Để học sinh yêu hát dân ca

GD&TĐ - Từ năm học 2011 - 2012, Bộ GD&ĐT đã triển khai đưa dân ca vào trường học với nhiều hình thức. Tuy nhiên, tâm sự của nhiều giáo viên, thực hiện hiệu quả nội dung này không đơn giản, bởi nhiều học sinh ít hứng thú với các làn điệu dân ca truyền thống của đất nước.

Một giờ học hát dân ca tại Trường THCS Tiên Lữ (Hưng Yên)
Một giờ học hát dân ca tại Trường THCS Tiên Lữ (Hưng Yên)

Học sinh chưa thực sự được khơi gợi hứng thú với dân ca

Theo chương trình đổi mới của Bộ GD&ĐT, các tiết học dân ca chiếm tỉ lệ không nhỏ trong chương trình âm nhạc THCS. Cụ thể, lớp 6 học 3 tiết, lớp 7 học 3 tiết, lớp 8 học 2 tiết, lớp 9 học 2 tiết, chiếm tỉ lệ khoảng 36 % của các tiết học hát trong chương trình.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, đa số học sinh THCS ở nhiều địa phương trong cả nước không mặn mà với các làn điệu dân ca truyền thống của đất nước. 

Các em có xu thế chạy theo các dòng nhạc thị trường hoặc nhạc ngoại lai vừa sôi động vừa hấp dẫn nên đã dẫn đến những lệch lạc nhất định về lối sống, về tâm hồn và đạo đức.

Qua điều tra, tìm hiểu học sinh tại trường THCS Dị Chế và một số trường khác trong huyện Tiên Lữ, cô Đào Thị Thủy - Giáo viên Trường THCS Dị Chế (Hưng Yên) thấy rằng, đa số học sinh thờ ơ với dân ca cổ truyền và cho rằng các bài hát đó không có gì hấp dẫn, không hợp thời đại.

Mặt khác, do điều kiện về cơ sở vật chất của các trường chưa được trang bị đầy đủ, không phải trường nào cũng đủ trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy môn Âm nhạc như đàn oocgan điện tử... Do đó, chưa tạo được hứng thú cho các em.

“Nhiều trường phòng dạy môn Âm nhạc vẫn còn chung với phòng học các môn khác, tranh ảnh, tư liệu, tài liệu môn âm nhạc chưa có nhiều nên giáo viên dạy môn âm nhạc gặp phải không ít khó khăn” - Cô Thủy cho biết thêm.

Những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả

Trăn trở trước thực tế trên, cô Đào Thị Thủy đã nghiên cứu các phương pháp giúp học sinh yêu thích các làn điệu dân ca Việt Nam có trong chương trình THCS.

Theo cô Thủy, đó là những giáp không hề khó nhưng rất hiệu quả, đó là để dân ca đến với học sinh trong các giờ chào cờ đầu tuần, sinh hoạt tập thể, hội diễn văn nghệ, hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt lớp…

Cụ thể, mỗi tuần giáo viên sẽ hướng dẫn và giúp đỡ một lớp xây dựng và tập luyện một tiết mục dân ca (có thể là đơn ca, tốp ca hoặc kết hợp múa và hát) hat trong giờ chào cờ đầu tuần.

Giáo viên lưu ý lựa chọn những bài hát phù hợp và dễ học sinh đỡ nhàm chán. Cần phát những bài hát dân ca đan xen với các thể loại âm nhạc khác. Đó là cơ sở giúp học sinh có điều kiện gần gũi hơn với các làn điệu dân ca.

Giáo viên đoàn đội thành lập một ban giám khảo để đánh giá xếp loại từng lớp một cách công khai trước toàn trường và lưu những kết quả đó lại. Sau khi lần lượt các lớp biểu diễn hết, giáo viên sẽ tổng kết, tuyên dương và trao giải thưởng cho các lớp.

Vào các buổi sinh hoạt tập thể dưới cờ, trong giờ ra chơi giữa buổi, giáo viên có thể mở băng đĩa các bài dân ca trên hệ thống loa đài của nhà trường. Bằng cách này các làn điệu dân ca cứ dần thấm vào tâm hồn học sinh một cách tự nhiên. Từ chỗ thuộc, rồi hiểu và học sinh sẽ thích. Đây là hoạt động tuyên truyền, giáo dục về dân ca rất hữu ích.

Cũng có thể tận dụng những hội diễn văn nghệ để học sinh luyện tập và biểu diễn làn điệu dân ca các vùng miền, có ban giám khảm chấm điểm, tuyên dương và trao giải những tiết mục đặc sắc.

Hoặc, giáo viên âm nhạc phối hợp với Ban Giám hiệu nhà trường, giáo viên đoàn đội, giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên bộ môn và các lực lượng giáo dục khác ngoài nhà trường để tổ chức một số buổi sinh hoạt ngoại khóa: Tổ chức thi hát dân ca các vùng miền; kết hợp thi hát với thi hái hoa dân chủ; giao lưu với các nghệ sĩ hát dân ca.

Trong chương trình giáo dục ở trường THCS có nội dung giáo dục "Hoạt động ngoài giờ lên lớp" được thực hiện theo định kì 2 tuần 1 lần do giáo viên chủ nhiệm thực hiện.

Trong những giờ hoạt động đó có một thời gian khá lớn dành cho việc sinh hoạt văn nghệ của học sinh. Giáo viên âm nhạc có thể kết hợp với giáo viên chủ nhiệm đưa các bài dân ca vào nội dung sinh hoạt.

Nhà trường có thể thành lập các câu lạc bộ hát dân ca như "Em yêu làn điệu dân ca" dưới sự quản lí của Đoàn đội do 1 học sinh có năng khiếu làm đội trưởng.

Các câu lạc bộtổ chức sinh hoạt định kì vào chiều thứ 2 hàng tuần để tìm hiểu, học hát và đặt lời mới cho các làn điệu dân ca.

Nhà trường cũng cần có biện pháp khuyến khích, động viên những em này. Từ đó, các em chính là những hạt nhân nuôi dưỡng và phổ biến văn hoá dân tộc.

Một biện pháp khá hiệu quả là giáo viên cho học sinh biết thời gian chương trình Các làn điệu Việt trên truyền hình, hướng dẫn học sinh cách nghe, ghi nhớ. Hôm sau giáo viên kiểm tra và hướng dẫn tiếp cho các em thuộc và biết cách hát đúng, hát hay các làn điệu dân ca phù hợp với tâm lí lứa tuổi.

“Tuy nhiên, hình thức này chỉ áp dụng dạy cho các học sinh có năng khiếu và thực sự yêu thích dân ca” - Cô Thủy lưu ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ