Đề khó, khác lạ mới chọn được học sinh giỏi?

GD&TĐ - PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình Ngữ văn 2018, trao đổi về việc ra đề thi học sinh giỏi...

Cô Nguyễn Ngọc Thuý, Trường THCS Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) và học trò trong giờ Ngữ văn. Ảnh: NVCC
Cô Nguyễn Ngọc Thuý, Trường THCS Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) và học trò trong giờ Ngữ văn. Ảnh: NVCC

PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình Ngữ văn 2018, Tổng chủ biên và chủ biên sách Ngữ văn THCS và THPT (bộ Cánh Diều) chỉ ra nguyên nhân chính trong việc ra đề học sinh giỏi quá sức, nhiều sai sót…, xuất phát từ nhận thức sai: Học sinh giỏi phải khác thường, ra đề thật khó, khác lạ...

Lỗi sai thường gặp

- Thầy nhận định thế nào về các đề thi học sinh giỏi (HSG) Ngữ văn thời gian gần đây, trong đó có đề Kỳ thi học sinh năng khiếu môn Ngữ văn cấp huyện năm học 2022 - 2023 tại Cẩm Khê (Phú Thọ)?

“Đề thi chọn học sinh năng khiếu của huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) mà dư luận đang quan tâm, chỉ là một ví dụ. Nhiều giáo viên viết thư, nhắn tin cho tôi nêu lên các đề thi của nhiều huyện ở Phú Thọ và một số tỉnh khác cũng mắc lỗi chẳng khác gì đề thi huyện Cẩm Khê. Chứng tỏ những yếu kém, hạn chế trong việc ra đề rất phổ biến và cần quan tâm, chỉnh đốn”.

- Nhiều năm trước, tôi thường tham gia ra đề và chấm thi HSG quốc gia, chủ yếu với cấp THPT (lớp 12). Gần đây, dù không còn tham gia công việc này nhưng tôi vẫn theo dõi các kì thi HSG, tốt nghiệp THPT, vào lớp 10 của các tỉnh thành. Có thể nêu lên một số nhận xét sau đây:

Việc ra đề thi kiểm tra - đánh giá môn học Ngữ văn nói chung, những năm gần đây có chuyến biến khá rõ, nhất là từ 2014, khi Bộ GD&ĐT đổi mới dạy học và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu năng lực.

Biểu hiện rõ nhất, cấu trúc đề yêu cầu kiểm tra cả đọc hiểu, viết nghị luận xã hội về một vấn đề gợi ra từ văn bản đọc hiểu. Việc đổi mới này dẫn đến học sinh không chép được văn mẫu. Vì không thể biết câu đọc hiểu có nội dung gì nên không thể biết vấn đề nghị luận xã hội cần bàn bạc là gì để chuẩn bị văn mẫu và học thuộc. Riêng câu nghị luận văn học thì chưa có sự đổi mới; vẫn như cũ, loanh quanh mấy tác phẩm học ở lớp 12, đã ôn và các bài văn mẫu trên mạng.

Về đề thi HSG quốc gia lớp 12, khoảng 20 năm qua, đề thi trong kì thi này không thay đổi. Đề chủ yếu dạng 2 câu. Câu 1 (8 điểm): Bàn luận về một vấn đề xã hội thông qua câu danh ngôn, sự kiện, sự việc. Câu 2 (12 điểm): Thường giải thích và làm sáng tỏ một vấn đề lí luận văn học qua ý kiến của nhà văn hoặc một nhận định của người ra đề. Ít có dạng đề yêu cầu cảm thụ, phân tích, đánh giá, so sánh tác phẩm văn học...

Đây chính là hạn chế của việc ra mãi một dạng đề thi HSG quốc gia, học sinh chủ yếu minh họa làm sáng tỏ một ý kiến cho trước, ít thể hiện được ý kiến bản thân; không đánh giá hết năng lực đọc, hiểu, phân tích khám phá tác phẩm văn học cụ thể.

Về đề thi HSG các lớp, các cấp khác nhau, nhiều địa phương đổi mới cách ra đề, nhất là cấp THCS; trong đó có đề thi của Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều đề văn hay và sáng tạo, đánh giá được năng lực đọc hiểu và viết của học sinh; kích thích sự sáng tạo, niềm yêu thích môn học cho thầy và trò... Tuy nhiên nhiều địa phương ra đề thi, kiểm tra nói chung và đề thi HSG nói riêng còn hạn chế, sai sót, thậm chí không chính xác.

PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống.

PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống.

Đề thi chọn học sinh năng khiếu của huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) mà dư luận đang quan tâm, chỉ là một ví dụ. Nhiều giáo viên viết thư, nhắn tin cho tôi nêu lên các đề thi của nhiều huyện ở Phú Thọ và một số tỉnh khác cũng mắc lỗi chẳng khác gì đề thi huyện Cẩm Khê. Chứng tỏ những yếu kém, hạn chế trong việc ra đề rất phổ biến và cần quan tâm, chỉnh đốn.

Cái sai phổ biến trong các đề thi chọn HSG là sự quá tải, vượt xa trình độ đối tượng, không đúng yêu cầu của chương trình. Học sinh lớp 7 làm sao làm được đề thi như đề của huyện Cẩm Khê. Ngay cả HSG quốc gia lớp 12 làm còn chật vật. Tuy nhiên, vấn đề không phải là học sinh làm được hay không mà quan trọng hơn ra đề như thế nhằm mục đích đánh giá cái gì? Và tại sao phải ra như thế?...

- Theo thầy, nguyên nhân dẫn đến việc ra đề HSG các cấp chưa đáp ứng yêu cầu là gì? Có giải pháp nào để khắc phục điều này?

- Nguyên nhân chính dẫn đến việc ra đề HSG quá sức, quá khó và nhiều sai sót là giáo viên ra đề và người duyệt đề không hiểu rõ việc mình làm. Xuất phát từ nhận thức sai: HSG cần phải khác thường, ra đề thật khó, khác lạ mới chọn được HSG. Ngoài ra, một số giáo viên ra đề muốn chứng tỏ mình uyên bác, hiểu biết cao, rộng hơn người nên ra những vấn đề khó.

Một số giáo viên lười suy nghĩ, tìm trên Internet và các tài liệu tham khảo, sách ôn luyện HSG, thấy kì thi HSG quốc gia lớp 12 ra đề như thế cũng làm theo. Cuối cùng, cần thấy công tác chỉ đạo, tập huấn, bồi dưỡng về dạy học và kiểm tra, đánh giá chưa tốt, các địa phương, mỗi nơi làm một kiểu... Giáo viên ra đề không cần biết yêu cầu của chương trình thế nào, chỉ ra theo ý kiến, kinh nghiệm, sở thích cá nhân...

Giải pháp khắc phục hạn chế này chính là đề ra biện pháp khắc phục các nguyên nhân nêu trên. Mỗi địa phương tự xem xét lại cách ra đề hằng năm để phát huy hoặc điều chỉnh cho phù hợp. Cái gốc là người ra đề thi cần có năng lực, biết thương học sinh, nghĩ đến đồng nghiệp...

Cô Nguyễn Thị Minh Huệ, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) và học trò trong giờ Ngữ văn. Ảnh: NVCC

Cô Nguyễn Thị Minh Huệ, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình) và học trò trong giờ Ngữ văn. Ảnh: NVCC

Để làm tốt ra đề thi, kiểm tra Ngữ văn

- Vậy theo thầy, đề thi HSG Ngữ văn cần bảo đảm các yêu cầu nào?

- Cần khẳng định, HSG dù khác với học sinh bình thường thì vẫn là học sinh phổ thông, vẫn phải có những kĩ năng cơ bản mà môn học trang bị. Vì thế, trước hết cần tuân thủ yêu cầu mà chương trình quốc gia nêu lên. Trước tiên, HSG cần có khung kiến thức cơ bản như một học sinh bình thường và có một số năng lực vượt trội khác.

Năng lực ấy được thể hiện ở trình độ, năng lực đọc hiểu: Đọc, hiểu nhanh và đúng, chính xác một văn bản ngữ liệu mới, tương tự các văn bản đã học trong chương trình và sách giáo khoa mỗi lớp (đề tài, thể loại, kiểu văn bản...). Ở kĩ năng viết thì: Nội dung viết đúng yêu cầu của đề, ý đầy đủ, chính xác và có sáng tạo; viết rõ ràng, mạch lạc, câu văn có hình ảnh, lời văn sinh động; trình bày đẹp, không sai chính tả, ngữ pháp...

Như thế, ngay cả với đề thi bình thường cho tất cả học sinh, chúng ta vẫn có thể chọn ra những HSG môn học Ngữ văn; không nhất thiết phải ra một dạng đề với yêu cầu khác hẳn với đề thi bình thường. Tất nhiên cũng có thể ra đề khác cho HSG, nhưng các yêu cầu cơ bản vẫn phải tuân thủ chương trình, khác chăng là những yêu cầu cụ thể có độ khó cao hơn. Đề thi HSG dĩ nhiên không phải đề dễ, nhưng cũng không nên khó mà cần đề hay, bám sát yêu cầu của chương trình, phù hợp mà vẫn phân hóa được đối tượng.

HSG vẫn là học sinh phổ thông, đặc biệt ở lớp cấp thấp, các em cần được trang bị đầy đủ, toàn diện kĩ năng cơ bản của môn học như những học sinh bình thường. Các yêu cầu cơ bản ấy như mức xà để đánh giá năng lực học sinh. Em nào vượt lên trên mức xà ấy là HSG. HSG không phải những siêu nhân, có nhiều ý kiến kì lạ, khác người... trong khi những kĩ năng cơ bản của môn học thì vẫn mắc lỗi. Nhà trường đừng biến các em thành “cụ non” quá sớm.

- Ra đề kiểm tra vẫn là công việc khó với giáo viên, chứ chưa nói đến đề thi HSG. Thầy có gợi ý nào tới các thầy/cô để thực hiện tốt nhiệm vụ này?

- Việc ra đề thi, đề kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn vốn rất khó, đòi hỏi giáo viên ra đề có trình độ và sự tâm huyết với nghề, trách nhiệm với học sinh. Theo tôi, để làm tốt việc này, các thầy cô cần chú ý một số điểm sau đây về chuyên môn:

Nắm thật vững yêu cầu cần đạt của chương trình Ngữ văn đối với mỗi lớp. Yêu cầu cần đạt ghi trong chương trình là đích cần hướng tới của việc dạy học. Với Chương trình GDPT 2018, các yêu cầu cần đạt tập trung vào năng lực văn học, ngôn ngữ, thể hiện thông qua năng lực đọc hiểu, viết và nói nghe. Việc kiểm tra, đánh giá của đề thi tập trung vào năng lực đọc hiểu và viết là chính. Trong yêu cầu đọc hiểu có yêu cầu cụ thể đối với các thể loại và kiểu văn bản cho mỗi lớp; tương tự yêu cầu viết ở mỗi lớp theo các kiểu bài.

Sau khi hiểu yêu cầu của chương trình, biết rõ mục đích, tính chất kì thi và đối tượng học sinh mới xác định nội dung, hình thức cụ thể đề thi. Như thế khi ra đề cần đặt câu hỏi: Đánh giá để làm gì? Đánh giá ai? Từ đó xác định nội dung, cách thức, công cụ đánh giá cho phù hợp. Dù đề thi cho HSG nhưng vẫn cần xuất phát từ các yêu cầu cơ bản của chương trình. Hình thức đề HSG, nên yêu cầu đọc hiểu với ngữ liệu mới, viết theo dạng mở, khuyến khích sự sáng tạo và các ý kiến riêng của học sinh; chú ý mức độ và hình thức phân hóa đối với HSG...

- Theo thầy, công tác chỉ đạo dạy học ở các địa phương cần lưu ý gì trong việc đổi mới kiểm tra - đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn (không chỉ là HSG), đặc biệt là học sinh học Chương trình GDPT 2018?

- Ai cũng hiểu, đổi mới kiểm tra đánh giá rất quan trọng. Việc triển khai Chương trình và SGK 2018, môn Ngữ văn được Bộ GD&ĐT hết sức quan tâm. Điều đó không chỉ thể hiện ở phát biểu có tính tuyên ngôn của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mà còn ở những văn bản chỉ đạo về các yêu cầu kiểm tra, đánh giá như Công văn 3175 và các hội thảo về đổi mới đánh giá kết quả môn học Ngữ văn... Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện ở các địa phương mới quan trọng, nhất là khi đã phân cấp quản lí. Trước hết phụ thuộc nhiều vào nhận thức và sự chỉ đạo của các đơn vị cơ sở.

Với việc dạy học và thi HSG nói riêng, kiểm tra, đánh giá nói chung, theo tôi cần có kế hoạch và chủ trương thống nhất. Cụ thể, ngay từ đầu năm học, các phòng, sở GD&ĐT cần có văn bản hướng dẫn học và rèn luyện theo các yêu cầu chung cho tất cả các nhà trường.

- Trân trọng cảm ơn PGS.TS Đỗ Ngọc Thống!

Phòng GD&ĐT huyện Ý Yên (Nam Định) có hướng dẫn về cấu trúc đề thi HSG cấp huyện, năm học 2022 - 2023 - môn Ngữ văn, lớp 7 giúp người dạy và học xác định được phương hướng. Đặc biệt người đánh giá có cơ sở để ra đề thi HSG đúng yêu cầu.

I. Yêu cầu chung:

1. Nội dung kiến thức: Nội dung đề thi nằm trong chương trình THCS (lớp 6, 7) chủ yếu lớp 7. Đề thi đảm bảo độ phân hoá, coi trọng đánh giá năng lực người học, tăng cường câu hỏi mở, vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.

2. Yêu cầu về các cấp độ nhận thức: Nhận biết khoảng 20%; Thông hiểu khoảng 30%; Vận dụng khoảng 30%; Vận dụng cao khoảng 20%.

II. Hình thức thi: Thi viết tự luận; thời gian làm bài: 120 phút

III. Cấu trúc đề thi. Đề thi gồm 2 phần:

Phần I. Đọc hiểu văn bản (4,0 - 5,0 điểm)

Ngữ liệu đọc - hiểu được trích dẫn nguyên văn ở đề bài (ngữ liệu không thuộc các văn bản đã đọc - hiểu trong chương trình THCS). Từ nội dung đọc hiểu yêu cầu học sinh xác định được thể loại, phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ, tác dụng,…

Phần II. Tập làm văn (15,0 - 16,0 điểm)

Câu 1 (5,0 - 6,0 điểm): Từ nội dung phần đọc hiểu học sinh viết 1 đoạn văn trình bày suy nghĩ, nhận thức của mình về một vấn đề.

Câu 2 (10,0 điểm): Học sinh tạo lập được một văn bản trong các thể loại đã được học (trong sách giáo khoa Ngữ văn 7 - Cánh Diều)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ