Chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi với chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội được triển khai từ ngày 1/4/2023, thời điểm Ngân hàng Nhà nước có văn bản hướng dẫn chỉ đạo các ngân hàng triển khai.
Theo thông tin của Bộ Xây dựng tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 6 vừa qua, gói tín dụng này chưa giải ngân đồng nào. Bộ Xây dựng cho biết đã liên hệ trực tiếp với các địa phương và các chủ đầu tư và thấy rằng nguyên nhân chủ yếu do các dự án mới đang ở trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư.
Thực tế, từ khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản hướng dẫn triển khai và từ khi Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi… đến nay cũng mới 2 - 3 tháng. Trong thời gian ngắn như thế, việc chưa giải ngân đồng nào cũng dễ hiểu.
Tuy vậy, diễn biến này cũng đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để gói tín dụng giải ngân hiệu quả, qua đó hỗ trợ người dân cải thiện chỗ ở và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; để không đi vào vết xe đổ của chính sách hỗ trợ lãi suất 2% hoặc tránh bị “ế vốn” như gói 15.000 tỉ đồng cũng cho cá nhân vay để mua, thuê nhà ở xã hội trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội?
Để giải ngân hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, cần phải tháo gỡ khó khăn cho cả doanh nghiệp thực hiện dự án và người mua nhà ở xã hội – đây chính điều kiện cần.
Theo đó, phải nhanh chóng cải thiện nguồn cung nhà ở xã hội thông qua việc giảm bớt thủ tục và tháo gỡ các khó khăn trong triển khai dự án. TP Đà Nẵng đang triển khai thủ tục để kêu gọi đầu tư 4 dự án nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, thủ tục, thời gian lựa chọn chủ đầu tư còn phức tạp, kéo dài. Trường hợp có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm phải gần 1 năm mới chọn được.
Trường hợp có 2 nhà đầu tư trở lên thì phải mất gần 2 năm. Nếu địa phương cứ mất 1 - 2 năm mới chọn được chủ đầu tư thì tiến độ giải ngân chắc chắn sẽ bị chậm theo.
Đối với người mua, cần rà soát lại những quy định về điều kiện được mua nhà ở xã hội, sửa đổi cho phù hợp với thực tế hơn. Ví dụ, điều kiện về cư trú và điều kiện về thu nhập thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp trong bối cảnh giá nhà ngày một tăng cao như hiện nay.
Cùng với đó, điều kiện đủ quan trọng không kém để giải ngân hiệu quả gói tín dụng này, đó là thủ tục cho vay của các ngân hàng phải đơn giản, gọn nhẹ và thuận tiện cho cả doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội và người mua.
Nếu thiếu điều kiện cần và đủ nói trên, mục tiêu có 1 triệu nhà ở xã hội vào năm 2030 sẽ khó thành hiện thực và giấc mơ an cư lạc nghiệp của người lao động mãi mãi xa vời. Kéo theo đó, hiệu lực, hiệu quả của liều thuốc này với thị trường bất động sản chắc chắn không được như kỳ vọng!