Đề tài “Cơ sở khoa học xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” do PGS.TS Từ Thúy Anh (Trường ĐH Ngoại thương) thực hiện. Đề tài thuộc chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2016 – 2020.
Đến thời điểm này, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành: Báo cáo tổng hợp lý thuyết và mô hình xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực; Báo cáo kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam trong xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực; Báo cáo về cơ hội và thách thức của CMCN4.0 đối với nguồn nhân lực và đánh giá thực trạng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay.
Đề tài cũng hoàn thành Báo cáo đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 – 2020 và tác động của nguồn nhân lực tới sự phát triển kinh tế - xã hội; Báo cáo dự báo xu hướng phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 trong bối cảnh CMCN 4.0 hiện nay; Báo cáo cơ sở khoa học để xây dựng Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 trong bối cảnh CMCN 4.0 hiện nay.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu cũng cho biết đã thực hiện được các bài báo, sách chuyên khảo và các sản phẩm khác; Các nội dung, công việc đang được thực hiện; Các nội dung, công việc chưa thực hiện; Đồng thời đề xuất các nội dung công việc tiếp tục cắt giảm trong điều kiện kinh phí hạn chế.
Phát biểu ý kiến, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ cùng nhóm nghiên cứu, trong điều kiện kinh phí nhà nước có hạn chế, cần phải tiết giảm chi phí chưa cần thiết.
Đề tài nghiên cứu có đủ kinh phí là tốt, nhưng với điều kiện kinh phí thiếu, việc gì làm được thì làm, vượt quá thì thôi, đã làm là phải khả thi. Điều gì cấp thiết, nhóm nghiên cứu cần hoàn thành, những gì chúng ta mong muốn làm nhưng chưa thực hiện được thì mong Trường ĐH Ngoại thương hợp tác chia sẻ thông tin từ những hoạt động đào tạo, nghiên cứu khác.
Thứ trưởng đánh giá, nội dung đề tài là cấp thiết, đạt được nhiều mục tiêu, xây dựng khung chiến lược phát triển GD-ĐT, KHCN, nội dung còn lại có tính khả thi cao, cơ bản đã hoàn thành, đã có biến chuyển tốt. Tuy nhiên, chất lượng đi theo số lượng, nhóm nghiên cứu cần xem xét căn cứ vào thuyết minh, xem sản phẩm đạt được bao nhiêu phần trăm, kết quả làm được cần biên tập lại có tính hệ thống và thuyết phục.
Hoạt động tiếp theo cần cắt giảm các tọa đàm, hội thảo xin ý kiến. Các ý kiến cần thiết trong hoạt động, nên kết hợp để có thêm quan điểm của đại biểu trong nước thông qua hoạt động của trường.
Trong thời gian tới, Thứ trường yêu cầu: Đề tài cần chú trọng nâng cao chất lượng, tập trung vào lĩnh vực GD Đại học trong đó có nhiệm vụ đào tạo mới và đào tạo lại; Tham khảo những số liệu đã công bố chính thức của tổ chức trong và ngoài nước, để từ đó đưa ra nhận định thực trạng có tính thuyết phục hơn; Hoàn thiện nội dung báo cáo sao cho gọn hơn, đảm bảo tính khoa học, đứng về phía người sử dụng, nơi sử dụng đặt hàng nghiên cứu.