Có nơi đưa ra tỷ lệ nhưng không đi kèm điều kiện để triển khai. Điều này khiến nhà trường, giáo viên chạy đua để thực hiện, dẫn đến biến tướng trường chuẩn hoặc gây bức xúc dư luận. Vậy làm sao để giữ được chuẩn mà vẫn đồng hành cùng sự phát triển của người học?
Cần sự đồng hành từ nhiều phía
Là cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và kiểm định chất lượng cấp độ 3, Trường THCS Lý Thánh Tông (Quận 8, TPHCM) có diện tích 8.458m2 với bình quân 35 học sinh/lớp.
Thầy Nguyễn Long Giao - Hiệu trưởng nhà trường - cho rằng: Để giữ chuẩn bền vững và đồng hành cùng sự phát triển của học sinh cần tăng cường truyền thông để toàn xã hội hiểu được sự cần thiết của việc phải xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Từ đó, mọi người dân có trách nhiệm phối hợp với ngành Giáo dục để cùng thực hiện, tạo sự chuyển biến về nhận thức của lãnh đạo các địa phương và nhân dân. Bên cạnh đó, nhà trường phải tuyên truyền đến đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh thấy được việc trường đạt chuẩn quốc gia, kiểm định chất lượng giáo dục là quyền lợi, vinh dự và trách nhiệm của cá nhân thì khi ấy tất cả đều phải nỗ lực giữ chuẩn bền vững.
“Để giữ vững trường chuẩn quốc gia, kiểm định chất lượng giáo dục, lãnh đạo nhà trường phải xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển một cách rõ ràng, thường xuyên rà soát, cập nhật và bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của trường. Bên cạnh đó, nhà trường cũng phải phân công trách nhiệm của từng thành viên khi thực hiện các tiêu chuẩn đã đề ra và chỉ đạo, động viên kịp thời. Song song đó là huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nhà trường trong quá trình thực hiện, đồng thời thường xuyên kiểm tra, rà soát nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, hướng đến mục tiêu giữ chuẩn bền vững và thực chất...” - thầy Nguyễn Long Giao nêu ý kiến.
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Văn Hồng - Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - cho rằng: Mục đích xây dựng trường chuẩn quốc gia là giúp nhà trường lập kế hoạch cải tiến, duy trì và nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục. Đồng thời khuyến khích nhà trường đầu tư và huy động các nguồn lực, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.
“Theo quy định tại Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT và Thông tư số 18/2018/TT-BGDĐT, để đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia, các cơ sở giáo dục tiểu học, THCS và THPT phải đạt được 5 tiêu chuẩn theo 4 mức độ khác nhau và tăng dần từ 1 đến 4. Để giữ chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận đạt chuẩn quốc gia bền vững, các cơ sở giáo dục phải liên tục cải tiến và nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của 5 tiêu chuẩn này theo mức độ đánh giá phù hợp...” - PGS.TS Bùi Văn Hồng chia sẻ.
Từ trái qua: Thầy Nguyễn Long Giao, TS Nguyễn Thị Quốc Minh, PGS.TS Bùi Văn Hồng, thầy Phạm Trung Hữu. |
Kỳ vọng vào ngôi trường đạt chuẩn
Nói về kỳ vọng của mình, thầy Phạm Trung Hữu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM), chia sẻ: Ngôi trường đạt chuẩn là tạo lập được uy tín, niềm tin với phụ huynh, cấp ủy, chính quyền và cộng đồng địa phương thông qua việc khẳng định chất lượng. Phát huy vai trò của từng giáo viên chủ nhiệm trong sự kết hợp giữa phụ huynh học sinh và nhà trường. Trong đó, phương pháp giáo dục có tính ứng dụng thực tế, luôn chú trọng đến phát triển nhân cách toàn diện để học sinh không chỉ học các môn văn hóa, mà còn rèn luyện những kỹ năng cần thiết trong giao tiếp, ứng xử như làm việc nhóm, thuyết trình…
“Sĩ số học sinh trong mỗi lớp chỉ khoảng 30 em, dưới sự quản lý trực tiếp của giáo viên chủ nhiệm và trợ giảng, đảm bảo học sinh luôn được quan tâm và chăm sóc chu đáo... Đội ngũ thầy, cô giáo đảm bảo đúng chuẩn và hưởng các quyền lợi phù hợp với giá trị của sản phẩm là tri thức, ngôi trường phải xây dựng được thương hiệu riêng theo từng mức độ của chuẩn theo quy định...” - thầy Phạm Trung Hữu trao đổi.
Tương tự, thầy Nguyễn Long Giao mong muốn: “Ngoài việc phải đạt những tiêu chuẩn theo quy định thì ngôi trường đạt chuẩn cần có thêm một số tiêu chí của mô hình trường hạnh phúc được Bộ triển khai từ năm 2019. Theo đó, trường được xã hội, chính quyền địa phương quan tâm, đồng thời được tập thể sư phạm nhà trường cùng phụ huynh học sinh chung tay xây dựng theo hướng xanh - sạch - đẹp - an toàn - yêu thương - tôn trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường...”.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Thị Quốc Minh (giảng viên Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM) cho rằng: Một ngôi trường chuẩn đầu tiên phải nói đến chất lượng đào tạo, khuôn viên rộng, đầy đủ các phòng chức năng, đồng thời phải có sân chơi để cho học sinh học tập. Ngoài việc chú trọng học tập, nhà trường còn phải giáo dục các em kỹ năng sống.
Đối với giáo viên, ngoài vai trò là người thầy, còn là người bạn gần gũi, chia sẻ và thấu hiểu; dạy các em học bài học về bản lĩnh để mạnh mẽ và vững tin khi vào đời. Bên cạnh đó, giáo viên cần thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế, không máy móc, sáo rỗng…
Về quản lý, lãnh đạo trường không sử dụng quá nhiều câu ra lệnh, mà phải có tầm nhìn, có cái tâm, biết trọng dụng người tài, biết bứt phá, sáng tạo trong quản lý để đánh thức năng lực tập thể.
“Ngôi trường mà tôi kỳ vọng là đạt chuẩn lý tưởng “hạnh phúc - yêu thương - trách nhiệm”. Dạy học quan trọng nhất là dạy đạo đức để học sinh sống có trách nhiệm, biết yêu thương và chia sẻ. Đôi khi chúng ta quá chú trọng thành tích mà quên đi dạy làm người mới quan trọng. Thiếu kỹ năng sống khiến trẻ dễ chán nản bi quan và hời hợt... Vì thế, bản thân tôi cảm thấy học sinh cần tham gia hoạt động trải nghiệm, hoạt động xã hội nhiều hơn; cần học kỹ năng sống nhiều hơn để các em năng động, sống có trách nhiệm và biết quan tâm...” - TS Nguyễn Thị Quốc Minh chia sẻ.