Trăm ngả đường lao động sau học nghề
Gia đình anh Nguyễn Văn Hạnh (Thọ Thành, Yên Thành, Nghệ An) mấy ngày qua tất bật tu sửa lại ngôi nhà cấp 4 dột nát để chuẩn bị làm lễ tang cho em trai là Nguyễn Thọ T. tử nạn bên Anh.
Nguyễn Thọ T. từng học Trường Trung cấp Kỹ thuật nghề Yên Thành. Sau khi tốt nghiệp, T. được nhà trường giới thiệu và đi xuất khẩu tại Malaysia. Tuy nhiên, do thu nhập không cao nên hai vợ chồng T. khăn gói về nước. Nghe mọi người giới thiệu về cơ hội thị trường lao động bên Anh, T. quyết định vay mượn để đi với hi vọng khi làm việc ở đất nước phát triển, tiền công sẽ cao hơn. Nhưng ước mơ chưa kịp chạm tới, T. đã tử nạn trong chiếc container khi chưa kịp nhìn thấy nước Anh.
Đặng Thành L. (xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) từng học nghề cơ khí và đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Tuy nhiên sau khi hết hạn hợp đồng, anh tiếp tục ở lại lao động bất hợp pháp. Nói về lý do, anh cho hay thời điểm đó, phía Hàn Quốc chuyển giao từ thời hạn hợp đồng XKLĐ từ 4 năm sang 3 năm. Lúc đó, tôi được doanh nghiệp ký hợp đồng gia hạn, nhưng thời gian hoàn tất thủ tục giấy tờ chậm mất 1 ngày theo quy định của pháp luật Hàn Quốc. “Trong hoàn cảnh đó, tôi quyết định tiếp tục ở lại lao động bất hợp pháp, nhảy ra ngoài làm doanh nghiệp khác”, anh L. kể lại. Cũng theo chia sẻ của L., thu nhập khi ra ngoài lao động bất hợp pháp là khoảng 3,2 triệu won (tương đương 80 triệu VND). Tuy nhiên, sau đó 3 năm, L. bị cảnh sát Hàn Quốc phát hiện và trả về nước.
Thời gian đầu về Việt Nam, L. đăng ký vào làm việc tại một số khu công nghiệp tại Nghệ An và Hà Tĩnh, song do lương thấp, anh ở nhà mở xưởng cơ khí. “Tôi có kinh nghiệm 7 năm làm việc bên Hàn về mảng này, nên tôi về tự mở xưởng, kinh doanh. Tuy có vất vả nhưng thoải mái, được chủ động công việc và thu nhập khá hơn đi làm thuê”, L. chia sẻ.
Theo ghi nhận tại các địa phương tại Nghệ An, sau khi học nghề, nhu cầu đi xuất khẩu lao động ngày càng lớn. Anh Đặng Văn Phương (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) từng tốt nghiệp CĐ Kỹ thuật Công nghiệp Việt – Hàn và có thời gian làm việc tại khu công nghiệp Nam Cấm (Nghệ An). Song thu nhập không cao, thời điểm đó Hàn Quốc lại khép cửa với lao động Nghệ An, Hà Tĩnh nên anh quyết định đi xuất khẩu lao động theo diện lao động phổ thông tại Nhật, dù đã có bằng CĐ nghề.
“Năm đầu tiên, chúng tôi làm việc rất cực, sau khi trừ chi phí ăn uống thì tiền lương còn lại chỉ khoảng 10 triệu tiền Việt. Nhiều người có ý định trốn ra làm ngoài, nhưng tôi cố gắng làm việc. Dần dần tạo được uy tín, sự tin tưởng với chủ công ty, tiền lương của tôi tăng lên 50 – 60 triệu đồng, chưa kể thưởng”.
Hết hợp đồng 3 năm, anh Phương trở về Việt Nam thăm nhà và cho biết sẽ tiếp tục quay lại Nhật làm việc. Vì số tiền tiết kiệm trong 3 năm mới đủ trả hết nợ của gia đình và dành dụm được chút tiền. “Sang đó làm một thời gian, kiếm chút vốn để về nước làm ăn”, anh Phương nói.
Trường nghề loay hoay tìm chỗ đứng
Mặc dù, cố gắng tìm mọi phương thức tuyển sinh, thu hút người học, nhưng thực trạng “khát” người học vẫn tồn tại ở một trường dạy nghề ở Hải Phòng.
Trường Cao đẳng Viettronics - trường công lập trực thuộc Tổng Công ty Điện tử và Tin học Việt Nam. Khoảng hơn chục năm trước, trong lĩnh vực giáo dục chuyên nghiệp, trường là một địa chỉ “hot” với lượng thu hút 5.000 - 6.000 sinh viên. Theo xu thế chung, lượng sinh viên giảm dần qua các năm. Đến 2017, thực hiện chủ trương chung, Trường Cao đẳng Viettronics chuyển từ giáo dục chuyên nghiệp sang giáo dục nghề.
Mặc dù phát huy lợi thế từ các ngành đào tạo chủ đạo của trường, nhưng từ khi chuyển sang đào tạo nghề, lượng sinh viên đăng ký học tại trường không đạt chỉ tiêu đặt ra.
Theo ông Trần Quốc Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viettronics, hai năm chuyển sang giáo dục nghề, nhà trường tuyển được 180 sinh viên với 3 ngành đào tạo chính là Công nghệ thông tin, Điện và Kế toán. Trong số 180 sinh viên nói trên, có 100 sinh viên tốt nghiệp THPT, số còn lại là đào tạo theo diện vừa học THPT vừa học nghề.
Dù người học không mặn mà nhưng để duy trì, lãnh đạo trường chấp nhận tuyển sinh và đào tạo, mặc dù có ngành nghề chỉ có 2 - 3 sinh viên. “Quá ít sinh viên nên việc đào tạo gặp nhiều khó khăn. Không đủ lớp, chúng tôi đành phải ghép môn chung. Hoặc khóa trước, khóa sau đợi nhau để học cùng một môn. Tuy nhiên, một vài năm nữa nếu tình trạng này vẫn diễn ra, chúng tôi sẽ xóa ngành”, ông Cường cho hay.
Lý giải nguyên nhân không tuyển đủ chỉ tiêu, ông Cường cho rằng: Học sinh, sinh viên không mặn mà với học nghề. Bởi cơ chế tuyển dụng và trả lương của nhiều doanh nghiệp đối với người có bằng nghề không khác gì lao động phổ thông.
Trong bối cảnh các trường nghề khát người học, Trường Cao đẳng GTVT Trung ương II (Hải Phòng) mỗi năm vẫn thu hút khoảng 500 học sinh, sinh viên nhập học. Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Phi - Phó Hiệu trưởng nhà trường, các doanh nghiệp lớn đầu tư tại Hải Phòng có các thiết bị máy móc hiện đại mà nhà trường không có nguồn kinh phí đầu tư, gây thiệt thòi cho người học. “Khắc phục khó khăn, trong quá trình đào tạo, chúng tôi phối hợp với doanh nghiệp để các em được thực hành và tiếp cận công nghệ”, ông Phi chia sẻ.
Đào tạo nghề: Không thể mạnh ai nấy làm
Nghệ An hiện có gần 61.000 lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tuy nhiên, con số thực tế có thể lớn hơn, bởi không ít người dân đi lao động ở nước ngoài bằng con đường bất hợp pháp. Trong đó, có nhiều lao động đã qua đào tạo nhưng vẫn sang nước ngoài lao động phổ thông.
PGS. TS Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức (Nghệ An) cho biết: Là đơn vị giáo dục nghề nghiệp, chúng tôi xác định trách nhiệm của mình là đào tạo tạo việc làm cho mình và cho người khác. Các chương trình khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; hội thảo lao động việc làm do nhà trường tổ chức để các em thấy sự kết nối giữa doanh nghiệp với nhà trường. Ngoài ra, trường còn phối hợp với doanh nghiệp đào tạo ngoại ngữ, các kỹ năng mà doanh nghiệp cần; Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo trong đó có những mô-đun mời doanh nghiệp vào tham gia giảng dạy cùng nhà trường.
Tuy nhiên, trên thực tế không ít lao động dù đã qua đào tạo, có bằng cấp nhưng khi ứng tuyển vị trí lao động, doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại. Nói về vấn đề này, PGS.TS Bùi Văn Dũng cho rằng: Việc doanh nghiệp đào tạo lại là nhu cầu của chính họ và nhiều lý do khác.
Trước hết, chất lượng trong trường nghề không phải ngành nào cũng tốt. Có một số khoa ngành, chương trình đào tạo lạc hậu so với thực tiễn. Để khắc phục tình trạng này, doanh nghiệp phải chia sẻ nguồn lực với nhà trường. “Doanh nghiệp nên tham gia vào xây dựng chương trình, đào tạo và xây dựng chuẩn đầu ra. Để sau khi tốt nghiệp ra trường, học sinh, sinh viên có thể tham gia lao động ngay mà doanh nghiệp không phải đào tạo lại”, PGS.TS Bùi Văn Dũng nói.
Cũng theo đại diện Trường Cao đẳng nghề Việt – Đức, một bất cập hiện nay là thiếu cơ chế ngăn ngừa việc doanh nghiệp chủ định tuyển lao động không qua đào tạo. Thay vào đó tuyển lao động phổ thông để đào tạo ngắn hạn rồi làm việc hoặc vừa làm vừa đào tạo. Điều này khiến lao động có trình độ không tìm được công việc phù hợp trong nước, hoặc đồng lương không xứng đáng với năng lực chuyên môn được đào tạo. Và họ phải ra nước ngoài để tìm việc làm thu nhập cao bằng con đường hợp pháp lẫn bất hợp pháp.
Liên kết với Trường CĐ nghề số 4 (Bộ Quốc phòng) đào tạo học sinh, sinh viên có nhu cầu xuất khẩu lao động sang Nhật Bản, ông Trần Quang Hiệu, đại diện Công ty Hoàng Long (Vinh, Nghệ An) nói: “Đào tạo nghề của ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhân lực cao đi xuất khẩu lao động sang Nhật. Kể cả sinh viên đi theo diện visa kỹ sư, sang đó vẫn chủ yếu lao động chân tay. Đối với thị trường lao động Nhật Bản yêu cầu rất cao về chuyên môn, tiếng và tác phong công nghiệp. Vì vậy, khi phối hợp với Trường CĐ nghề số 4, chúng tôi chủ động tích hợp trong đào tạo những yêu cầu của đối tác Nhật Bản. Qua đó trang bị cho các em đầy đủ điều kiện để tăng khả năng trúng tuyển”.