Để con được nghỉ hè đúng nghĩa

GD&TĐ - Nhiều phụ huynh có quan điểm là con trẻ cả năm đã vùi đầu vào học tập, nên mùa hè tới thì cho con nghỉ ngơi thả cửa. Tuy nhiên, điều này có thể tạo nên những thói quen xấu lười vận động, lười động não… ở trẻ.   

Để con được nghỉ hè đúng nghĩa

Việc phối hợp hài hòa giữa chơi và học, đặc biệt việc học thiên về những kĩ năng mềm sẽ giúp trẻ bổ sung vốn sống mà không bị căng thẳng trí óc.

Xả hơi dễ hình thành thói quen xấu

Vấn đề giờ giấc không còn hối thúc đứa trẻ mỗi buổi sáng nữa nên căn bệnh thường gặp nhất của học sinh khi được nghỉ hè là... ngủ nướng. Dậy muộn, ăn sáng muộn, bữa trưa gộp một đã khiến sinh hoạt của nhiều đứa trẻ đảo lộn.

Khi việc “ngủ bù” trở thành thói quen, việc giấc ngủ bị kéo dài bất thường lại có những tác động rất xấu đến sức khỏe, trẻ thường có tâm trạng đờ đẫn và cảm thấy mệt mỏi hơn rất nhiều khi tỉnh dậy. Ngoài ra, ngủ nướng cũng có thể gây ra đau đầu, đau lưng và trầm cảm do tiểu não hoạt động quá ít, cơ bắp bị trì trệ vì thiếu vận động.

Dù con chưa chính thức nghỉ hè nhưng chị Thanh Đạm (Khương Trung - Hà Nội) đã phải đi tìm hiểu mấy CLB võ thuật đang hoạt động trên địa bàn quận Thanh Xuân và các CLB sở thích trong thành phố.

Chị đã có kinh nghiệm “xương máu” mùa hè trước khi mãi mới dứt được cậu con trai lớp 7 của mình ra khỏi cơn nghiện “xả hơi với máy tính” với đủ các trò chơi điện tử. “Năm nay, vợ chồng mình phải lên kế hoạch “nghỉ hè” cho con từ rất sớm…”, chị Đạm chia sẻ.

Chị Đạm cũng tham khảo tư vấn của các chuyên gia. Chị “quán triệt” rằng việc tập luyện luôn phải điều độ, vừa sức và hợp lý mới giúp cơ thể trẻ khỏe mạnh, rắn chắc và dẻo dai. Muốn vậy, mẹ phải “đi kèm” với một thực đơn thích hợp với nhiều rau xanh, hoa quả tươi để tăng miễn dịch, giúp con hấp thụ dinh dưỡng và hạn chế tối đa những tác động xấu có thể xảy ra với cơ thể đang phát triển của con.

Hài hòa giữa học và chơi

Vài năm nay, các lớp dạy kỹ năng sống vào dịp hè ngày càng được phụ huynh lựa chọn. Nhưng cho con học gì trong hè là điều mà phụ huynh cần phải cân nhắc. Từ kinh nghiệm thực tế, TS Vũ Thu Hương, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội khuyên: “Bố mẹ nên cân nhắc, xem con thiếu gì thì cho trẻ đi học cái đó. Nghỉ hè rồi, lại “nhồi nhét” các môn Toán, Tiếng Anh... thì không nên vì dễ khiến con quá tải, mệt mỏi, mất hứng khi vào năm học mới”.

Theo TS Thu Hương, phụ huynh nên cho con bắt đầu với những lớp dạy kỹ năng thoát hiểm, sử dụng các vật dụng trong gia đình, sử dụng đồng tiền ra sao... Chia sẻ câu chuyện của chính con gái 16 tuổi, chị Hương cho hay từ khi 6 tuổi, cháu được học lớp kỹ năng dạy thoát hiểm đầu tiên, rồi đến kiến thức giới tính, sử dụng kim, búa, dao, kéo, đồ điện trong nhà, tính toán tiền nong ra sao.

Từ lớp 3, con gái chị tự đi bộ đến trường, buổi trưa không ngủ ở trường mà quay về nhà, phụ giúp mẹ nấu cơm, ăn cơm ở nhà rồi chiều đi học tiếp. 15 tuổi, cô bé có thể một mình sang Singapore, tự đi làm thêm ở ngoại tỉnh để kiếm tiền.

Nhờ được va chạm, cọ xát với đời sống thực tế con gái chị có cái nhìn toàn diện sâu sắc hơn, kiến thức cộng đồng cũng phong phú hơn.

Để quản lý trẻ an toàn, tùy từng gia đình, tùy điều kiện hoàn cảnh cụ thể mà lựa chọn giải pháp phù hợp, như:

Cho con về quê sống cùng ông bà, người thân để trẻ được hòa mình với thiên nhiên, sinh tồn và thích nghi trong môi trường dân dã, không khí trong lành, song cũng cần lưu ý đảm bảo an toàn khi trẻ chơi gần ao hồ, sông suối, giếng nước…

Cho trẻ tham gia các lớp học kỹ năng sống, học kỳ quân đội, trại hè, các lớp năng khiếu, học bơi, các khóa học trải nghiệm tự sinh tồn… là một giải pháp tuyệt vời nhằm hoàn thiện kỹ năng còn khuyết, phát triển năng khiếu tiềm ẩn, từng bước nuôi dưỡng khả năng tự lập, biết tự ứng biến khi xảy ra sự cố không mong muốn…

Với những trẻ từ 7 tuổi trở lên, phụ huynh có thể hướng dẫn con làm lịch hoạt động sáng/trưa/chiều tại nhà, mỗi hoạt động diễn ra trong 30 - 60 phút, dùng các trò chơi với đồ dùng sẵn có trong nhà theo hình thức: Đóng vai, giả tưởng, sáng tạo, tô màu, vẽ tranh, đọc sách, nghe bài hát tiếng Anh…

ThS Lê Thị Lan Anh - Viện trưởng

Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt (IEDV)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ