Doanh nghiệp vẫn 'ngao ngán' dù lãi suất tín dụng 'bớt nóng'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dù NHNN đã có chỉ đạo về việc giảm lãi suất, song trên thực tế vẫn còn những khó khăn trong quá trình doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại gặp nhiều khó khăn về tài sản, vốn chủ sở hữu, rất khó tiếp cận vốn ngân hàng.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại gặp nhiều khó khăn về tài sản, vốn chủ sở hữu, rất khó tiếp cận vốn ngân hàng.

Hạ nhiệt lãi suất

Cuối tháng 3, đầu tháng 4, NHNN tiếp tục điều chỉnh giảm một số mức lãi suất điều hành. Cụ thể: Giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6%/năm xuống 5,5%/năm; giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ 1%/năm xuống 0,5%/năm; giảm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 6%/năm xuống 5,5%/năm; trong khi lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng (TCTD) ấn định trên cơ sở cung cầu vốn thị trường.

Theo số liệu từ NHNN, tính đến ngày 28/3, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,17% so với cùng kỳ năm 2022, thời điểm nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tăng trưởng tín dụng ở mức không cao, nguyên nhân là do những lĩnh vực trọng điểm, động lực tăng trưởng của nền kinh tế như xuất khẩu, đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo... suy giảm, dẫn đến nhu cầu tín dụng thấp.

Ngoài ra, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm đã ảnh hưởng đến nhu cầu tín dụng thực tế.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Tư vấn tài chính FIDT cho rằng, động thái hạ lãi suất điều hành của NHNN cho thấy chính sách tiền tệ sẽ không tiếp tục thắt chặt và sẽ trở lại hỗ trợ nền kinh tế.

“Giai đoạn xấu nhất về lãi suất đã qua, nhưng dư địa để dùng công cụ chính sách tiền tệ trong năm nay là không quá lớn và dư địa hỗ trợ lớn sẽ nằm trong tay chính sách tài khóa”, ông Tuấn nhận định.

Để chính sách giảm lãi suất điều hành phát huy tác dụng và nhất là có điều kiện giảm tiếp lãi suất khác như: Lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay trung dài hạn... trên diện rộng, chuyên gia kiến nghị cần đẩy nhanh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém và thanh khoản còn mỏng nhằm giảm thiểu việc cạnh tranh tăng lãi suất không lành mạnh.

Muốn kéo mặt bằng lãi suất xuống, các chuyên gia ngân hàng góp ý NHNN cần sớm có cơ chế để khơi thông thị trường cho vay liên ngân hàng. Hay nói cách khác, NHNN có cơ chế để các ngân hàng có vốn Nhà nước cho các ngân hàng đang huy động lãi suất cao trên thị trường vay và với mức lãi suất hợp lý.

Ông Nguyễn Kim Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam, cũng là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kim Nam cho hay, việc NHNN hạ lãi suất kịp thời đã tạo niềm tin cho doanh nghiệp, nhưng chưa thể tác động tích cực ngay đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, do việc tiếp cận vốn trên thực tế vẫn rất khó khăn.

“Lãi suất giảm là rất đáng hoan nghênh, song tiếp cận vốn mới là vấn đề quan trọng hàng đầu, đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Tăng trưởng tín dụng quý I năm nay thấp hơn nhiều so với năm ngoái là minh chứng cho thấy, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu đi. Đây là điều cần quan tâm để ban hành thêm các chính sách phù hợp, cộng hưởng với lãi suất hạ, thì mới có thể hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Hùng nhận định.

Theo ông Hùng, Luật Các tổ chức tín dụng quy định rõ về chuẩn cho vay, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại nâng cao tiêu chuẩn quản trị rủi ro. Trong khi đó, các doanh nghiệp SME lại gặp nhiều khó khăn về tài sản, vốn chủ sở hữu, rất khó tiếp cận vốn ngân hàng.

Chính vì vậy, bên cạnh khuyến nghị doanh nghiệp chủ động cải thiện vốn chủ sở hữu, năng lực quản trị để tạo niềm tin cho ngân hàng, NHNN cần có chính sách riêng cho nhóm doanh nghiệp SME, cho phép áp dụng chuẩn riêng khác chuẩn vay thông thường, thì doanh nghiệp mới có thể tiếp cận vốn.

Những hạn chế, tồn đọng

Ông Trần Đình Tài, Giám đốc một công ty chuyên về dệt may tại Hà Nội cho biết, hiện doanh nghiệp đi vay với lãi suất khoảng 11 - 12%/năm, mức này đã giảm 2% so với trước. “Tuy nhiên, mức giảm này vẫn rất cao, đặc biệt với các doanh nghiệp vay ngắn hạn”, vị lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận.

Theo ông Tài, hiện nay tình hình đơn hàng với các doanh nghiệp trong ngành dệt may đang rất khó khăn. Tuy nhiên, nhờ chủ động mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu mới, đồng thời tổ chức sản xuất thêm các đơn hàng giá rẻ nên doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng đến hết quý III.

Phát biểu tại Hội nghị “Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh”. Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, thừa nhận thực tế nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khi vay vốn ngân hàng thì không đủ chuẩn, thiếu minh bạch tài chính, phương án kinh doanh không khả thi.

“Đây là những hạn chế không thể sửa ngay, cần phải có thời gian bởi đa phần các doanh nghiệp này bắt nguồn từ hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, kiến thức về nghiệp vụ tài chính còn hạn chế” bà Ngân chia sẻ.

Bà Ngân kiến nghị, để tạo thuận lợi cho tiếp cận nguồn vốn thì các ngân hàng có thể linh hoạt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay những gói tín dụng nhỏ.

Ông Hoàng Minh Nhật, Giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhật cho biết, doanh nghiệp ông chuyên về lúa gạo, xay xát, chế biến xuất khẩu. Doanh thu một năm khoảng 1.000 tỷ đồng.

“Tôi thấy, chủ trương về phía ngân hàng đã có. Vấn đề mấu chốt ở đây ngân hàng cũng là một doanh nghiệp nên có chuẩn vay để đảm bảo thu hồi vốn. Với chuẩn vay của ngân hàng, doanh nghiệp chưa đạt được.

Đặc biệt với ngành hàng lúa gạo nông sản, các sản phẩm nông sản ĐBSCL có tính chất thời vụ. Do đó khi doanh nghiệp có nhu cầu thời vụ lại gặp khó khăn. Tôi mong NHNN xem xét để tháo gỡ điểm thắt này”, lãnh đạo doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.