng trên diễn ra tương tự các địa phương có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp tại phía Bắc.
Tỷ lệ thất nghiệp giảm
Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý III/2019 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho thấy: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong quý III ở mức 7,31%. PGS. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR phân tích: Động lực chính của tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng đầu năm là sự phát triển ngành công nghiệp – xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo và khai khoáng.
Cũng theo số liệu của Tổng Cục thống kê, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý III/2019 là 6,66 triệu đồng/tháng, tăng 116 nghìn đồng so với quý trước và tăng 774,7 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, thu nhập bình quân tháng từ công việc làm công hưởng lương 9 tháng năm 2019 của lao động có trình độ trên đại học trở lên là 9,3 triệu đồng/tháng, tăng gần 1,1 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước; lao động chưa học xong tiểu học là 5 triệu đồng/tháng; lao động chưa từng đi học là 4,2 triệu/tháng.
Kinh tế tăng trưởng kéo theo sự ra đời của nhiều công ty, nhà máy. Nhu cầu tuyển dụng lao động vì thế cũng tăng cao. Theo báo cáo của Tổng Cục thống kê, tính đến quý III/2019, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 55,7 triệu người, tăng 211,7 nghìn người so với quý trước và tăng 263,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Trong số trên, số lao động nam chiếm 52,2% và lao động nữ chiếm 47,8%. Xét theo khu vực, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khu vực thành thị là 18,6 triệu người, chiếm 33,4%; khu vực nông thôn là 37,1 triệu người, chiếm 66,6%.
Khu vực dịch vụ có số người tham gia đông nhất, với 19,5 triệu người. Tiếp đến là số người làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (18,8 triệu người). Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng đứng thứ 3 với 16,3 triệu người.
Bên cạnh số người có việc làm, vẫn còn số ít người thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước quý III/2019 ước tính là 1,99%, trong đó khu vực thành thị là 2,94%; khu vực nông thôn là 1,52%.
Ảnh minh họa/ INT |
Vẫn khát nhân lực
Do nhu cầu mở rộng sản xuất, hoàn thành các đơn hàng cuối năm hoặc trang bị thiết bị mới, nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai đang gia tăng nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là lao động có tay nghề.
Theo số liệu từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (FALMI) cung cấp, trong tháng 10/2019, FALMI thực hiện khảo sát 2.136 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 20.133 chỗ làm việc và 13.718 người có nhu cầu tìm việc.
Cụ thể, thị trường lao động TPHCM tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo tăng, tập trung ở các nhóm ngành trọng yếu: Dịch vụ du lịch - Nhà hàng - Khách sạn (17,53%), Kinh doanh - Bán hàng (9,95%), Kiến trúc - Kỹ thuật công trình xây dựng (6,86%); Vận tải - Kho bãi - Xuất nhập khẩu (6,57%); Dệt may - Giày da (5,17%); Marketing - Quan hệ công chúng (4,83%); Cơ khí - Tự động hóa (4,69%)…
Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 83,25%. Cụ thể, nhu cầu nhân lực có trình độ đại học trở lên 18,90%, cao đẳng (18,76%), trung cấp (25,40%), và sơ cấp nghề - công nhân kỹ thuật lành nghề (20,19%). Các nhóm ngành có nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm tỉ trọng cao gồm: Cơ khí - Tự động hóa; Điện tử - Cơ điện tử; Điện - Điện lạnh - Điện Công nghiệp; Công nghệ thông tin; Dệt may - Giày da; Kế toán - Kiểm toán; Quản lý điều hành; Kiến trúc kỹ thuật công trình xây dựng; Vận tải - Kho bãi - Xuất nhập khẩu…
Đối với nhân lực chưa qua đào tạo tập trung ở các nhóm ngành dịch vụ - thương mại, sản xuất, gia công và các công việc giản đơn như: Nhân viên bán hàng siêu thị, cửa hàng, nhân viên tạp vụ, phục vụ, công nhân đóng gói nhựa - bao bì, công nhân gia công dệt may - giày da…
Theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai), tại Sàn giao dịch việc làm diễn ra vào trung tuần tháng 9/2019, có 19 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giày da, cơ khí, dệt may, nội thất… tham gia với nhu cầu tuyển hơn 870 lao động; song chỉ có khoảng 380 lượt lao động có nhu cầu tìm việc làm và tìm hiểu thông tin về việc làm đến giao dịch. Kết quả, số hồ sơ được tiếp nhận tại sàn là 187, dự kiến khoảng 130 lao động được tuyển dụng.
Thiếu lao động, nhất là lao động có tay nghề, kỹ năng đáp ứng yêu cầu công việc cũng là thực trạng chung của khá nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương. Theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, tình trạng thiếu lao động, nhất là lao động có kỹ thuật, có tay nghề luôn được đại diện các doanh nghiệp đề cập.
Đại diện Công ty HyoSung Việt Nam (đóng tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5, tỉnh Đồng Nai) thông tin: Công ty có nhu cầu tuyển dụng công nhân có tay nghề ở các khối kỹ thuật nhưng rất khó để tuyển đủ cho dù công ty có nhiều ưu đãi, phụ cấp dành cho người lao động như trợ cấp chi phí đi lại, hỗ trợ kinh phí học nghề, học ngoại ngữ, chế độ, lương, thưởng…