Thiếu kinh phí
Ở lớp 1, Chương trình GDPT 2018 quy định thời lượng dạy các môn chính khóa là 25 tiết/tuần, các môn tự chọn 2 tiết/tuần và yêu cầu nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần) trừ những trường chưa đủ các điều kiện để tổ chức.
Hiện tại, theo hướng dẫn kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày của Bộ GD&ĐT (Công văn số 10176/TH ngày 7/1/2000), đa số các nhà trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo thời khóa biểu: Sáng 4 tiết, chiều 3 tiết. Thời gian còn lại sau khi học các tiết chính khóa (QĐ: 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/5/2006 của Bộ GD&ĐT) các nhà trường sử dụng cho việc ôn tập Toán, Tiếng Việt, hướng dẫn tự học, dạy một số tiết Giáo dục kỹ năng sống (GDKNS), tổ chức một số hoạt động trải nghiệm… Từ năm học 2020 - 2021, theo tinh thần đổi mới của chương trình giáo dục, nội dung dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; quy định về thời lượng dạy các môn học chính khóa và tự chọn ở các khối lớp rất rõ ràng. Chính vì vậy mà việc đưa thêm các tiết ôn tập Toán, ôn tập Tiếng Việt, ôn tập Tiếng Anh, hướng dẫn tự học… như hiện nay sẽ không còn phù hợp với yêu cầu của đổi mới.
Mặt khác, Công văn 3866/BGD&ĐT ngày 26/8/2019 hướng dẫn chuẩn bị tổ chức dạy học lớp 1 năm học 2020 - 2021 mặc dù có nêu, “hoạt động sau thời gian học chính khóa trong ngày là hoạt động theo nhu cầu, sở thích, hứng thú của HS trong khoảng thời gian sau giờ học chính thức cho đến thời điểm được cha mẹ HS đón HS về nhà” nhưng chưa hướng dẫn nội dung tổ chức một cách cụ thể. Nếu tổ chức các hoạt động này đòi hỏi nhiều thời gian, công sức chuẩn bị, kinh phí tổ chức... nhiều trường sẽ không thực hiện được, chưa nói đến việc tổ chức thường xuyên. Tổ chức các hoạt động dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ chưa chắc đã gây hứng thú cho số đông học sinh lớp 1.
Thu - chi thế nào?
Có ý kiến cho rằng: Tổ chức các hoạt động này là trách nhiệm của nhà trường, của GV và cha mẹ HS theo luật đã quy định nên không phải trả tiền cho người hướng dẫn, không thu tiền của cha mẹ HS. Chỉ chi trả kinh phí để mua sắm các dụng cụ, đầu tư về CSVC phục vụ trực tiếp cho việc tổ chức các hoạt động. Kinh phí có được từ nguồn ngân sách và nguồn huy động tài trợ tự nguyện cho từng hoạt động cụ thể.
Tuy nhiên, việc vận động và sử dụng kinh phí từ nguồn tài trợ tự nguyện cũng không đơn giản. Tại Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT, Điều 3: Nội dung vận động và tiếp nhận tài trợ quy định:
1. Cơ sở giáo dục được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung sau:
a) Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục;
b) Hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục.
2. Không vận động tài trợ để chi trả: Thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư số 14/2014/TT-BGD ĐT ngày 28/2/ 2014 và một số văn bản hiện hành khác thì nhà trường được thu tiền và trả chi trả cho các hoạt động này (gồm thù lao cho người hướng dẫn, giảng dạy).
Do đó, chúng tôi kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành sớm văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung này một cách cụ thể và kịp thời, để các nhà trường có cơ sở thực hiện cho đúng.
“Việc tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống,các hoạt động ngoài giờ chính khóa không thuộc chương trình, kế hoạch giáo dục do các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thực hiện theo Thông tư số 14/2014/TT-BGD ĐT ngày 28/2/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo...”
- (Mục II, Công văn số 36866)