Giáo viên phải chủ động
Trong thời gian này, việc dạy và học online đã được ghi nhận là giải pháp tích cực giúp HS củng cố kiến thức và tiếp cận những bài giảng của thầy cô.
Là một trong những trường phổ thông áp dụng sớm và hiệu quả việc dạy học trực tuyến ngay từ khi HS phải nghỉ học, thầy Lê Bá Ngọc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Tiền Giang) cho biết: Ban Giám hiệu và GV Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu đã nghiên cứu các phần mềm để đưa vào giảng dạy online cho HS. Với hệ thống E-leaning (hoặc các phần mềm của VNPT, của Viettel), thầy cô có thể kiểm tra được việc học tập ở nhà của học sinh thông qua hình thức giao nhiệm vụ học tập và kiểm tra mức độ hoàn thành của các em.
Song song với đó, GV sử dụng phần mềm Zoom hoặc các phần mềm khác có tương tác trực tiếp qua màn hình để giảng dạy hoặc sửa bài cho HS.
“Để việc dạy trực tuyến có chất lượng, Ban Giám hiệu nhà trường họp trực tuyến với tổ trưởng chuyên môn. Các tổ bộ môn thống nhất nội dung hệ thống hóa kiến thức, giao nhiệm vụ học tập, ôn tập cho HS đồng thời tiến hành giảng dạy. Thông qua hệ thống Vn.edu, nhà trường tuyên truyền đến phụ huynh về việc tổ chức dạy học online để phụ huynh biết, phối hợp nhắc nhở, động viên các con tích cực học tập”, thầy Lê Bá Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, việc dạy học trực tuyến được thực hiện từ sớm và thực sự đi vào nền nếp. Trong mỗi buổi dạy, các giáo viên đều điểm danh HS, cuối mỗi buổi học việc báo cáo sĩ số được duy trì.
Những HS vắng hay vào muộn đều được kịp thời thông báo cho phụ huynh. Trường hợp HS không đủ điều kiện tham gia học trực tuyến tại nhà (do thiếu cơ sở hạ tầng về mạng Internet, máy tính), nhà trường sẽ bố trí cho các em học tại trường.
Nhà trường không để HS tập trung đông trong cùng một phòng, bảo đảm khoảng cách an toàn giữa các HS. Nhằm bảo vệ sức khỏe chung, trước khi vào học tại trường, các em được nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt.
Bí quyết dạy và học hiệu quả
Thầy Nguyễn Thành Trung, GV Toán, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Tiền Giang) cho biết, GV của trường đều đã ứng dụng thành thạo phần mềm Zoom vào dạy online. Phần mềm này có sự tương tác cao, giáo viên kiểm soát được mức độ tham gia của HS, chia sẻ các nội dung dạy học, cung cấp tài liệu…
Đối với bài dạy trắc nghiệm, HS sẽ làm và nhắn tin riêng đáp án cho thầy cô nên GV kiểm soát được kết quả đúng/sai. GV có thể hỏi cách làm, HS trả lời ngay. Thầy cô có thể chia sẻ lời giải và đáp án cho các em để cùng xem và rút kinh nghiệm.
Theo thầy Nguyễn Thành Trung, quá trình giao đề kiểm tra, các GV sẽ sử dụng phần mềm iSpring Suite (tích hợp trong PowerPoint) để soạn dưới dạng E-Learning (câu hỏi dạng Quiz) rồi đăng lên website. Vì vậy, thầy cô có thể kiểm soát thời gian làm bài từng câu hỏi hoặc toàn bài kiểm tra, đồng thời gửi điểm cho từng học sinh. Thầy cô đều có thể thống kê điểm của HS dễ dàng qua phần mềm này.
Theo cô Trần Thủy Tiên, GV Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu: “Để thu hút sự tương tác của các em, bài giảng phải được thiết kế và chọn lọc kỹ, không thể quá dễ, thấp hơn trình độ của HS.
Song song với đó trong quá trình thực hiện tiết dạy, GV cần có bộ câu hỏi, kịch bản chuẩn bị sẵn để hỏi các em. Sẽ có câu hỏi dành cho cả lớp, có câu hỏi dành cho HS xung phong và câu hỏi dành cho một em bất kỳ. Thầy cô cũng phải động viên, khen ngợi kịp thời khi các em đóng góp xây dựng bài. Ngoài ra, việc thiết kế bài tập online dưới dạng trò chơi cũng tạo hiệu ứng rất tốt cho tiết học.
Cô Trần Thủy Tiên chia sẻ, với việc dạy học trực tuyến hiện nay, theo tiến độ chung của toàn khối, HS lớp 12 đã ôn tập được 4 chuyên đề ngữ pháp trên bài giảng SCORM. Bài giảng này được để trên trang E-Learning của trường, các em có thể xem lại, ôn lại bất cứ lúc nào.
HS cũng thực hiện được 2 đề tự luận nhỏ để ôn tập một số từ vựng và điểm ngữ pháp đã học. Đối với việc ôn tập cho Kỳ thi THPT quốc gia, chúng tôi đã thiết kế đề luyện tập bằng ứng dụng Google form, HS làm bài trước khi vào tiết học để thầy cô có thể kịp thời giải đáp thắc mắc.
Phải chuẩn bị trước
Là những HS đã tham gia tích cực việc học online thường xuyên, em Nguyễn Hồ Phương Thảo, HS lớp 9A1, Trường THCS Châu Văn Liêm, Cần Thơ chia sẻ: Khi không được tới trường học tập, em đã lựa chọn việc học trực tuyến để ôn luyện các kiến thức cho mình.
Ngoài việc làm các bài tập trên nhóm Zalo do các thầy cô gửi bài, em thường học trên các phần mềm dạy học trực tuyến mà thầy cô giới thiệu. Để học online được hiệu quả, trước khi học em thường đọc và soạn trước các câu hỏi trong SGK về bài học để khi online sẽ hiểu rõ hơn nội dung các kiến thức mà thầy cô dạy.
Thông thường, buổi sáng em sẽ học bài từng môn theo SGK với kế hoạch thời khóa biểu tự định, sau đó vào các phần mềm trực tuyến bổ trợ cho các môn học kết hợp với việc làm các bài tập trong sách giáo khoa. Buổi chiều em sẽ ưu tiên cho việc học ngoại ngữ, kết hợp làm toán bằng tiếng Anh. Buổi tối, em sẽ hoàn thiện thêm các bài tập mà thầy cô cho trên Zalo nhóm.
“Để học online thực sự hiệu quả, đòi hỏi mỗi học sinh phải có tinh thần tự giác và phân chia thời gian biểu hợp lý”, em Nguyễn Hồ Phương Thảo nói.