Phát triển nguồn nhân lực cao: Giáo dục đóng vai trò then chốt

GD&TĐ - Đại biểu tham dự Đại hội XIII của Đảng ghi nhận và hoan nghênh những kết quả đã đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 29 NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu cốt lõi trong đổi mới đáp ứng thời đại công nghệ số. Ảnh minh họa
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là yêu cầu cốt lõi trong đổi mới đáp ứng thời đại công nghệ số. Ảnh minh họa

Đại biểu đồng thời tán thành với chiến lược đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trong đó nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của ngành Giáo dục.

Tâm đắc thành quả của GD-ĐT

GS.TS Phạm Hồng Quang – Giám đốc ĐH Thái Nguyên ghi nhận: Những năm qua, GD-ĐT góp phần quan trọng vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Cũng theo GS.TS Phạm Hồng Quang, phát triển con người và coi trọng con người là một trong ba điểm quan trọng nhất trong chiến lược phát triển bền vững. Nội dung này gần như được bao trùm trong toàn bộ các Văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Con người cùng với khoa học công nghệ là mục tiêu, động lực của sự phát triển và trở thành chiến lược phát triển bền vững của đất nước.

Với trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học, GS.TS Phạm Hồng Quang cho biết: ĐH Thái Nguyên xác định ba nhiệm vụ trọng tâm là: Coi trọng chất lượng đào tạo, chú trọng các chương trình đào tạo được cập nhật theo chuẩn quốc tế. Chuyển giao khoa học công nghệ thành công; tạo lan tỏa và ảnh hưởng tốt tới thị trường lao động, đặc biệt là khu vực miền núi phía Bắc. Tư vấn chính sách có hiệu quả, làm sao để năng lực, trí tuệ của trường đại học trở thành bộ phận không thể tách rời trong phát triển kinh tế, xã hội của vùng và của đất nước.

Giải quyết những điểm nghẽn trong phát triển KTXH

Theo Đại biểu Đỗ Đức Duy – Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định từ Đại hội XI, XII của Đảng và đến Đại hội lần thứ XIII, vấn đề này được xác định là khâu đột phá quan trọng, nhằm giải quyết những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, xã hội. Trong phát triển nguồn nhân lực, chúng ta đang ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và công nghệ số.

Theo đó, yêu cầu đặt ra với nguồn nhân lực càng cấp bách và đòi hỏi cao hơn. Khi đánh giá về hiệu quả của việc đổi mới, cơ cấu lại mô hình kinh tế tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố hàng đầu. Đây cũng là giải pháp quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh chúng ta đã và đang hội nhập sâu rộng với thế giới.

Đặt vấn đề về vai trò của ngành Giáo dục trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái khẳng định: GD-ĐT có vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu chiến lược này. Từ giáo dục phổ thông (đầu vào của nguồn nhân lực) cho đến giáo dục đại học, giáo dục nghề đều có những đóng góp tích cực trong đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế. Vì thế, ngành Giáo dục đóng vai trò quan trọng.

Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn – Đoàn khối các Cơ quan Trung ương, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn - cho biết: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sẽ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó có nội dung trọng tâm là tham gia đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Theo đó, sẽ tập trung vào  đề án: Phát triển tin học, ngoại ngữ cho thanh niên Việt Nam; Bổ trợ kĩ năng, kiến thức năng lực, phương pháp học tập, học liệu. Đây là yếu tố không thể thiếu trong quá trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, thông qua các hoạt động của Đoàn, Hội nhằm trang bị cho thanh niên nhận thức, phương pháp kĩ năng thực hành xã hội, làm việc nhóm để các bạn tham gia vào quá trình hội nhập tốt nhất. Đồng thời, phát huy năng lực thanh niên tiên tiến, tài năng để  trở thành đầu tàu, lôi kéo thanh niên khác tham gia vào phát triển kinh tế. Song điều quan trọng nhất vẫn là tự học, tự trang bị năng lực, kĩ năng cho bản thân để mỗi thanh niên đều có thể trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Theo Đại biểu Nguyễn Văn Hòa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum, muốn đất nước phát triển, cần xác định con người là yếu tố trọng tâm và then chốt. Theo đó, phải gắn với GD-ĐT, để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài cho đất nước. Vì vậy, giáo dục phải tiếp tục  là “Quốc sách hàng đầu”. Trên tinh thần đó, cần đổi mới hơn nữa, nhìn nhận sâu sát, thực tiễn và khách quan hơn về GD-ĐT; tạo động lực để sự nghiệp giáo dục ngày càng đóng góp nhiều hơn nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ