Để cuộc thi Khoa học kỹ thuật trở thành hoạt động mang tính chuyên môn cao

GD&TĐ -  Làm thế nào để cuộc thi Khoa học kỹ thuật không chỉ là một hoạt động phong trào, không chỉ là sân chơi dành cho một số ít học sinh, mà trở thành hoạt động mang tính chuyên môn cao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục theo yêu cầu mới?

Khen thưởng học sinh Trong Cuộc thi Khoa học-Kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học tại Thừa Thiên Huế năm học 2021-2022.
Khen thưởng học sinh Trong Cuộc thi Khoa học-Kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học tại Thừa Thiên Huế năm học 2021-2022.

Đặt ra câu hỏi này trong phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm Cuộc thi khoa học và kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học, ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, cách làm của địa phương, hướng tới mục tiêu nói trên.

Triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học quy chuẩn, bền vững

Việc tổ chức cho học sinh và giáo viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học là hết sức cần thiết, đặc biệt là trong định hướng đổi mới phương pháp dạy học, dạy học theo năng lực, phẩm chất của học sinh.

Với quan điểm này, ông Đặng Phước Mỹ cho biết, Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế đã tổ chức các lớp tập huấn cho tổ trưởng chuyên môn, lãnh đạo các trường về phương pháp nghiên cứu khoa học.

Từ đó đến nay, việc bồi dưỡng cho đội ngũ những người tham gia hoạt động này được chú ý đặc biệt và bồi dưỡng liên tục nhiều năm.

Sở GD&ĐT cũng đã tổ chức tập huấn lồng ghép hai nội dung hoạt động nghiên cứu khoa học của giáo viên và Cuộc thi Khoa học kỹ thuật của học sinh để giáo viên có thể hỗ trợ cùng thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học cho học sinh đúng quy định. Đây là tiền đề quan trọng giúp cho các nhà trường có điều kiện triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học một cách quy chuẩn và bền vững.

Đội ngũ các nhà khoa học tại ĐH Huế, các sở, ban, ngành có liên quan đã tích cực hỗ trợ nhiều mặt cho các trường phổ thông triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, thông qua website và các kênh thông tin khác như: Thư điện tử, hội thảo,… hỗ trợ cho các trường tuyên truyền, phổ biến đến tận giáo viên, học sinh, vì thế giúp đội ngũ có nhận thức đúng đắn về hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường; đồng thời tuyên truyền nội dung hoạt động nghiên cứu khoa học và Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học đến được với cộng đồng tại các địa phương.

Ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm Cuộc thi khoa học và kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học.

Ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm Cuộc thi khoa học và kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học.

Đưa hoạt động nghiên cứu khoa học vào kế hoạch năm học

Ông Đặng Phước Mỹ cũng cho biết, tại Thừa Thiên Huế, hoạt động nghiên cứu khoa học được đưa vào kế hoạch năm học của các đơn vị từ trường, phòng GD&ĐT và Sở GD&ĐT như một hoạt động bắt buộc hằng năm. Trong quá trình triển khai luôn chú ý đến việc hỗ trợ các trường về điều kiện cơ sở vật chất, tài chính và nguồn lực khoa học. Có hình thức động viên khuyến khích thích đáng bằng vật chất cũng như động viên bằng các chính sách khen thưởng trong khuôn khổ quy định.

Lồng ghép một số hoạt động có liên quan như: Tổ chức thi ý tưởng sáng tạo trong trường, thi hùng biện tiếng Anh,.. và kết hợp với các cuộc thi khác có liên quan do Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh tổ chức.

Các phòng GD&ĐT, các trường trung học đã chủ động xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học cho học sinh; quan tâm tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cơ sở. Ngoài việc Sở GD&ĐT tổ chức cho các đơn vị tham gia khảo sát ý tưởng sáng tạo dưới sự tham gia của các nhà khoa học ĐH Huế, các đơn vị cũng chủ động mời các nhà khoa học tham gia bảo trợ, giúp đỡ về khoa học, cũng như tận dụng được cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm của các trung tâm, viện nghiên cứu đóng trên địa bàn.

Trong quá trình tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh nói chung và Cuộc thi cấp cơ sở nói riêng, các đơn vị kịp thời tiến hành tổng kết, đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học và Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh, khen thưởng giáo viên hướng dẫn và học sinh có thành tích.

ĐH Huế và các trường, khoa, trung tâm thành viên luôn hỗ trợ tích cực trong các khâu, từ hướng dẫn nghiên cứu, thực hành thí nghiệm, tham gia hội đồng giám khảo, các hoạt động tập huấn; tạo điều kiện cho học sinh sử dụng các phòng thí nghiệm để thực hiện đề tài.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT sử dụng một phần kinh phí từ ngân sách nhà nước để tổ chức cuộc thi cũng như cử các đoàn tham dự Cuộc thi cấp quốc gia hằng năm; thực hiện chế độ ưu tiên, ưu đãi cho giáo viên hướng dẫn và học sinh khi có các công trình, dự án đạt giải tỉnh trở lên.

“Hoạt động nghiên cứu khoa học trong học sinh là một trong những hoạt động hữu ích và tác động rất lớn đến việc đổi mới phương pháp và tổ chức dạy học trong các trường phổ thông. Tuy nhiên, lúc khởi đầu cũng như việc duy trì cho được hoạt động này trong các trường gặp rất nhiều khó khăn.

Cần bền bỉ, thúc đẩy và hỗ trợ từ nhiều phía như: Chính sách vĩ mô từ Bộ GD&ĐT, việc liên kết giữa các nhà khoa học với các trường phổ thông, hỗ trợ học sinh tiến hành thí nghiệm đối với các thí nghiệm mà thiết bị chỉ có ở các phòng thí nghiệm đặc biệt,… mới mong duy trì hoạt động này lâu dài.” - ông Đặng Phước Mỹ chia sẻ.

Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế cùng Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ cho các đơn vị trường học thực hiện nghiêm túc kế hoạch hoạt động nghiên cứu khoa học và tổ chức cuộc thi Khoa học kỹ thuật hàng năm. Kế hoạch này được đưa vào kế hoạch đầu năm học của đơn vị, tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, tài chính, thiết bị giúp cho học sinh nghiên cứu khoa học. Việc phát động hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh được bắt đầu từ tháng 8 hằng năm và tổ chức Cuộc thi vào tháng 1 năm sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.