Tại cuộc họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, từ đầu năm đến nay Ngân hàng Nhà nước đã tập trung triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện cho thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu.
Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm, tốc độ tăng tín dụng của kinh doanh bất động sản tính đến nay rất cao, lên tới 9,78%. Trong khi đó, tín dụng chung của nền kinh tế tăng 3,24%.
Thêm vào đó, việc giảm lãi suất cũng là một trong những chính sách rất quan trọng, có ý nghĩa thiết thực giúp các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm lãi suất điều hành, tạo định hướng cho các ngân hàng thương mại trong việc giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay.
Cụ thể, lãi suất huy động chung của tất cả các tổ chức tín dụng giảm 1 - 1,2%, lãi suất cho vay chung của các ngân hàng trong cả hệ thống giảm khoảng 0,5 - 0,65%. Riêng các ngân hàng thương mại nhà nước, mức giảm tích cực hơn. Đây cũng là những ngân hàng chủ lực, có vai trò định hướng thị trường, phần lãi suất huy động trung bình giảm từ 1 - 1,5%, lãi suất cho vay giảm từ 1,5 -2%.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có nhiều chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay lĩnh vực bất động sản; trừ một số lĩnh vực bất động sản đầu cơ cần kiểm soát chặt chẽ rủi ro. Còn lại, tập trung hỗ trợ cho vay phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở có giá trị thương mại thấp, kể cả chủ đầu tư dự án sản xuất, xây dựng các dự án bất động sản và người có nhu cầu mua nhà ở giá trị thấp; gói 120.000 tỷ đã được kích hoạt từ 01/04/2023 cũng đã tạo ra hiệu ứng chung cho thị trường.
Trong 4 tháng đầu năm, tốc độ tăng tín dụng của kinh doanh bất động sản tính đến nay rất cao, lên tới 9,78%. (Ảnh minh họa) |
Đặc biệt, với Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023, các khoản nợ đến hạn, các khoản trả lãi đến hạn của người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn chưa có điều kiện trả nợ ngân hàng được tiếp tục giãn, hoãn thời hạn trả nợ và không bị chuyển nhóm nợ.
Đây là một chính sách rất kịp thời, có tác dụng hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay còn đang gặp nhiều khó khăn do tác động của nền kinh tế thế giới, cung ứng nguồn hàng, việc tiêu thụ sản phẩm đình trệ.
Đối với tín dụng bất động sản, Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ siết tín dụng bất động sản, mà chỉ kiểm soát chặt chẽ rủi ro vào một số lĩnh vực bất động sản đầu cơ. Do đó, việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, dự án bất động sản hoàn toàn do các tổ chức tín dụng quyết định trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng.
Liên quan đến đề xuất nới room tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, trong những năm qua, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản thường cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế - ngay cả trong quý I vừa qua khi tín dụng tăng trưởng chậm.
Động thái này nhằm cho phép các doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, đồng thời người mua nhà cũng có điều kiện vay vốn để mua nhà.