Để hoạt động sinh viên tình nguyện hữu ích và an toàn

GD&TĐ - Với sức mạnh và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, các hoạt động thanh niên tình nguyện mang luồng gió tri thức mới đến với khu vực không thuận lợi, đặc biệt là vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa.

Để hoạt động sinh viên tình nguyện hữu ích và an toàn

Tuy nhiên việc tổ chức hoạt động tình nguyện cần phải khảo sát kĩ lưỡng để vừa đáp ứng thiết thực nhu cầu địa phương, vừa bảo đảm an toàn cho thành viên đoàn tình nguyện.

Cùng với sự chỉ đạo của các cấp Đoàn, sự hỗ trợ của địa phương, các phong trào sinh viên tình nguyện ngày càng có nhiều hoạt động mang lại hiệu quả và ý nghĩa.

Đặc biệt các hoạt động tình nguyện hướng trọng tâm vào giúp đỡ các huyện nghèo, xã nghèo như: Thường xuyên tổ chức tặng quà thăm hỏi các gia đình chính sách, lao động dọn dẹp cải tạo cảnh quan địa phương, tổ chức hoạt động hè cho thiếu niên, nhi đồng, giúp đỡ các gia đình khó khăn việc đồng áng mùa vụ, góp công xây nhà làm đường, tổ chức chương trình Mùa đông ấm, ủng hộ sách vở, đồ dùng sinh hoạt và tiền mặt cho những địa phương gặp khó khăn, vùng sâu, vùng xa... các hoạt động đều được người dân, chính quyền địa phương hưởng ứng giúp đỡ và tạo mọi điều kiện để hỗ trợ tổ chức.

Để tăng hiệu quả hoạt động tình nguyện, công tác tổ chức cần được chuẩn bị chu đáo và bài bản. Trước hết cần tổ chức tập huấn kiến thức, kĩ năng cho các tình nguyện viên, tổ chức các bài test, các tình huống thực tế khi tham gia tình nguyện.

Nâng cao tinh thần học hỏi, bồi dưỡng kĩ năng của cán bộ lãnh đạo, các thành viên. Thường xuyên đánh giá chất lượng, hiệu quả các chương trình tình nguyện, cắt giảm các hoạt động nhỏ dồn lại tổ chức các chương trình thực sự quy mô, có tính lan tỏa. Khuyến khích các mô hình, giải pháp ý kiến sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động của đội.

Ngoài ra, cần phải có các biện pháp quản lí chặt chẽ, đầu tiên đội phải xây dựng quy chế chặt và hoàn thiện liên tục cho phù hợp với tình hình thực tế.

Lên kế hoạch chi tiết cụ thể trước mỗi chuyến đi, tính toán các phương án, mua sắm cơ sở vật chất, tiền trạm địa phương. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong suốt thời gian diễn ra chương trình.

Cũng rất cần thiết liên tục bồi dưỡng kĩ năng cho các thành viên thông qua các buổi họp, các chương trình tọa đàm, dã ngoại, thực tế nhằm tạo hành trang tốt cho thành viên trước mỗi chuyến đi.

Bên cạnh triển khai mở rộng hoạt động tình nguyện đáp ứng đúng nhu cầu của địa phương, cần đặc biệt coi trọng bảo đảm an toàn tuyệt đối về sức khỏe, tính mạng cho thành viên đi tình nguyện.

Cần phân công bố trí một tổ phụ trách an toàn, giám sát chung, san sẻ vai trò quản lí với Ban chủ nhiệm trong quá trình tham gia tình nguyện.

Mỗi tổ chức cần phải có một tủ thuốc được đầu tư bài bản, thường xuyên bổ sung các cơ số thuốc thiết yếu sử dụng trong các chuyến đi, được quản lí, bảo quản riêng biệt.

Sinh viên cần được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn như kỹ năng ứng phó với thiên tai để tránh sự cố thiên tai, đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong đoàn khi tham gia hoạt động xa trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ