10 năm sân chơi chắp cánh ước mơ chinh phục khoa học kỹ thuật

GD&TĐ -  Sáng 5/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm Cuộc thi khoa học và kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học phát biểu tại hội nghị.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học phát biểu tại hội nghị.

Dấu ấn sau 10 năm

Báo cáo tổng kết 10 năm Cuộc thi khoa học và kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học, ông Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học được Bộ GD&ĐT tổ chức lần đầu vào năm 2013.

Từ đó đến nay, Cuộc thi được tổ chức mỗi năm một lần vào học kỳ 2 của năm học. Từ năm 2013 đến năm 2019, Cuộc thi được tổ chức tại hai điểm ở hai miền Bắc, Nam với số lượng tham dự là 4 - 6 dự án/đơn vị dự thi, và được tổ chức lần lượt ở các địa phương khác nhau.

Từ năm 2020, do tình hình có dịch Covid-19, Cuộc thi giảm quy mô về số lượng dự án tham dự (chỉ có 2 dự án/đơn vị dự thi; riêng đối với thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và đơn vị đăng cai tổ chức Cuộc thi được tham dự 4 dự án) nên Cuộc thi được tổ chức tại một địa phương trên cả nước.

Năm 2022, do điều kiện thực tế, Cuộc thi được tổ chức trực tuyến hoàn toàn. Các dự án tham dự Cuộc thi được tuyển chọn từ các cuộc thi cấp tỉnh, cấp trường (đối với các trường trung học trực thuộc trung ương, trực thuộc trường đại học, đại học).

Biểu đồ thống kê số lượng trường tham dự, học sinh tham dự, dự án tham dự và dự án đạt giải trong 10 năm tại Cuộc thi cấp tỉnh- cấp THPT.

Biểu đồ thống kê số lượng trường tham dự, học sinh tham dự, dự án tham dự và dự án đạt giải trong 10 năm tại Cuộc thi cấp tỉnh- cấp THPT.

Theo báo cáo của các đơn vị tham gia Cuộc thi, hằng năm có từ 200 - 300 dự án tham gia vòng sơ tuyển để lựa chọn tham gia vòng chung kết cuộc thi cấp tỉnh, trên cơ sở đó lựa chọn từ 2 - 6 dự án tham gia Cuộc thi cấp quốc gia theo quy định từng năm của Bộ GD&ĐT.

Đáng chú ý, trong 10 năm tổ chức Cuộc thi, tất cả các địa phương đều có dự án tham gia dự thi và cũng đều có dự án đạt giải (số dự án đạt giải của địa phương có ít nhất là 5, nhiều nhất là 137), nhiều tỉnh, thành đã đạt được những thành tích đáng trân trọng.

Biểu đồ thống kế số lượng các đề tài đạt giải của từng đơn vị trong 10 năm tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.
Biểu đồ thống kế số lượng các đề tài đạt giải của từng đơn vị trong 10 năm tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.

Trong số các địa phương có dự án đạt giải cấp quốc gia nhiều nhất có thể kể đến thành phố Hà Nội (137 giải) và thành phố Hồ Chí Minh (97 giải). Trong số các địa phương ở vùng khó khăn nhưng tham gia tích cực và có nhiều dự án đạt giải phải kể đến Lào Cai (34 giải), Khánh Hòa (27 giải), Lạng Sơn (24 giải), Kon Tum (20 giải),… Tỉnh, thành có số lượng dự án đạt giải Cuộc thi cấp quốc gia nhiều nhất: Hà Nội với 137 dự án. Hà Nội cũng là địa phương có 11 dự án tham dự Cuộc thi cấp quốc tế, trong số đó có 3 dự án đạt giải.

Biểu đồ thống kê số lượng dự án khoa học kĩ thuật tham dự và đạt giải trong Cuộc thi cấp quốc gia trong các năm từ 2013 đến 2022.
Biểu đồ thống kê số lượng dự án khoa học kĩ thuật tham dự và đạt giải trong Cuộc thi cấp quốc gia trong các năm từ 2013 đến 2022.

Hằng năm, từ kết quả Cuộc thi, Bộ GD&ĐT lựa chọn những dự án đạt giải cao nhất và có đủ điều kiện (theo quy định tại Thông tư số 38) để tham gia Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học do Hoa Kỳ tổ chức.

Qua báo cáo của các địa phương về số lượng dự án, số lượng học sinh cấp THCS, THPT tham gia ở cuộc thi cấp địa phương tăng dần trong 10 năm qua cho thấy phong trào nghiên cứu khoa học của học sinh trung học ở cấp địa phương ngày càng phát triển từ số dự án đến số học sinh tham gia Cuộc thi. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2020, số dự án tham dự Cuộc thi giảm xuống do quy định mới của Ban tổ chức và do đặc điểm tình hình thực tiễn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Năm 2012, Việt Nam chính thức đăng ký là thành viên của Hội thi ISEF và bắt đầu tham gia Hội thi ISEF từ năm 2013. Năm 2020, Việt Nam không tham gia dự Hội thi ISEF do tình hình dịch Covid-19. Năm 2021, 2022 chúng ta lại tiếp tục tham gia dự thi, nhưng với hình thức trực tuyến.

Thành tích của học sinh Việt Nam trong Hội thi ISEF luôn luôn ổn định. Năm nào Việt Nam cũng là một trong khoảng 50% quốc gia và vùng lãnh thổ có giải tại Hội thi này.

Đây là kết quả phản ánh đúng sự phát triển của hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường trung học, gắn liền với việc đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh mà Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo thực hiện để chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ông Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại Hội nghị.

Ông Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại Hội nghị.

Sân chơi giúp học sinh thể hiện tài năng, sự sáng tạo

Tại hội thảo, ý kiến phát biểu đều thống nhất ý nghĩa, vai trò của Cuộc thi Khoa học kỹ thuật; tạo động lực mạnh mẽ cho các em học sinh học tập, nghiên cứu, nuôi dưỡng và phát triển các ước mơ khoa học tạo sản phẩm thiết thực phục vụ cuộc sống.

Theo ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế, trong 10 năm qua, Thừa Thiên Huế có 969 đề tài, dự án dự thi cấp tỉnh của học sinh khối THCS, THPT; 58 đề tài, dự án dự thi cấp quốc gia với kết quả có 54/58 đề tài, dự án đạt giải (trong đó 39 giải lĩnh vực và 15 giải toàn cuộc. Nhiều học sinh đạt giải trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia đã được dự xét tuyển thẳng đại học.

Đặc biệt, có 2 dự án của học sinh Thừa Thiên Huế được vinh dự tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế tại Hoa Kì. Dự án “Kích thích tư duy toán học thông qua hệ thống bài tập Hình học và trò chơi được thiết kế bằng phần mềm Scratch” của 2 em Huỳnh Đăng Khoa, Lê Anh Châu, học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương, tỉnh Thừa Thiên Huế đoạt giải đặc biệt do Hiệp hội Toán học Hoa kì trao tặng.

Ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế phát biểu tại hội nghị.

Ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế phát biểu tại hội nghị.

Ông Đặng Phước Mỹ khẳng định: Cuộc thi có sức hấp dẫn, đã thu hút một lượng khá đông học sinh tham gia với số lượng đề tài khá lớn, nội dung phong phú thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đề tài toán học, vật lý, hóa - sinh cho đến các đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội - hành vi, mỗi một đề tài đều có một mục đích cụ thể, một ý nghĩa đặc biệt.

Qua theo dõi các Hội thi ở cơ sở, Ban tổ chức nhận thấy tinh thần dám nghĩ, dám làm để tiến thân vào con đường khoa học của học sinh, sự tham gia chỉ đạo tích cực của Ban giám hiệu các nhà trường, các phòng GD&ĐT và đã phối hợp rất gắn kết với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật, Đoàn thanh niên và các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh.

“Cuộc thi đã trở thành một hoạt động thiết thực, thật sự là một sân chơi trí tuệ đỉnh cao, bổ ích và hấp dẫn cho các em học sinh. Đến với cuộc thi, học sinh dần hình thành và phát triển tư duy khoa học, ý tưởng sáng tạo, khả năng vận dụng các kiến thức được học vào việc tìm tòi, phát hiện và giải quyết các vấn đề của thực tiễn của cuộc sống.

Cuộc thi còn là cơ hội giúp học sinh giao lưu học tập, chia sẻ ý tưởng sáng tạo với các bạn bè trong và ngoài trường. Cuộc thi này sẽ góp phần thúc đẩy mạnh hơn nữa công tác đổi mới cách dạy, cách học, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trong các nhà trường phổ thông. Từ đó, việc đổi mới phương pháp dạy học lại có tác dụng thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học trong học sinh đạt chất lượng cao hơn.” - ông Đặng Phước Mỹ nhận định.

Hội nghị tổng kết 10 năm Cuộc thi khoa học và kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học.

Hội nghị tổng kết 10 năm Cuộc thi khoa học và kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học.

Qua 10 năm tham gia Cuộc thi, ông Hoàng Phát Đạt, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục Thường xuyên, Sở GD&ĐT An Giang cho biết: Cán bộ quản lí, giáo viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng đã có nhận thức đúng về vai trò của hoạt động nghiên cứu khoa học và Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học.

Số dự án đăng ký dự thi cấp tỉnh tăng từ năm 2013 đến 2018; và giữ ổn định khoảng 220 dự án từ năm 2019 đến nay 2022 (năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19). Số dự án đạt giải cấp quốc gia tương đối ổn định, trong 9 năm tham gia Cuộc thi cấp quốc gia có 2 năm không đạt giải; giải cao nhất là giải Nhất và được tuyển chọn dự thi cấp quốc tế năm 2021.

“Có thể nói, hoạt động nghiên cứu khoa học, Cuộc thi Khoa học kỹ thuật tạo động lực mạnh mẽ cho học sinh nghiên cứu, sáng tạo khoa học, nuôi dưỡng và phát triển những vấn đề thực tiễn cuộc sống thành các sản phẩm hiện thực. Thông qua việc hướng dẫn nghiên cứu khoa học và tham gia các Cuộc thi Khoa học kỹ thuật, trình độ, năng lực của cán bộ quản lý, giáo viên cũng được nâng cao.” - ông Hoàng Phát Đạt chia sẻ.

Ông Nguyễn Minh Thuận, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai phát biểu tại hội nghị.

Ông Nguyễn Minh Thuận, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai phát biểu tại hội nghị.

Ông Nguyễn Minh Thuận, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai thông tin: Trong 10 năm phát triển phong trào nghiên cứu khoa học và tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, tỉnh Lào Cai đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Với kết quả đạt được và những giải pháp đã thực hiện để đạt được hiệu quả; Lào Cai đánh giá hoạt động nghiên cứu khoa học nói chung và Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học nói riêng đã đạt được mục tiêu đề ra.

Cuộc thi góp phần quan trọng trong việc tác động nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục trong mỗi nhà trường; thay đổi phương pháp dạy - học, đổi mới kiểm tra, đánh giá của giáo viên; đào tạo học sinh năng động, sáng tạo, có phương pháp nghiên cứu khoa học, có nền tảng hướng nghiệp chắc chắn khi các em kết thúc bậc học trung học phổ thông vào các trường đại học.

Đặc biệt, năm học 2021-2022, trong bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, việc tổ chức thành công Cuộc thi theo hình thức trực tuyến một lần nữa khẳng định, hoạt động nghiên cứu khoa học và Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu cao của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Giáo dục.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Nghiên cứu để cải tiến, điều chỉnh Cuộc thi kịp thời, khả thi, hiệu quả

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, thường xuyên sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm nhưng do quy mô và tính đa dạng của Cuộc thi nên vẫn còn những tồn tại nhất định.

Để khắc phục các tồn tại, khó khăn nêu trên, Bộ GD&ĐT mà trực tiếp là Ban chỉ đạo và tổ chức Cuộc thi sẽ nghiên cứu để cải tiến, điều chỉnh kịp thời, khả thi và hiệu quả. Các văn bản hướng dẫn, thời điểm bắt đầu triển khai trong năm học sẽ chi tiết hơn, cụ thể hơn và sớm hơn. Đặc biệt là hướng dẫn việc tổ chức thực hiện tại các địa phương như thành phần Ban giám khảo, tiêu chí đánh giá,…

Bên cạnh đó, truyền thông để xã hội hiểu rõ tiêu chí đánh giá của Cuộc thi chủ yếu là đánh giá quá trình, phương pháp nghiên cứu khoa học của học sinh tham gia vào dự án chứ không hoàn toàn chỉ đánh giá sản phẩm của dự án.

Tại hội thảo, các ý kiến cũng đề xuất cũng mong muốn sau mỗi lần tổ chức Cuộc thi, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết để đánh giá, rút kinh nghiệm cụ thể, chi tiết và có những điều chỉnh kịp thời. Qua đó giúp các địa phương thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học phát biểu tại hội nghị.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học phát biểu tại hội nghị.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT xem xét để triển khai sớm hơn để các địa phương có thể xây dựng, triển khai kế hoạch ngay từ đầu năm học; xem xét về chế độ cho giáo viên hướng dẫn và học sinh tham gia có dự án đạt thành tích cao để động viên giáo viên tham gia hướng dẫn và học sinh tham gia thực hiện.

Bộ GD&ĐT đã tiến hành khảo sát ý kiến của các cán bộ quản lý giáo dục cấp Sở, Phòng, nhà trường và các giáo viên trung học, với 87.909 ý kiến thu được. Kết quả cho thấy: 47% cho rằng, nên tiếp tục tổ chức Cuộc thi, nhưng có những cải tiến cho phù hợp. 36% cho rằng, nên xem xét dừng một thời gian để tìm biện pháp tổ chức phù hợp hơn. 19% cho rằng, nên có sự phối hợp, hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ; 4% cho rằng, nên tăng số đề tài của tỉnh, thành tham dự Cuộc thi toàn quốc.

Do có sự chênh lệch giữa hai cấp học, giữa các vùng miền, các địa phương cũng đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét điều chỉnh quy chế, tiêu chí đánh giá dự án theo cấp học, theo vùng miền. Quy định này vừa dùng trong đánh giá cấp quốc gia, vừa hướng dẫn các địa phương để sử dụng cho phù hợp. Đồng thời, trong quy định cũng hướng dẫn rõ việc nhận biết, sàng lọc dự án để nhận biết được những dự án thực sự do học sinh thực hiện.

Cùng với đó, đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét để trong văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ có quy định cụ thể định mức kinh phí tối thiểu để các địa phương thuận lợi hơn trong tổ chức thực hiện tại địa phương và đi tham dự cấp quốc gia…

Trên cơ sở kết quả 10 năm thực hiện Cuộc thi; từ ý kiến đề xuất của các cán bộ quản lý, giáo viên trung học ở các địa phương; qua trao đổi ý kiến với một số cơ quan, nhà khoa học, giảng viên trường đại học,… có thể thấy cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng Cuộc thi trong giai đoạn tới.

Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học được Bộ GD&ĐT tổ chức hằng năm nhằm mục đích:

- Khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống. Đặc biệt, cuộc thi cũng tạo môi trường tốt cho học sinh thực hành tiếng Anh.

- Góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học; đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập; phát triển năng lực học sinh; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

- Khuyến khích cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của học sinh trung học. Tăng cường mối liên hệ giữa cơ sở giáo dục đại học với giáo dục phổ thông; khuyến khích các nhà khoa học tham gia vào đổi mới giáo dục phổ thông; tạo cơ hội cho giáo viên, học sinh phổ thông được tiếp cận, giao lưu học thuật với các nhà khoa học, giảng viên đại học, viện nghiên cứu; khai thác các nguồn lực trong các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở nghiên cứu khoa học.

- Tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của mình; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...