Cơ sở tạo bước chuyển mạnh mẽ chất lượng giáo dục
Chia sẻ của ông Nguyễn Văn Định - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp - từ Nghị quyết Đại hội XIII, có thể thấy Đảng ta đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt… trên cơ sở tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng GD-ĐT, gắn với tuyển dụng, đãi ngộ nhân tài.
“Chiếu Lập học (năm 1788) đã viết: “Dựng nước lấy dạy học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc”. Có thể khẳng định rằng, Đại hội XIII đã giao cho ngành Giáo dục và Đào tạo trách nhiệm rất nặng nề nhưng hết sức vẻ vang.
Lần đầu tiên, một loạt các yêu cầu cao, yêu cầu nghiêm túc về việc phát triển nguồn nhân lực được đặt ra mạnh mẽ như thế. Không chỉ duy trì nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực mà còn tập trung thật mạnh cho nguồn lực chất lượng cao, trong đó chú trọng nhân lực lãnh đạo, quản lý và nhân sự cho các lĩnh vực then chốt.” – ông Nguyễn Văn Định nhận định.
Tâm đắc khi Đảng nhấn mạnh, coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng lực lượng lãnh đạo, quản lý, theo ông Nguyễn Văn Định, đây sẽ là lực lượng tinh hoa để dẫn dắt xã hội, quyết định sự phát triển đột phá cho đất nước trong tương lai. Nhưng không phải ai cũng có thể làm lãnh đạo và không phải ai cũng trở thành quản lý giỏi. Đó phải là quá trình lựa chọn, sàng lọc, đào tạo, bồi dưỡng… công phu.
Trách nhiệm này trước hết thuộc về ngành Giáo dục và Đào tạo. Vì thế, Giáo dục và Đào tạo cần không ngừng giúp Đảng ta phát hiện, đào tạo, nuôi dưỡng các thế hệ tuổi trẻ đủ đức đủ tài, để từng bước tham gia vào các lĩnh vực. Bên cạnh duy trì thật tốt giáo dục đại trà, phổ cập giáo dục toàn dân… thì giáo dục mũi nhọn, đào tạo chất lượng cao cũng phải song hành.
“Coi trọng hiền tài, có chiến lược đặc biệt để phát hiện đúng, bồi dưỡng phù hợp, phát huy tốt năng lực người tài… luôn là trách nhiệm quan trọng của các thế hệ lãnh đạo; trong đó, ngành Giáo dục và Đào tạo luôn giữ vai trò then chốt. Nhân dân luôn tin tưởng và kỳ vọng Đảng ta không ngừng đào tạo nhiều thế hệ cán bộ giỏi về lý luận, giàu thực tiễn, có đạo đức, nhiều tâm huyết, hết lòng vì nước vì dân, suốt đời phấn đấu vì sự lớn mạnh, hùng cường của đất nước.” – ông Nguyễn Văn Định nhấn mạnh.
Cần đầu tư cho giáo dục đúng với chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu
Chuyên gia Nguyễn Văn Cường, ĐH Potsdam (CHLB Đức) cho rằng: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là những văn bản định hướng đặc biệt quan trọng cho việc phát triển đất nước trong giai đoạn tiếp theo, bao gồm giáo dục và đào tạo.
Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII đưa ra định hướng cho mục tiêu phát triển giáo dục là tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.... Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2015 đã xác định các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ.
Nghị quyết Đại hội XIII xác định một trong các khâu đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ đại hội XIII là: Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài...
Nhận định của ông Nguyễn Văn Cường, xác định phát triển nguồn nhân lực là một đột phá chiến lược là quyết định sáng suốt, đầy trí tuệ của Đại hội XIII. Chất lượng nguồn lực con người ngày càng mang tính quyết định trong việc phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong hợp tác và cạnh tranh quốc tế ngày nay.
Khẳng định giáo dục có vai trò quyết định trong nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực quốc gia, để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội và những định hướng từ văn kiện Đại hội XIII, từ góc độ khoa học giáo dục, theo ông Nguyễn Văn Cường, cần chú ý một số yếu tố sau đây:
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cần dựa trên nền tảng nâng cao chất lượng đồng bộ từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Giáo dục là khoa học và thực tiễn. Tăng cường chất lượng giáo dục cần dựa trên nền tảng kiến thức khoa học hiện đại, gắn tri thức với thực tiễn cuộc sống, đồng thời cần đổi mới mạnh mẽ quản lý giáo dục, tăng cường tính tự chủ nhằm đáp ứng những đòi hỏi của đổi mới giáo dục ở các cơ sở giáo dục.
Nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục phổ thông trong giai đoạn 5 năm tới là tiếp tục triển khai và bảo đảm chất lượng việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực trên nền tảng của giáo dục toàn diện. Đội ngũ giáo viên cần được trang bị năng lực phát triển chương trình giáo dục của nhà trường, có khả năng lựa chọn và tinh giản nội dung dạy học, không phụ thuộc vào một cuốn sách giáo khoa duy nhất.
Mô hình nhà trường phổ thông cần thay đổi mang tính đột phá để phù hợp với yêu cầu giáo dục trong bối cảnh mới. Nhà trường cần chuẩn bị cho học sinh vào cuộc sống tương lai luôn thay đổi. Những đặc điểm cơ bản của trường học của tương lai là: chuyển đổi số, phát triển phẩm chất và năng lực của công dân thế kỷ 21, học sinh học tập tích cực và tự chủ, giáo viên là người điều phối, không gian học tập linh hoạt, lãnh đạo nhà trường và giáo viên có năng lực đổi mới.
Hệ thống trường tư thục cần được khuyến khích phát triển nhằm đáp ứng những nhu cầu đa dạng, tăng cường xã hội hóa giáo dục. Mặt khác hệ thống trường công vẫn cần giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn dân, toàn diện, công bằng cơ hội và mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội.